Thông tin từ UBND huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, nắng nóng kéo dài đã làm môi trường nước trong ao nuôi bị ảnh hưởng, dịch bệnh xuất hiện khiến tình trạng tôm nuôi trên địa bàn bị chết với số lượng lớn.
Qua báo cáo rà soát của các xã, toàn huyện Vĩnh Linh đã có 156,3ha tôm bị chết. Trong đó, nhiều nhất là xã Vĩnh Sơn với hơn 100ha, tiếp đến là xã Vĩnh Giang, hơn 12,5ha…
Diện tích nuôi tôm của người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Ảnh: M.T).
Vụ tôm năm 2023, bà con tại huyện Vĩnh Linh thả nuôi tôm theo đúng lịch thời vụ, nhưng tôm thả được 15-17 ngày là bắt đầu chết, được gần 50 ngày thì chết gần như toàn bộ. Hầu như các hộ dân vừa mới xuống giống khoảng 1 tháng trở lại đây phải ngậm ngùi nhìn tôm chết dần.
“Bỏ số tiền lớn vào đầu tư hồ tôm mà nắng nóng, dịch bệnh khiến tôm chết rất nhiều, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ nuôi khác ở xã Vĩnh Sơn đều chịu thiệt hại như vậy, vụ này người nuôi tôm chúng tôi lỗ nặng”, ông Trần Văn Tân, trú thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn, buồn rầu tâm sự.
Nắng nóng, dịch bệnh khiến tôm nuôi của các hộ dân chết rất nhiều (Ảnh: M.T).
Theo các hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn, bên cạnh nắng nóng thì một nguyên nhân khác khiến tôm chết nhiều là do nguồn nước cung cấp vào các ao nuôi tôm, được lấy từ sông Sa Lung đã có dấu hiệu ô nhiễm nghiêm trọng. Khi đưa vào ao, bà con cũng xử lý các bước theo quy trình nhưng không ngờ dịch bệnh bùng phát rồi lây lan nhanh.
Ông Thân Trọng Dũng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết, trước tình trạng tôm bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt, địa phương đã có báo cáo gửi UBND huyện Vĩnh Linh và các ngành chức năng, sớm hỗ trợ hóa chất cho bà con nuôi tôm dập dịch, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hóa chất để dập dịch.
Tôm chết nhiều khiến người dân điêu đứng vì thua lỗ (Ảnh: M.T).
Theo nhận định của cán bộ ngành nông nghiệp Quảng Trị, hiện nay mới bước vào vụ nuôi tôm chính năm 2023, nhưng dịch bệnh hoại tử gan, tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra. Với diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan cao.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên hiện nay địa phương này thiếu hóa chất để dập dịch, nguyên nhân là do vướng mắc trong thủ tục đấu thầu.
Hiện nay tại Quảng Trị do vướng mắc trong thủ tục đấu thầu nên thiếu hóa chất dập dịch (Ảnh: M.T).
Với tình hình thời tiết thất thường kéo dài cũng như hóa chất dập dịch chưa được đấu thầu để cung ứng kịp thời khiến dịch bệnh bùng phát nhanh. Không chỉ gây thiệt hại hàng tỷ đồng mà dịch bệnh đang có nguy cơ đe dọa đến những diện tích nuôi tôm còn lại trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị cũng cho hay, đơn vị đang tập hợp nhu cầu, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc đấu thầu hóa chất đang được cơ quan đẩy nhanh tiến độ, sớm cung cấp cho bà con để dập dịch.