Vỡ nợ, ông chủ 4 quán cafe tìm được đường sống với xe cafe di động

0
42
Vỡ nợ, ông chủ 4 quán cafe tìm được đường sống với xe cafe di động

Ông chủ vỡ nợ vì Covid-19

Hai năm trước, Phan Văn Dương (32 tuổi, quê Hà Nam) là ông chủ của bốn quán cà phê nhưng hiện tại, anh bán cà phê dạo. Với Dương, thời buổi này tìm được chỗ “đứng đường” cũng là may mắn.

Nhớ lại những ngày còn làm ông chủ, Dương chia sẻ, quán cafe đầu tiên của anh trên phố Chùa Láng (Hà Nội) ra đời năm 2014 nhờ vào số tiền 17 tháng chạy xe ôm công nghệ tích góp vốn liếng.

Vỡ nợ, ông chủ 4 quán cafe tìm được đường sống với xe cafe di động - 1

Chiếc xe bán cafe của Dương do chính anh lên ý tưởng và nhờ thợ thiết kế (Ảnh: Nguyễn Sơn).

“3 tháng đầu quán không có khách, suốt thời gian đó tôi và nhân viên buổi tối đến chỉ mở nhạc, xem phim rồi lại đóng cửa ra về. Chán nản, tôi lang thang trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) thì tình cờ bắt gặp một quán cafe âm nhạc rất đông và nhộn nhịp.

Vào trải nghiệm thử mới biết quán đông vì có sân khấu, có ban nhạc và ca sĩ hát. Tôi nghĩ phải làm theo mô hình này. Đêm đó, tôi thức trắng đêm lên kế hoạch thay đổi quán cafe của mình thành nơi mọi người hát cho nhau nghe. Vài ngày sau, quán bắt đầu đông khách”, Dương chia sẻ.

Gặp thời, ăn nên làm ra, lợi nhuận từ quán cafe ban đầu, Dương đầu tư làm quán cafe thứ 2. Cứ vậy, đến năm 2020, anh đã sở hữu 4 quán cafe và một cửa hàng chuyên về trang điểm.

“Ngày đó cứ kiếm được bao nhiêu tiền tôi lại đầu tư mở thêm quán. Khi quán cafe thứ 4 bắt đầu vận hành, tôi còn dư gần 1 tỷ đồng tiền mặt”, Dương chia sẻ.

Vỡ nợ, ông chủ 4 quán cafe tìm được đường sống với xe cafe di động - 2

Những điểm bán cafe di động dần trở nên quen thuộc với dân văn phòng (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Với 4 quán cafe, trừ hết chi phí vận hành, mỗi tháng Dương bỏ túi gần 100 triệu đồng. Thời điểm đó, Dương nghĩ mình đã “thắng”, cho đến khi Covid-19 ập đến. Nguồn thu không có, số tiền tiết kiệm cũng lần lượt đội nón ra đi.

Một năm bỏ tiền túi để duy trì quán, vốn cạn kiệt, Dương đi vay lãi bên ngoài để cầm cự. Khi số tiền vay lãi lên tới gần 500 triệu, anh buộc phải đóng cửa toàn bộ các quán.

“Ban đầu tiếc công gây dựng, nên thời điểm giãn cách xã hội, tôi bỏ tiền túi để trả tiền mặt bằng, tiền lương nhân viên. Riêng tiền mặt bằng 18 triệu đồng/quán, 4 quán gần 80 triệu, tiền lương 12 nhân viên cũng vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Khi cả tiền túi, tiền đi vay lãi hết, tôi mới đành đóng cửa quán vì trụ không nổi với số tiền lãi hàng tháng lên tới 30-40 triệu đồng”, Dương nói.

Để có tiền đóng lãi hàng tháng, Dương lao ra đường khi mọi người đều ở nhà tránh dịch. Anh chạy xe ôm, buôn bán hoa quả, làm môi giới cho khách buôn quần áo ở chợ Ninh Hiệp… Việc gì anh cũng làm, chỉ cần kiếm ra tiền.

Vỡ nợ, ông chủ 4 quán cafe tìm được đường sống với xe cafe di động - 3

Dương tìm thấy niềm vui với mô hình khởi nghiệp của chính mình (Ảnh: Nguyễn Sơn).

“Lúc đó, số tiền lãi hàng tháng đến hẹn phải trả nên khi mọi người ở nhà, tôi lại trốn ra ngoài kiếm việc. Chạy xe ôm thu nhập không đủ, tôi lên mạng tìm kiếm thêm việc, thấy mọi người có nhu cầu tìm mua cam, sả về phòng dịch. Thấy cơ hội kiếm tiền đến, mỗi sáng tôi dậy sớm đến chợ đầu mối lấy cam, sả rao bán trên các hội, nhóm chung cư…

Nguồn thu nhập từ 2-3 công việc giúp tôi kiếm đủ tiền trả lãi hàng tháng. Hết dịch, tôi xin chủ nợ giảm cho khoản lãi để đi làm trả gốc dần. Cuối năm 2022, cả tiền đi làm và vay mượn người thân tôi mới trả hết phần tiền đi vay lãi”, Dương chia sẻ.

Trả xong nợ, Dương lại loay hoay nghĩ cách tiếp tục mưu sinh. Biết được hoàn cảnh của anh, một người quen giới thiệu anh làm chân chở hàng cho các cơ sở kinh doanh quần áo ở chợ Ninh Hiệp. 

Học lỏm được cách kiếm tiền của cánh xe ôm bên chợ và nhờ mối quan hệ thân quen với các xưởng sản xuất, anh giới thiệu khách hàng cho xưởng để kiếm thêm tiền hoa hồng.

