Trần Đề mở lối giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững

0
54
Trần Đề mở lối giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững

Biên phòng – Trần Đề là huyện miền biển của tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 48,3%). Thời gian qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Trần Đề mở lối giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững
Mô hình nuôi dê của gia đình ông Tăng Điền là kết quả từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Ảnh: Phương Nghi

Thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách xã hội

Là hộ Khmer vươn lên thoát nghèo từ chính sách của Nhà nước, anh Thạch Sà Bươnl, ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình (huyện Trần Đề) khởi nghiệp từ 2 công đất ruộng. Trước đây, gia đình anh làm ruộng với năng suất thấp, vất vả nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, năm 2019, anh được vay 40 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò thịt, nhờ sự cần mẫn chăm sóc nên đàn bò phát triển, sinh trưởng tốt.

Trao đổi với chúng tôi, anh Sà Bươnl phấn khởi cho biết: “Khi nhận được thông báo đi nhận tiền vay, hai vợ chồng tôi rất vui mừng, nhưng còn băn khoăn sẽ đầu tư phát triển mô hình gì để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Sau khi nhận tiền vay, nhờ cán bộ Hội Nông dân xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn tư vấn nên tôi quyết định mua bò về nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình tôi đã có 6 con, mỗi năm thu nhập khoảng 45 triệu đồng. Ngoài ra, thu nhập từ việc làm thuê, làm mướn được khoảng 6 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, tôi có tiền nuôi các con ăn học, xây dựng nhà cửa đàng hoàng. Nếu không được vay vốn từ NHCSXH thì cuộc sống mãi nghèo khó”.

Gia đình ông Tăng Điền, ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề) là một trong những hộ đã thoát nghèo nhờ sự nỗ lực của gia đình và hưởng lợi các nguồn vốn chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đầu năm 2020, gia đình ông Tăng Điền được xem xét cho vay vốn với số tiền 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Khi có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình ông Tăng Điền đã thực hiện ngay mô hình nuôi dê thương phẩm và hiện, đàn dê đang phát triển rất tốt với hơn 20 con.

Ông Tăng Điền tâm sự: “Trước kia, đời sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Từ khi nhận vốn vay ưu đãi của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi, đời sống của gia đình tôi dần ổn định hơn. Qua đây, tôi cảm ơn các cấp chính quyền, hội, đoàn thể và đặc biệt là Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tạo điều kiện để gia đình tôi có vốn làm ăn, yên tâm trồng trọt, chăn nuôi, ổn định cuộc sống và hướng đến thoát nghèo bền vững”.

Hiệu quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Viên An là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trần Đề; trong đó, đồng bào Khmer chiếm trên 90%. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tập trung quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH nhằm giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả sử dụng nguồn vốn mà NHCSXH huyện Trần Đề triển khai cho người dân, Chủ tịch UBND xã Viên An Lê Thanh Hòa cho biết: Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tạo cú hích mạnh mẽ, giúp đồng bào Khmer phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ngoài sự nỗ lực của từng gia đình, chính quyền xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể, ban nhân dân các ấp có trách nhiệm quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội từ khâu nhận chỉ tiêu phân bổ vốn đến tổ chức giám sát, bình xét cho vay tại tổ, đảm bảo dân chủ và công khai.


Nhờ được vay vốn từ NHCSXH, chị Lâm Mỹ Hạnh đã vươn lên làm giàu chính đáng. Ảnh: Phương Nghi

“Qua quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, trên địa bàn đã đạt được những kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, Viên An đã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người/năm đạt trên 50 triệu đồng; hộ nghèo còn 2,98% vào cuối năm 2022 (theo tiêu chí đa chiều)” – ông Hòa nói.

Chị Lâm Mỹ Hạnh, ở ấp Bờ Đập, xã Viên An là hộ Khmer nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Viên An, chị Hạnh được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hạnh bộc bạch: “Thông qua các buổi sinh hoạt hội, tôi đã được tuyên truyền về các phong trào và hoạt động của hội, trong đó, hội đã triển khai các chương trình cho vay vốn từ NHCSXH và tôi được bình xét để vay vốn với số tiền 50 triệu đồng. Sau khi nhận tiền vay, tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp tư vấn nên quyết định mua 2 con bò sữa về nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình tôi đã phát triển được 12 con, trong đó có 6 con đang cho sữa, mỗi ngày thu về từ 600.000-700.000 đồng tiền bán sữa”.

Thời gian qua, NHCSXH huyện Trần Đề đã nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo, hỗ trợ các hộ vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khôi phục sản suất. Trong năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 441 tỷ đồng. Doanh số cho vay từ các chương trình, dự án đạt 132 tỷ đồng. Doanh số cho vay chương trình tín dụng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 là gần 17 tỷ đồng.

Ông Trần Nguyễn Khoa Đăng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trần Đề cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư và Quyết định số 1630 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng NHCSXH trong giai đoạn mới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; thực hiện tốt chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn”.

Phương Nghi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here