Xây lũy xanh trên phên dậu Tổ quốc

0
94
Xây lũy xanh trên phên dậu Tổ quốc

Biên phòng – Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp góp tiền mua tre về trồng dọc theo đường biên giới và bàn giao cho nhân dân quản lý, phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống là cách làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông, BĐBP Lai Châu được chính quyền địa phương đánh giá rất cao. Phên dậu biên cương được “xây” bằng những cây tre thân thuộc với tinh thần đoàn kết gắn bó quân và dân nơi biên giới, hứa hẹn mang lại những điều tốt đẹp trong tương lai.

Xây lũy xanh trên phên dậu Tổ quốc
Đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu, Hội LHPN các cấp, UBND xã Huổi Luông, Đồn Biên phòng Huổi Luông tặng giống tre bát độ cho người dân bản Hồ Thầu. Ảnh: Đức Duẩn

Cùng đồng lòng, chung tay

Trải qua những năm tháng gắn bó với biên giới, cũng như rất nhiều người lính Biên phòng khác, Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, đời sống của người dân trên địa bàn do đơn vị quản lý ngày càng phát triển. Trước đây, nhiều hộ dân ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trồng chuối để bán sang Trung Quốc. Việc này đã đem lại nguồn thu cho các gia đình, tuy không giàu nhưng đời sống của người dân được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đầu ra của trái chuối gặp khó khăn, bởi vậy mà người dân dần dần bỏ trồng chuối, thay vào là sắn, ngô dù hiệu quả kinh tế không cao. Sự thay đổi này khiến Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông trăn trở, suy nghĩ tìm, lựa chọn cây, con giống mới sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và được sự đồng thuận của chính quyền cũng như nhân dân để đạt hiệu quả cao nhất.

Thực ra, trước đó, qua báo chí, Trung tá Lê Văn Quyết biết đến việc cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh trồng tre dọc bờ sông biên giới Ka Long, BĐBP Quảng Trị trồng tràm dọc sông biên giới Sê Pôn, hay BĐBP Lạng Sơn cũng triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” bằng cách hỗ trợ người dân biên giới huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn trồng tre bát độ dọc theo đường biên giới. Việc trồng tre, tràm dọc bờ sông không chỉ ngăn sạt lở, mà còn giúp dân phát triển kinh tế, vì sau khi trồng,tre, tràm được bàn giao lại cho người dân chăm sóc, quản lý và khai thác. Ở Việt Nam, cây tre chỗ nào cũng mọc được, nếu giúp bà con Hà Nhì nơi đây trồng tre bát độ, người dân không phải chăm sóc nhiều và “đầu ra” cho măng cũng rất ổn.

Và bản Hồ Thầu (xã Huổi Luông) là nơi cư ngụ lâu đời của người Hà Nhìđược chọn làm thí điểm mô hình “Lũy tre biên thùy”. Người dân nơi đây có tiếng chăm chỉ làm ăn, nhiều người “dám” thử, “dám” đổi mới. Nhân dân bản giáp biên này tuy cuộc sống còn gặp khó khăn nhưng vẫn luôn ủng hộ, đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông bảo vệ biên giới.

Trưởng bản Hồ Thầu là ông Lý A Tro khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông hỏi ý kiến đã rất phấn khởi, tự tin “bản chúng tôi sẽ làm được”. Những người lính Biên phòng lại đi thêm một bước, đó là trao đổi với lãnh đạo UBND xã Huổi Luông vànhận được nhất trí vì bài toán sinh kế luôn là mục tiêu hướng đến, nay có sự chung tay, đồng hành của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thì nhất định sẽ thành công. Thành công hơn cả là chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Hội LHPN huyện Phong Thổ, Hội LHPN thành phố Lai Châu, thống nhất là một trong những hoạt động của Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”.

Gieo những niềm tin

Sau khi phát động, mô hình “Lũy tre biên thùy” đã có được 90 triệu đồng do các đơn vị đóng góp. Đồn Biên phòng Huổi Luông mua gần 4.000 gốc tre bát độ và nhanh chóng phối hợp với UBND xãHuổi Luông, Hội LHPN thành phố Lai Châu, Hội LHPN huyện Phong Thổ tổ chức lễ triển khai mô hình “Lũy tre biên thùy”. Bà Khoàng Thị Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; Đại tá Trần Nguyên Kỷ, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh; Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện Phong Thổ; Thường trực UBND thành phố Lai Châu; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phong Thổ, thành phố Lai Châu tới dự thể hiện sự quan tâm như nguồn động viên quý giá đối với những người tổ chức mô hình và nhân dân bản Hồ Thầu.


Người dân bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trồng tre tại thực địa theo mô hình “Lũy tre biên thùy”. Ảnh: Đức Duẩn

Theo Trung tá Lê Văn Quyết, việc triển khai mô hình rất có ý nghĩa, bởi tre là cây trồng quen thuộc, gắn liền với đời sống, tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam. Thông qua việc trồng tre sẽ phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, khi cây tre phát triển giúp người dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Việc làm này cũng góp phần đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại lễ triển khai mô hình “Lũy tre biên thùy”, Đại tá Trần Nguyên Kỷcảm ơn sự đồng hành của Hội LHPN các cấp, chính quyền xã Huổi Luông đã đồng hành cùng BĐBP trong việc xây dựng, quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Huổi Luông và Đồn Biên phòng Huổi Luông hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cho cây phát triển tốt; tuyên truyền cho người dân trong quá trình trồng tre thực hiện nghiêm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc; vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ngay sau triển khai mô hình, đông đảo cán bộ, nhân dân đã di chuyển ra đường biên giới để trồng tre. Việc trồng tre tiến hành cách đường biên giới khoảng 20m về phía Việt Nam, ngoài phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới, phù hợp với Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Một không khí vui tươi, phấn khởi diễn ra trên đường biên. Mọi người vừa làm việc, vừa trò chuyện và biết bao nhiêu kế hoạch, dự định được đặt ra.

Chị Hoàng Thị Dợ phấn khởi nói: “Hôm nay không chỉ được tặng tre giống, chúng tôi còn được Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu và Hội LHPN tỉnh Lai Châu tặng quà, các cháu học sinh nghèo cũng được tặng học bổng.Tôi mong rằng, việc trồng tre sẽ giúp cải thiện đời sống gia đình”. Trong khi đó, Trưởng bản Lý A Tro nói đầy tin tưởng: “Có những lũy tre này sẽ “đánh dấu” đường biênthì việc tuần tra sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều. Nếu tất cả các bản giáp biên đều trồng tre thế này thì sẽ dễ quản lý biên giới hơn mà đời sống người dân cũng chắc chắn khá giả hơn”.

Có thể thấy, sự đoàn kết gắn bó quân – dân nơi biên giới Huổi Luông được thể hiện rõ nét qua việc triển khai mô hình “Lũy tre biên thùy”. Người lính Biên phòng tri ân đồng bào đã đồng hành, giúp đỡ, đùm bọc bộ đội và niềm tin của người dân càng được củng cố sau mỗi việc làm của những người lính “ba bám, bốn cùng” với bà con.

Trúc Hà

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here