Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn khu vực biên giới

0
1
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn khu vực biên giới

Biên phòng – Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người của các lực lượng chức năng được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với nhiều phương thức mới và thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, các tổ chức mua bán người có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Trước thực trạng trên, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, BĐBP đã tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, đẩy mạnh công tác phối hợp và hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này vì hạnh phúc, bình yên cho nhân dân.

Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn khu vực biên giới
Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP và Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh tại Hà Nội phối hợp với BĐBP Hà Tĩnh giải cứu thành công 5 công dân Việt Nam bị lừa bán ra nước ngoài tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thế Mạnh

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới (KVBG), cửa khẩu, biển, đảo diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi. Phần lớn các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở KVBG, đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín dụ dỗ, lừa gạt, mua bán nạn nhân nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn và cho, nhận con nuôi trái pháp luật… Thủ đoạn của các đối tượng đa số thông qua các tài khoản mạng xã hội, chủ yếu sử dụng các tài khoản “ảo”, tạo các hội, nhóm với chiêu trò “lao động việc nhẹ, lương cao”… để môi giới, lừa gạt nạn nhân ra nước ngoài lao động; sau đó bán cho đối tượng người nước ngoài trong các casino, đặc khu kinh tế tại Campuchia, Lào và Myanmar… nhằm cưỡng bức lao động hoặc ép nạn nhân thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến.

Các nạn nhân được xác định chủ yếu là thanh niên trong độ tuổi lao động, tập trung tại các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Điện Biên, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh… Hoạt động môi giới, tuyển mộ phụ nữ đưa sang Trung Quốc ép kết hôn trái pháp luật tuy có giảm so với các năm trước, nhưng vẫn diễn ra tại Bạc Liêu, Cao Bằng. Đồng thời, tại tuyến biên giới biển, nhất là các tỉnh phía Nam, hoạt động mua bán người núp bóng dịch vụ môi giới lao động biển (“cò” ngư phủ) vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra tại địa bàn các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang. Bên cạnh đó, các loại tội phạm “nguồn” của mua bán người như tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán bộ phận cơ thể người cũng diễn biến phức tạp.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực phòng, chống mua bán người của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện các kế hoạch, chỉ thị của các cấp về phòng, chống tội phạm mua bán người; đồng thời, BĐBP cũng đã tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tình hình địa bàn, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 670 vụ/2.516 lượt người xuất, nhập cảnh trái phép, những trường hợp trên có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các đường dây tội phạm mua bán người.

Đồng thời, Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo các đơn vị BĐBP tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân ở KVBG về phòng, chống mua bán người, tội phạm “nguồn” của mua bán người với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phù hợp. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền tập trung được 31.191 buổi/891.776 lượt người tham gia; qua hệ thống loa truyền thanh địa phương và “Tiếng loa Biên phòng” được 21.826 giờ; cấp phát 18.828 tờ rơi. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của nhân dân KVBG về phòng, chống mua bán người; từ đó, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp các đơn vị BĐBP xác lập chuyên án và bắt giữ đối tượng phạm tội mua bán người.

Song song với đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức ký kết các thỏa thuận hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với các cơ quan, đơn vị chức năng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, việc thực hiện các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Anh và Thái Lan; xây dựng kế hoạch hợp tác với Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Tổ chức Di cư quốc tế, Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh… trong nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người cho cán bộ BĐBP; phối hợp xác minh, giải cứu, trao trả, tiếp nhận nạn nhân có hiệu quả, đảm bảo đúng nguyên tắc và thủ tục đối ngoại.

Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP) cho biết: “Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với lực lượng Công an các cấp trong triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và tội phạm “nguồn” của mua bán người, trong 6 tháng đầu năm 2024, 2 đơn vị đã tổ chức trao đổi 333 thông tin, tình hình liên quan, tạo nguồn xác lập chuyên án chung, điều tra cơ bản tuyến, chuyên đề về mua bán người. Bên cạnh đó, 2 lực lượng đã tổ chức phối hợp tuần tra 910 lượt với 4.023 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chiến dịch truyền thông tại các địa bàn trọng điểm, tập trung nhóm có nguy cơ cao bị mua bán nhằm phòng ngừa tội phạm mua bán người và tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội”.


Cán bộ BĐBP Đắk Lắk tuyên truyền cho người dân ở KVBG nâng cao cảnh giác nắm được các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm mua bán người. Ảnh: Ngọc Lâm

Trong thời gian tới, nhận định tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trong khu vực và ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị BĐBP tiếp tục tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người; tập trung vào nhóm có nguy cơ cao bị mua bán. Đồng thời, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân KVBG, biển, đảo nhằm hạn chế thấp nhất nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán người.

Trong đó, đặc biệt tập trung đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn từ nội địa – KVBG – ngoại biên; tăng cường thu thập thông tin trên “không gian mạng” và thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ cơ bản để tạo nguồn xác lập, đấu tranh chuyên án trinh sát; chú trọng đấu tranh các đường dây mua bán người đưa ra nước ngoài cưỡng bức lao động và mua bán người nhằm cưỡng bức lao động trên biển; chỉ đạo làm tốt công tác phối hợp giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán; rà soát, sàng lọc, xác định nạn nhân trong số công dân do nước ngoài trao trả nhằm củng cố thông tin, tài liệu, xác lập chuyên án truy xét đối tượng.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới đã tổ chức tiếp nhận, sàng lọc, phát hiện, bắt giữ và xử lý 105 vụ/26 đối tượng, giải cứu 140 nạn nhân và người nghi là nạn nhân (tăng 75 vụ/8 đối tượng, giải cứu 86 nạn nhân, người nghi là nạn nhân so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, chủ trì xác lập, đấu tranh 10 chuyên án và 1 vụ án (trong đó, 2 chuyên án mua bán người trong nước, 8 chuyên án và 1 vụ án mua bán người ra nước ngoài).

Ngọc Lâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here