(Dân sinh) – Các lĩnh vực hợp tác trong phát triển kỹ năng và lao động, Năng lượng, Phát triển bền vững, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Singapore theo hướng bền vững, lâu dài.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Tan See Leng ký Bản ghi nhớ trong lĩnh vực phát triển kỹ năng và lao động.
Ngày 28/08, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (từ ngày 27 – 29/08/2023), dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore, hai Bên đã ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan hai nước.
Thúc đẩy phát triển kỹ năng và lao động
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng ký Bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Nhân lực Singapore trong lĩnh vực phát triển kỹ năng và lao động.
Theo đó, Bản ghi nhớ tập trung vào các hoạt động về chia sẻ điển hình tốt trong việc phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động địa phương; Chia sẻ những điển hình tốt và các mô hình thành công về phát triển kỹ năng nghề, gắn phát triển nghề với nhu cầu của ngành và chuyên môn kỹ thuật trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phát triển kỹ năng nghề phù hợp;
Trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý và quản trị phát triển kỹ năng theo ngành và ở cấp quốc gia; Thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm trong quản lý và quản trị phát triển kỹ năng theo ngành và ở cấp quốc gia; Thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm liên quan đến công nghệ số và chuyển giao công nghệ về giáo dục dạy nghề để tăng cường đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn và lồng ghép các kỹ năng xanh và bền vững vào chương trình đào tạo;
Thúc đẩy trao đổi kiến thức và nâng cao năng lực về đào tạo chất lượng cao cho 03 Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao của Việt Nam; Tìm kiếm các lĩnh vực chia sẻ kiến thức khác mà hai Bên cùng quan tâm trong lĩnh vực phát triển kỹ năng và lao động.
Các Bên đồng ý mọi hoạt động trao đổi kiến thức về hợp tác phát triển kỹ năng và lao động sẽ được tiến hành phù hợp và tuân theo các điều khoản của Bản ghi nhớ và luật pháp, quy định quốc gia của mỗi Bên cũng như điều ước quốc tế mà mỗi bên là thành viên và trong giới hạn năng lực, quyền tài pháp và nguồn lực sẵn có của mỗi Bên.
Hai bên sẽ thành lập một Nhóm công tác bao gồm đại diện của cả hai Bên. Nhóm công tác sẽ gặp nhau bất cứ khi nào cần thiết để thảo luận, thống nhất hoặc xem xét các hoạt động liên quan phù hợp với các mục tiêu và lĩnh vực hợp tác của Bản ghi nhớ này.
Bản ghi nhớ có hiệu lực kể từ ngày ký, có hiệu lực trong thời hạn 5 năm, và sẽ được tự động gia hạn trong khoảng thời gian 5 năm liên tiếp (mỗi khoảng thời gian như vậy được gọi là “Thời gian gia hạn”) trừ khi một trong hai Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia về ý định không gia hạn Bản ghi nhớ (ít nhất 3 tháng trước khi kết thúc Thời hạn ban đầu hoặc thời hạn gia hạn).
Việc chấm dứt hiệu lực của Bản ghi nhớ không ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác đang được triển khai trước ngày chấm dứt hiệu lực.
Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Tan See Leng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng ký Bản ghi nhớ ITX.
Trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Singapore-Việt Nam
Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng Bộ trưởng Bộ Nhân lực kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore Tan See Leng ký Biên bản ghi nhớ về “Chương trình Trao đổi tài năng đổi mới sáng tạo Singapore-Việt Nam” (ITX).
Ký kết Biên bản ghi nhớ ITX trong giai đoạn 02 năm, mục đích của Bản ghi nhớ này nhằm: Tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo bao gồm phát triển nguồn nhân lực và trao đổi tài năng trong khuôn khổ Hiệp định khung Kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore;
Tạo cơ hội cho các Chuyên gia và cá nhân làm việc trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo từ cả hai nước hợp tác, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm; Làm cơ sở thực tiến để xây dựng triển khai các chương trình tương tự với các nước khác.
Theo đó, mỗi năm sẽ có 300 chỉ tiêu cho các ứng viên đáp ứng các tiêu chí của chương trình từ cả Singapore và Việt Nam sẽ được tạo điều kiện tìm kiếm các công việc ngắn hạn tại các vị trí liên quan đến đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp đủ điều kiện thuộc Chương trình.
Đối tượng tham gia là các chuyên gia, người lao động có trình độ cao tốt nghiệp tại các có sở đào tạo là thành viên Chương trình thuộc các lĩnh vực như kinh tế xanh, công nghệ nông nghiệp, dịch vụ tài chính, công nghệ y tế, chất bán dẫn/thông tin liên lạc…
Đây là nhóm đối tượng có trình độ cao và việc trao đổi nhân lực, phù hợp với định hướng phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam, phù hợp với chủ tiếp nhận chuyên gia và lao động trình độ cao của ta. Đồng thời với mức chênh lệch về thu nhập đáng kể giữa Việt Nam và Singapore, đây sẽ là cơ hội quý giá để những cá nhân có trình độ của Việt Nam được tham gia vào một thị trường lao động khó tiếp cận như Singapore.
Sau khi Bản ghi nhớ được các Bộ trưởng hai nước ký kết, dự kiến một Nhóm công tác sẽ được thành lập để xem xét, thảo luận và thống nhất các hoạt động cụ thể để triển khai Bản ghi nhớ trong thời gian tới.
Việc thực hiện Bản ghi nhớ ITX được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển nhân lực nói riêng và mở rộng các lĩnh vực hợp tác khác mà hai Bên cùng quan tâm.