Cứ mỗi khách giới thiệu, anh được trả công 5.000 đồng/sản phẩm. Báo giá thêm với khách 2.000 đồng, mỗi sản phẩm anh kiếm được 7.000 đồng. 

“Mỗi khách đến xưởng nhập hàng phải 200-300 sản phẩm thì xưởng mới đồng ý làm nên nhờ đó có ngày tôi bỏ túi tiền triệu. Có tháng tôi kiếm được vài chục triệu. Công việc này đang “ngon ăn” thì vài tháng sau khách quen họ làm việc trực tiếp với xưởng, những người trung gian như tôi lại thất nghiệp”, Dương trải lòng.

Khi ông chủ ra… đứng đường

Có chút tiền làm vốn, Dương trở lại Hà Nội và thử khởi nghiệp lại với mô hình xe cafe di động. Thời điểm trước dịch cũng từng kinh doanh cafe kiểu này nên Dương không gặp khó khi bắt đầu lại.

“Sau biến cố phải đóng cửa 4 quán cafe, tôi không còn đủ tiền để mở lại quán. Hơn nữa, sau dịch tình hình kinh tế chung khó khăn, việc mở quán vô cùng mạo hiểm. 

Tôi có xem được một chương trình gọi vốn khởi nghiệp, có một bạn ở TPHCM lên gọi vốn kinh doanh mô hình xe cafe di động. Tôi thấy đây là cơ hội cho mình ở Hà Nội”, Dương chia sẻ lý do anh chọn khởi nghiệp lại với xe cafe di động.

Vỡ nợ, ông chủ 4 quán cafe tìm được đường sống với xe cafe di động - 4

Sau 4 tháng khởi nghiệp, mỗi ngày Dương bán được 120-150 cốc cafe mang đi, anh bỏ túi gần 20 triệu đồng/tháng (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Dương tính, so với mở quán, xe cafe di động thuận tiện bởi không mất tiền thuê mặt bằng, bàn ghế hay đồ trang trí, lại dễ thu hút khách nếu sản phẩm chất lượng. Anh lang thang khắp phố tìm địa điểm kinh doanh.

“Khi đang ngồi uống trà đá vỉa hè trên đường Cầu Giấy, tôi thấy bác bán tào phớ dạo rất đông khách, hỏi ra mới biết bác này đã bán ở đây 7 năm nên tôi quyết chọn đây là điểm để bắt đầu khởi nghiệp”, Dương quả quyết.

Sau bốn tháng “đứng đường”, mỗi ngày anh bán hết 3 lít cafe cô đặc, tương đương hơn 100 cốc đã pha chế, phục vụ dân văn phòng, giá từ 15.000-20.000 đồng/cốc. Ngoài cafe truyền thống, anh còn bổ sung thêm các loại nước ép trái cây vào thực đơn để phục vụ thêm khách nữ.

“Tôi không khởi nghiệp theo trend như hiện tại, mỗi địa điểm lựa chọn tôi đều dành ra cả tháng để quan sát, nghiên cứu sau đó mới quyết định “đóng đô” ở đó. Cafe tôi xay pha tại chỗ bằng máy, khách hàng đến mua đều tận mắt thấy cả quy trình nên rất tin tưởng và ủng hộ”, Dương chia sẻ.

Nhận thấy nhu cầu người mua đồ uống mang đi cao, Dương mở thêm ba điểm bán ở phố Duy Tân, hồ Ngọc Khánh và trên đường Xuân Thủy. Anh đứng bán tại đường Đê La Thành, 3 điểm còn lại anh đào tạo nghề cho các bạn trẻ chưa có công việc ổn định và có nhu cầu khởi nghiệp.

Vỡ nợ, ông chủ 4 quán cafe tìm được đường sống với xe cafe di động - 5

Khởi nghiệp thành công, Dương giúp đỡ nhiều người có cùng hoàn cảnh khởi nghiệp (Ảnh: Nguyễn Sơn).

“Thu nhập của tôi chủ yếu ở một địa điểm tôi đứng bán, 3 điểm còn lại tôi hỗ trợ miễn phí. Tôi từng giống họ, chạy xe ôm, làm văn phòng nên tôi hiểu khó khăn mỗi người đang gặp phải nên tôi hỗ trợ các bạn ấy khởi nghiệp”, anh chia sẻ.

Là 1 trong 3 người được Dương hỗ trợ, mỗi ngày Hoàng Duy Huỳnh (24 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội) đứng bán đồ uống tại hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Hơn 2 tháng khởi nghiệp, mỗi ngày Huỳnh bán được 50-60 ly cafe.

Trước khi khởi nghiệp với mô hình này, Huỳnh từng trải qua nhiều công việc khác nhau, làm nhân viên văn phòng, chạy xe ôm công nghệ nhưng thu nhập không đủ sống hoặc công việc vất vả, nguy hiểm.

Vỡ nợ, ông chủ 4 quán cafe tìm được đường sống với xe cafe di động - 6

Huỳnh cũng đang khởi nghiệp mô hình xe cafe di động (Ảnh: Nguyễn Sơn).

“Năm 2018 tôi sang Nhật 4 năm theo diện du học, vừa học vừa làm. Đến đầu năm 2002 về nước tôi gần như không có gì trong tay. Sau đó, tôi xin đi làm nhân viên văn phòng cho một công ty chuyên về bất động sản nhưng chỉ trụ được 2 tháng vì thu nhập không đủ sống.

Nghỉ làm văn phòng, tôi đi chạy xe ôm công nghệ. Một lần tình cờ biết anh Dương qua mạng xã hội với mô hình kinh doanh xe cafe di động, tôi ngỏ lời và được anh giúp đỡ”, Huỳnh kể.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here