Chuyên gia góp ý trợ cấp trẻ em nên hướng tới hộ gia đình thu nhập thấp, miễn trừ trực tiếp chi phí học tập để cha mẹ dùng khoản này đóng bảo hiểm xã hội.
Thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung chính sách trợ cấp con cái người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút một lần. Đồng thời nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế về trợ cấp trẻ em là con của người đóng BHXH tự nguyện, như giảm giá hoặc miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ.
Trợ cấp cho con giảm gánh chi phí cho cha mẹ
PGS. TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ủng hộ sớm bổ sung trợ cấp gia đình vào dự án luật sửa đổi. Ông phân tích, phần lớn lao động thu nhập thấp chịu gánh nặng học hành của con cái và chi tiêu trước mắt. Khoản tiền trích đóng BHXH khiến hộ gia đình giảm một phần thu nhập dùng cho chi tiêu, thậm chí dẫn đến “nghèo hóa”. Trợ cấp gia đình vì vậy có thể cùng giải quyết hai bài toán: duy trì cho trẻ em đến trường và mở rộng an sinh cho cha mẹ trong tuổi lao động.
Con công nhân học bài trong xóm trọ ở TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa
Chuyên gia góp ý nên tập trung vào nhóm hộ gia đình thu nhập thấp, công việc bấp bênh và có con cái đang độ tuổi đến trường ở cấp học thấp, bởi nhóm trẻ này có nguy cơ nghỉ học cao nếu gia đình khó khăn. Tiền trợ cấp có thể trực tiếp giảm trừ vào học phí, các chi phí học tập của trẻ và khoản này quay lại hỗ trợ cha mẹ đóng Quỹ Bảo hiểm xã hội, nâng mặt bằng tiền đóng BHXH lên, giúp tăng tiền hưởng chế độ, cải thiện lương hưu sau này.
Mức tiền cụ thể có thể nghiên cứu dần khi sửa luật, song nguồn kinh phí nên lấy từ ngân sách nhà nước vì khoản này như một dạng trợ giúp xã hội.
Với chương trình trợ cấp trực tiếp tiền mặt, theo ông Long, cần quy định chặt chẽ kèm cam kết của người thụ hưởng để đảm bảo thực hiện mục tiêu an sinh lâu dài của nhà nước. Ông dẫn chứng Brazil, Argentina hỗ trợ phụ nữ nuôi con bằng một khoản tiền mặt chuyển vào tài khoản. Khoản này được giám sát chặt chẽ và người thụ hưởng cam kết cho con đi học, nếu không thì phải hoàn trả.
“Hỗ trợ tiền mặt không có nghĩa là cho không mà cần đặt điều kiện để đảm bảo trẻ em được hưởng phúc lợi và an sinh lâu dài cho người lao động. Việc duy trì cho trẻ đến trường cũng là tạo nguồn lực tương lai”, ông Long nói, thêm rằng, lao động thực hiện đúng cam kết được đỡ dần gánh nặng chi phí nuôi dạy con một thời gian dài. Khi con cái lớn cũng là lúc họ đã tham gia hệ thống BHXH nhiều năm, đủ thời gian hưởng lương hưu sẽ cân nhắc ở lại thay vì rút một lần.
Về lâu dài, ông ủng hộ thiết lập lộ trình từ cho rút một phần hoặc 50% tiến tới ngừng rút BHXH một lần, bởi người lao động “cần có trách nhiệm với tuổi già của mình”. Khi họ không có lương hưu, nhà nước lại phải trích ngân sách hỗ trợ và khoản này từ tiền thuế của các thế hệ sau đóng góp. Mức trợ giúp xã hội chỉ vài trăm nghìn đồng không đủ gánh chi phí sinh hoạt, trong khi lương hưu dù thấp vẫn được điều chỉnh hàng năm.
Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam từng nhiều lần khuyến nghị bổ sung trợ cấp trẻ em để giảm gánh nặng chi phí cho người lao động, tập trung hỗ trợ hộ gia đình với các gói ngắn hạn, nhiều tầng bao phủ nhằm mở rộng hệ thống an sinh. Trợ cấp trẻ em cũng là một trong các chế độ thuộc Công ước 102 về quy phạm tối thiểu của an sinh mà Việt Nam chưa triển khai trong hệ thống bảo hiểm xã hội.
Nghiên cứu công bố năm 2022 của ILO chỉ ra, diện bao phủ BHXH của lao động Việt Nam năm 2019 đạt mức cao nhất ở cả nam lẫn nữ độ tuổi 20 -30, riêng nữ giới đạt gần 59% khi họ 26 tuổi. Nhưng sau đó, độ bao phủ giảm dần còn 20,3% với phụ nữ và 16,6% với nam ở độ tuổi 45 – 49. Điều đó chứng tỏ nữ giới tham gia BHXH từ sớm nhưng đến thời điểm nhất định sẽ ngừng tham gia.
