Thử thách “biến hóa” khoai tây giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề

0
56
Thử thách “biến hóa” khoai tây giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề

Thử thách biến hóa khoai tây giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề - 1

Thí sinh chọn lựa nguyên liệu nấu ăn (Ảnh: Đ.P).

Định hướng ngành học cho học sinh, sinh viên thông qua trải nghiệm làm masterchef (đầu bếp) với khoai tây là mục tiêu của cuộc thi “Thăng hoa cùng khoai tây Mỹ 2023” do Hiệp hội Khoai tây Hoa Kỳ phối hợp với Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM tổ chức.

Siêu đầu bếp Lê Xuân Tâm – Chủ tịch Hiệp hội siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam – đóng vai trò ban giám khảo cuộc thi, vừa là diễn giả chia sẻ kiến thức về công dụng, cách thức chế biến khoai tây trong lĩnh vực ẩm thực.

Chef Lê Xuân Tâm trực tiếp thị phạm cách chế biến món ăn, hướng dẫn thí sinh “biến hóa” nguyên liệu này thành thành phẩm ngon, đẹp mắt. Từ đó, sinh viên và học sinh học hỏi thực tế.

Theo vị đầu bếp, để đạt được thành công, các bạn cần nỗ lực, kiên trì, cố gắng bền bỉ học hỏi mỗi ngày.

“Bản thân tôi phải cần đến 18 năm làm việc trong ngành ẩm thực mới tạo được nền tảng để chinh chiến tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Trong mọi cuộc thi, mục đích cao nhất không phải là giải thưởng mà mong muốn được học hỏi thêm những kiến thức từ người đi trước”, Chef Tâm nói.

Thử thách biến hóa khoai tây giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề - 2

Siêu đầu bếp Lê Xuân Tâm thị phạm cho các thí sinh về chế biến món ăn từ khoai tây (Ảnh: Đ.P).

Chef Tâm khuyên rằng, nếu học sinh, sinh viên đã bén duyên với ngành nghề nào thì đó sẽ là nghề nuôi mình. Do đó, các em hãy cố gắng, tập trung với định hướng đã chọn để phát triển.

Lê Huyền Diệu Linh – học sinh Trường THPT Tân Phong (quận 7) chia sẻ: “Em rất thích lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bếp nhưng chưa được học hỏi và trải nghiệm thông qua câu chuyện từ những người thành công. Việc tham gia chương trình lần này không chỉ giúp em có thêm động lực để theo đuổi ngành nghề mình chọn, mà còn giúp em có thêm kỹ năng, kiến thức; thêm những người bạn để cùng bước trong chặng đường sắp tới”.

Bùi Lâm Tuấn Duy – sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM – cũng được trực tiếp quan sát, lắng nghe những hướng dẫn từ các chuyên gia, giúp sinh viên học hỏi về mặt kỹ năng, cách bài trí lẫn thần thái, biểu cảm của người đầu bếp. Đặc biệt, Duy được truyền cảm hứng về nghề nghiệp, cảm thấy tự tin khi lựa chọn ngành nghề này.

Ngoài ra, chương trình giúp các chuyên gia trong lĩnh vực tìm kiếm tài năng ẩm thực trẻ, có niềm đam mê về lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bếp.

Thử thách biến hóa khoai tây giúp học sinh chọn ngành, chọn nghề - 3

Những món ăn hấp dẫn được học sinh, sinh viên thực hiện (Ảnh: Đ.P).

Hồi tháng 4, hơn 100 đội thi của học sinh TPHCM đã cùng tranh tài Hội thi Đầu bếp trẻ thường niên do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM – cho rằng những trải nghiệm thực tế như vậy sẽ giúp bạn trẻ tiếp tục duy trì và nuôi dưỡng đam mê nấu ăn. Từ đó, một số bạn có thể đi theo con đường trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp và góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới.

Theo Báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 do iPos thực hiện, nước ta có gần 338.600 nhà hàng/cà phê. Với gần 4.000 thực khách phỏng vấn, có 77,16% thực khách giữ nguyên chi tiêu, thậm chí tăng mức chi tiêu cho ẩm thực trong năm 2023. Vì vậy, cơ hội nghề nghiệp đối với các ngành học liên quan cũng luôn “rộng cửa”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here