Vì sao ‘cánh cửa’ để có lương hưu cao không hấp dẫn?

0
58
Vì sao ‘cánh cửa’ để có lương hưu cao không hấp dẫn?

Mô hình mới, ít chính sách ưu đãi là lý do quỹ hưu trí bổ sung giúp lao động tiếp cận lương hưu cao chưa thu hút nhiều người, theo nguyên giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM.

Ông Cao Văn Sang, nguyên giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP HCM, nói hơn 30 năm trước, khi thiết kế chính sách, nhà làm luật chưa lường trước nền kinh tế mở cửa, đa dạng loại hình doanh nghiệp. Trong đó có công ty liên doanh, vốn đầu tư nước ngoài, lương lãnh đạo trả bằng nghìn USD, quy ra hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Nếu đóng đủ và theo nguyên tắc đóng – hưởng, kết hợp tỷ lệ hưởng cao đến 75% tạo ra lương hưu chênh lệch quá lớn giữa những người cùng hưởng trong một quỹ.

Do đó, chính sách cần thay đổi quy định trần mức đóng để mức lương hưu trong một quỹ không quá chênh lệch. Năm 2007, khi Luật BHXH thay đổi, khống chế mức trần tham gia không quá 20 lần tháng lương cơ sở (lúc đó lương cơ sở đạt 450.000 đồng một tháng), BHXH TP HCM ghi nhận nhiều người lương cao vẫn muốn đóng vượt trần để sau này hưởng hưu trí tốt. Tuy nhiên, gần 10 năm sau chính sách hưu trí bổ sung mới ra đời, lần đầu xuất hiện trong Luật BHXH năm 2014, nhằm giải quyết bài toán này.

Mô hình hoạt động quỹ hưu trí bổ sung. Nguồn: Dragon Capital

Mô hình hoạt động quỹ hưu trí bổ sung. Nguồn: Dragon Capital

Có hai cách thức tham gia quỹ hưu trí bổ sung là cá nhân tự nguyện hoặc cùng doanh nghiệp đóng góp. Người lao động tham gia bằng cách mở tài khoản hưu trí cá nhân tại công ty quản lý quỹ và đóng số tiền đã đăng ký theo từng kỳ giao dịch. Số tiền góp dựa trên nhu cầu tích lũy tuổi già của mỗi cá nhân và trên cơ sở tự nguyện. Khi về hưu, người đóng được quyền chọn rút một lần hoặc nhận định kỳ toàn bộ số tiền đã đóng kèm lợi nhuận.

Ở chiều ngược lại, tiền đóng góp vào hưu trí tự nguyện được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ. Nhóm chuyên gia của quỹ sẽ thay người đóng đầu tư vào các tài sản sinh lời như tiền gửi tại ngân hàng thương mại, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư cổ phiếu…

Theo các chuyên gia, sự ra đời của quỹ hưu trí bổ sung là kịp thời, song nhiều năm qua ở Việt Nam hoạt động của mô hình này chưa đúng tiềm năng. Báo cáo cuối năm ngoái của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ có 4 công ty kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung với tổng tài sản đến hết năm 2021 là gần 85 tỷ đồng, có 720 lao động thuộc ba doanh nghiệp đóng góp.

Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam (một trong 4 công ty tham gia) nêu hai rào cản lớn khiến quỹ chưa phát triển mạnh. Đầu tiên, hình thức này còn khá mới, người lao động và doanh nghiệp chưa biết đến nhiều. Tiếp đến là chính sách ưu đãi thuế đối với các khoản đóng góp mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí thấp hơn nhiều so với một số nước.

Hiện, người lao động đóng góp vào chương trình được khấu trừ một triệu đồng mỗi tháng vào thu nhập chịu thuế và doanh nghiệp được khấu trừ ba triệu đồng mỗi tháng cho một người vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức này chưa đủ hấp dẫn về mặt lợi ích tài chính để các bên có động lực tham gia.

Ông Cao Văn Sang cho biết mô hình hưu trí bổ sung, tức khi còn trẻ tích lũy thu nhập cho tuổi già, thường thành công ở các nước phát triển, đời sống người dân nâng cao. Ở Việt Nam, nhiều người như chưa có thói quen này, thể hiện rõ qua việc lao động muốn rút BHXH một lần, vốn là khoản trợ cấp cơ bản nhất để dành khi không còn sức làm việc. Điều này khiến quỹ hưu trí bổ sung trong nước gặp khó khi thực hiện.

“Ngoài ra quy định hiện nay xem hưu trí bổ sung là hình thức tự nguyện, không ràng buộc. Doanh nghiệp không mặn mà để bỏ thêm một khoản tiền tham gia cho người lao động”, ông Sang nói.

Người dân đi dạo, tập thể dục trong công viên Tao Đàn, quận 1, tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Quỹ hưu trí bổ sung sẽ thêm kênh an sinh để người dân lựa chọn. Người dân đi dạo, tập thể dục trong công viên Tao Đàn, quận 1, tháng 12/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân, với quy định hiện hành, các quỹ hưu trí bổ sung ở Việt Nam do các tổ chức, công ty tư nhân vận hành. Nhà nước không hỗ trợ đóng góp, không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả mà chỉ khuyến khích phát triển thông qua ưu đãi về thuế.

Trong khi đó, kinh nghiệm các nước chỉ rõ quỹ hưu trí bổ sung thành công phải “hoạt động như tư nhân nhưng do nhà nước quản lý và đảm bảo”. Điều này giúp quỹ có sự khác biệt với các hình thức tiết kiệm gửi ngân hàng hoặc đầu tư khác, tạo sự yên tâm cho người tham gia.

“Khi quỹ được nhà nước đảm bảo và đưa ra lợi ích rõ ràng sẽ thu hút người lao động”, ông Long nói. Ông nêu ví dụ ở Australia, khi tham gia vào quỹ này, nếu người lao động qua đời mà chưa hưởng hết, toàn bộ số tiền đóng góp cùng lãi phát sinh sẽ được người thân hưởng. Tại Singapore, quỹ hưu trí bổ sung mà còn hỗ trợ chữa bệnh, tác động đến điều chỉnh giá nhà…

Đại diện Dragon Capital cho rằng cần nâng cao mức khấu trừ thuế cho khoản đóng góp vào quỹ hưu trí bổ sung. Điều này tạo động lực cho doanh nghiệp và người lao động cân nhắc lựa chọn chương trình hưu trí bổ sung như một giải pháp phúc lợi hiệu quả.

Lê Tuyết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here