Trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội

0
58
Trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội

Bài 1: Tại sao yêu nước phải gắn với yêu Đảng?

Trên trang phản động Việt Tân, ngày 21/3/2023 Thế Lăng có bài “Yêu nước không đồng nghĩa với yêu Đảng” đã đặt vấn đề: “Thế nào là yêu nước? Yêu nước có bắt buộc phải yêu Đảng và hoàn toàn phục tùng Đảng”? Rồi, anh ta tự trả lời:“Từ cổ chí kim đều không thiếu người yêu nước, nhưng yêu nước không đồng nghĩa với yêu Đảng”.Bởi theo Thế Lăng, “Người yêu nước chân chính quan tâm tới khổ nạn của nhân dân, tới vận mệnh dân tộc chứ không phải trung thành với một lãnh tụ, chính quyền hay đảng phái nào. Do đó người yêu nước thường chỉ thẳng ra vấn đề đất nước đang có, phê phán hiện thực dân tộc đang đối mặt”. Đúng! Suy nghĩ này đúng, nhưng chưa đủ. Chưa đủ ở chỗ, yêu nước không chỉ chỉ ra hiện thực đất nước mà từ hiện thực ấy phải giúp được con dân đất Việt thoát khỏi hiện thực bi đát, để đến bến bờ ấm no, tự do, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Yêu nước mà chỉ chỉ ra hiện thực đất nước rồi để đấy thì yêu nước ấy chưa “đến nơi đến chốn”! Vậy làm thế nào để yêu nước “đến nơi đến chốn”?

Trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội
Trang phản động của tổ chức Việt Tân. Ảnh: Tư liệu

Yêu nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng thì mới yêu nước triệt để và giành được thắng lợi. Thực tiễn cho thấy, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở nước ta có dòng văn học hiện thực phê phán. Mặc dù, dòng văn học này đã góp thêm tiếng nói tích cực vào sự nhận thức với tinh thần phân tích, phê phán các mối quan hệ thối nát trong xã hội đương thời, nhen nhóm thái độ bất bình với thực tại, tỏ lòng thương cảm với những số phận khốn khổ;nhưng nó vẫn còn bế tắc trong việc làm thế nào để giải thoát con người (nhân dân ta) khỏi hiện thực đen tối đó! Quan niệm “Yêu nước không đồng nghĩa với yêu Đảng” của họ ở trên cũng mới dừng lại như dòng văn học hiện thực phê phán này mà thôi!

Lịch sử nước ta cho thấy, trước khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, nhưng tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Ðó là các phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, cuộc vận động Duy Tân, Ðông Kinh nghĩa thục, các phong trào Ðông Du, Tây Du do các sĩ phu yêu nước chủ xướng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Ðảng tiến hành,… Như vậy, tất cả các phương án chính trị của các giai cấp đều đã được đưa ra (từ đường lối cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, đến những đường lối theo lập trường nông dân, lập trường tiểu tư sản, lập trường tư sản) và được lịch sử khảo nghiệm, nhưng đều bế tắc. Điều đó làm cho tình hình nước ta lúc ấy “đen tối như không có đường ra”.

Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH của Đảng, nhân dân ta tiếp tục đánh thắng thực dân, đế quốc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Thực tiễn cho thấy, từ khi thành lập (1930) đến nay, dù có các tên gọi khác nhau tùy thuộc vào mỗi thời kỳ, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định mình là tổ chức vì nước, vì dân. Đại hội II của Đảng (tháng 02/1951) đã xác định: “Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện dân chủ mới. Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”[1]. Quan điểm đó còn thể hiện ở Điều lệ Đảng hiện nay. Đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”[2].

Như vậy, về mặt nhận thức và quan điểm, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán khẳng định mình là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Điều đó không chỉ thể hiện trong nhận thức, quan điểm của Đảng mà còn thể hiện trong hành động của Đảng suốt 93 năm qua.


Khẩu hiệu thể hiện quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Ảnh: Tư liệu

Trên thực tiễn, mục tiêu hành động của Đảng trong mỗi thời kỳ đều thống nhất với mục tiêu của nhân dân, dân tộc ta. Nói cách khác, ý Đảng và lòng dân luôn hòa quyện vào nhau, thống nhất với nhau, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để giành hết thắng lợi này đến thành công khác. Nếu mục tiêu của Đảng không thống nhất với quyền lợi, lợi ích của nhân dân, dân tộc ta thì Đảng chỉ từ số ít cho đến mấy triệu đảng viên như ngày nay cũng không thể giành được những thắng lợi mang tính thời đại. Đó là thực tế không ai có thể phủ nhận.

Thật vậy! Trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, mục tiêu của Đảng và khát vọng của nhân dân là độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Vì thế, dưới ngọn cờ của Đảng, cả dân tộc ta triệu người như một, chung sức, đồng lòng đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đánh đổ chế độ phong kiến và phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân. Nhưng thực dân Pháp với bản chất ngoan cố vẫn quyết tâm xâm lược nước ta lần nữa, mặc dù chúng đã bị quân Nhật hất cẳng, thế chỗ của chúng để chiếm nước ta. Song nghe theo lời hiệu triệu của Đảng, vì mục tiêu chung của Đảng và của toàn dân là độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, quân và dân ta đã không tiếc máu xương, không tiếc của cải với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần quật cường của dân tộc, chỉ bằng sức người, phương tiện thô sơ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đánh đổ thực dân Pháp xâm lược. Một quân đội non trẻ, một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu nhưng đã thống nhất mục tiêu chung để tạo nên sức mạnh chiến thắng quân đội nhà nghề, một trong những quân đội sừng sỏ nhất thế giới của một nước tư bản phát triển. Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là của nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam thì có tạo nên sức mạnh đó không?

Thực dân Pháp thua, đế quốc Mỹ lại nhảy vào hòng chiếm nước ta, chúng lại được nhân dân ta, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chung sức, đồng lòng vì mục tiêu thống nhất đất nước đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trong 21 năm xâm chiếm nước ta, đế quốc Mỹ (tên đế quốc sừng sỏ nhất thế giới, có lắm tiền, nhiều của với vũ khí tối tân, hiện đại) phải thay 05 đời tổng thống, với nhiều chiến lược nhưng đã phải nhận thất bại ê chề trước một dân tộc nhỏ bé dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đó là dân tộc Việt Nam với ý chí, tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã tạo nên sức mạnh chiến thắng quân xâm lược, thống nhất đất nước. Do vậy, yêu nước phải gắn với yêu Đảng!

Đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân ta, dân tộc ta xây dựng đất nước đi lên CNXH với mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN. Để tiến tới mục tiêu đó, Đảng đặt ra các mục tiêu để toàn Đảng, toàn dân tộc ta phấn đấu đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao[3]. Đó là mục tiêu của Đảng cũng là mục tiêu của nhân dân ta, dân tộc ta. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, Đảng phải lãnh trách nhiệm lãnh đạo đất nước. Vì thế, yêu nước phải gắn với yêu Đảng!

Thực tiễn trên cho thấy, trong thời đại ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu Đảng, gắn với sự lãnh đạo của Đảng thì nhân dân ta mới giành được thắng lợi và có điều kiện để xây dựng xã hội mới XHCN có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc!

Bài 2: Tại sao yêu nước phải gắn với yêu Chủ nghĩa xã hội?

Trần Đức – Đinh Hà Thu – Vũ Thị Trang

——————————————————

[1]. Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 41.

[2]. ĐCSVN -Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2016, tr. 04.

[3]. ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, H, 2021, Tập I, tr. 112.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here