Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương

0
110
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương ảnh 1

Sáng 2/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2023 – Ảnh: VGP

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 2; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đặc biệt, triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư.

Dự họp tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, tháng 1/2023 có 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng, nên số ngày làm việc ít hơn, chỉ bằng 2/3 bình thường. Tình hình thế giới tháng 1 tiếp tục phức tạp, khó lường. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại nhiều cơ hội, như khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Ở trong nước, tháng vừa qua cũng diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng. Trong đó, có các kỳ họp bất thường Trung ương, Quốc hội. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm, Chính phủ tổ chức triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Bên cạnh đó, tổ chức cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Nhiệm vụ của tháng 2 là rất lớn, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích, dự báo tình hình, nhất là những vấn đề mới nổi lên, các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình thực tế, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả cao để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt kết quả tốt nhất, đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực từ bên ngoài, phát huy tối đa mặt mạnh, làm được của năm 2022 và tháng 1/2023, khắc phục khó khăn, thách thức, trên cơ sở đó thúc đẩy, cổ vũ toàn hệ thống các cơ quan hành pháp và cả hệ thống chính trị tập trung phát triển kinh tế-xã hội với tinh thần phục hồi nhanh, phát triển bền vững ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, giải quyết những vấn đề ách tắc, vướng mắc, tháo gỡ những vấn đề mà doanh nghiệp, nhân dân đang gặp khó khăn; đặt nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương ảnh 2

Dự họp tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố – Ảnh: VGP

Báo cáo tại phiên họp cho biết, trong tháng 1, các bộ, ngành, quyết liệt, tập trung triển khai các nhiệm vụ năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực, đến ngày 17/1 tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán.

Thu ngân sách tháng 1 đạt 11,3% dự toán. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Tháng 1 ước xuất siêu 3,6 tỷ USD. Quốc phòng an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm; cả nước đón Tết vui tươi, lành mạnh, đầm ấm, an ninh, an toàn, mọi nhà đều có Tết. Công tác phòng, chống dịch bệnh; khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết bảo đảm. Tình hình an ninh được giữ vững, không có vụ việc phức tạp xảy ra; trật tự, an toàn xã hội tốt hơn so với dịp Tết Nhâm Dần 2022. Trước, trong và sau Tết, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thông tin tuyên truyền được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, vui tươi, phấn khởi. Cả nước thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và cả từ bên trong nền kinh tế. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao.

Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đến tháng 1 ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng; song việc triển khai hỗ trợ 2% lãi suất rất chậm, chưa đề xuất cụ thể phương án xử lý nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…

Đối với phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước đến ngày 31/1/2023 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ, nhưng số tuyệt đối cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 100 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 23%…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here