Phần lớn trường hợp rút BHXH một lần là nữ dưới 35 tuổi, khoản tiền này trở thành nguồn kinh phí nuôi dạy trẻ em hoặc chi tiêu sinh hoạt. Đóng BHXH cũng khiến mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình lao động giảm trung bình 8,2%. Triển khai trợ cấp trẻ em giúp giảm bớt gánh nặng tài chính này, đặc biệt lao động nữ đang nuôi con nhỏ.
Báo cáo của ILO trùng khớp với dữ liệu thực tế do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê về rút BHXH một lần giai đoạn 2016 – 2022. Độ tuổi bình quân của lao động nữ rút bảo hiểm là 32 với trung bình 4 năm đóng. Nhóm lao động 20 – 40 tuổi chiếm trên 77% trong tổng số hơn 4,8 triệu người rời hệ thống an sinh. Theo cơ quan này, đây là nhóm quan tâm nhiều tới nhu cầu trước mắt và chịu áp lực lớn về tài chính như lập gia đình, nuôi con nhỏ trong khi dễ gián đoạn, thay đổi công việc.
ILO từng khuyến nghị thiết lập hệ thống trợ cấp trẻ em đa tầng cho độ tuổi dưới 15. Cụ thể, tầng một do ngân sách tài trợ dành cho người không đóng BHXH chưa được nhận các hình thức trợ cấp tương tự khác, khoảng 140.000 đồng mỗi tháng.
Tầng hai hưởng mức cao hơn, 350.000 đồng dành cho nhóm đóng BHXH bắt buộc. Mức hỗ trợ này với mỗi trẻ có cha hoặc mẹ tham gia BHXH sẽ giúp thu nhập bình quân đầu người thay vì giảm sẽ tăng 3,8%.
Các nước chi trợ cấp gia đình ra sao?
Ủy ban Xã hội gợi ý cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế, như chế độ Kindergeld của Đức hay trợ cấp gia đình của Phần Lan về trợ cấp trẻ em là con của người đóng BHXH tự nguyện, như giảm giá hoặc miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí.
Tại Đức, phúc lợi trẻ em (Kindergeld) là khoản thanh toán hàng tháng được trao cho cha mẹ, bất kể thu nhập của họ cao hay thấp nhằm đảm bảo nhu cầu cơ bản của con cái. Khoản này được cung cấp bởi Văn phòng Phúc lợi Gia đình (Familienkasse) tại Cơ quan Việc làm Liên bang.
Công dân Đức và EU được hưởng trợ cấp trẻ em, miễn là cư trú tại Đức. Người nước ngoài sống ở Đức có thể nhận trợ cấp nuôi con nếu có giấy phép cư trú hoặc định cư hợp lệ. Nước này cho phép cha mẹ nhận trợ cấp trẻ em cho đến khi con đủ 18 tuổi. Trong trường hợp ngoại lệ, phụ huynh được tiếp tục nhận trợ cấp ngay cả khi con vượt quá tuổi này.
Trợ cấp nuôi con được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của cha mẹ hoặc bằng tiền mặt. Từ năm 2023, số tiền này được cố định ở mức 250 euro mỗi tháng cho một trẻ, bất kể gia đình có bao nhiêu con. Ngoài ra, nếu thu nhập của cha hoặc mẹ thấp, họ có thể đủ điều kiện nhận trợ cấp nuôi con bổ sung.
Tại Phần Lan, trợ cấp xã hội là hình thức đảm bảo cuối cùng trong trường hợp thu nhập và tài sản của một người hoặc gia đình không đủ để trang trải các chi phí thiết yếu. Hình thức này do Kela – Cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm giải quyết trợ cấp theo các chương trình an sinh xã hội quốc gia và chính quyền thành phố các cấp thực hiện.
Với số tiền cơ bản, người dân có thể chi trả cho thực phẩm, quần áo, chi phí chăm sóc sức khỏe nhỏ, chi phí vệ sinh cá nhân và nhà cửa, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và đặt báo, viễn thông, sử dụng điện thoại cũng như một số hoạt động giải trí. Ngoài ra, Kela còn hỗ trợ xã hội cơ bản cho chi phí nhà ở, chẳng hạn như tiền thuê nhà hoặc phí bảo trì, giá nước, sưởi ấm, hóa đơn điện và phí bảo hiểm nhà cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe khác như thuốc theo đơn.
Ngoài phần trên, người dân từng nơi được chính quyền sở tại trợ cấp bổ sung chi phí nhà ở hoặc chi phí phát sinh do các nhu cầu hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Song nước này cũng quy định tiền trợ cấp có thể bị giảm nếu người đó từ chối lời mời làm việc hoặc gia nhập thị trường lao động; từ chối được đào tạo hoặc các biện pháp tương tự để tạo sinh kế.
Phương Hà