Biên phòng – Xoay quanh căng thẳng Serbia – Kosovo, dư luận quốc tế đang dành nhiều sự quan tâm đối với những thế lực quốc tế can thiệp vào “điểm nóng” này.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR) bảo vệ mục tiêu trọng yếu ở thành phố Leposavic, Kosovo. Ảnh: Reuters
Bất ổn tại Kosovo gần biên giới với Serbia trở nên nghiêm trọng bắt đầu từ cuối tháng 4/2023. Theo đó, Kosovo vốn là một tỉnh của Serbia nhưng đã tuyên bố độc lập từ năm 2008 với sự công nhận của 110 quốc gia, trong khi Serbia vẫn coi đây là lãnh thổ của mình. Kosovo đến nay có đa phần dân số là người Serbia.
Cuộc bầu cử thị trưởng tại khu vực này vào ngày 23/4/2023 đã bị người dân tẩy chay, nhưng vẫn diễn ra với kết quả là hàng loạt thị trưởng người Albania đắc cử. Một tháng sau, khi các thị trưởng này nhậm chức, cảnh sát địa phương đã chiếm giữ 4 tòa nhà trong khu vực nhằm hỗ trợ quá trình nhậm chức. Sự kiện này như “giọt nước tràn ly”, làm căng thẳng leo thang với nhiều cuộc đụng độ giữa lực lượng vũ trang và người biểu tình gốc Serbia.
Nhận định từ giới quan sát cho biết, động thái của chính quyền Kosovo đã khiến Mỹ – thế lực ủng hộ chính của Kosovo không hài lòng, thậm chí còn có xu hướng “quay xe” sang phía Serbia. Trong khi đó, lãnh đạo Kosovo đã nhận thấy việc khó có thể tin tưởng, dựa dẫm hoàn toàn vào phương Tây và cũng đang tìm kiếm sự trợ giúp từ nơi khác.
Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, căng thẳng Serbia – Kosovo vốn là vấn đề rất khó giải quyết từ bản thân hai phía. Việc các quốc gia, tổ chức quốc tế có tầm ảnh hưởng can thiệp giúp giảm nhiệt căng thẳng là điều rất quan trọng.
Nhiều nỗ lực quốc tế giúp “hạ nhiệt” đều không phát huy hiệu quả, điển hình trong đó là những cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian không đạt được đồng thuận. Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang được xem là yếu tố nước ngoài có thể tạo ra những tác động tích cực.
Việc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực Balkan cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xuyên suốt thời gian qua. Theo giới phân tích, ông Erdogan vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm sẽ giúp mục tiêu này thêm nhiều phần kiên định và được đẩy mạnh hơn. Căng thẳng Serbia – Kosovo dường như là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh tiến trình hiện thực hóa tham vọng. Lưu ý rằng, Balkan trong nhiều thế kỷ là một phần của Đế chế Ottoman (Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là nhà nước kế tiếp đế chế này).
Giới quan sát ghi nhận từ chính quyền Serbia và Kosovo đều có những tín hiệu muốn nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Song, việc nghiêng về bất cứ bên nào đều sẽ gây ra bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, bởi phía sau hai quốc gia này đều có những thế lực ủng hộ. Vậy nên, bất kỳ sự bất cẩn nào của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ khiến bản thân tự “ôm” vào những hiềm khích. Bài toán đặt ra cho ông Erdogan là phải có cách tiếp cận mang tính xây dựng, cân bằng, tôn trọng lợi ích của cả hai bên. Đây vốn là điều mà EU chưa thể hiện tốt.
Niềm tin dành cho Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn. Bởi, quốc gia này đang được quốc tế đánh giá cao vai trò kiến tạo hòa bình quan trọng trong hàng loạt cuộc xung đột ở Syria, Libya, Ukraine… Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đồng minh của người Hồi giáo ở Balkan, là những người bạn thật sự của cả Serbia và Kosovo, bao gồm cả mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, lịch sử, văn hóa…
Khi khởi động nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải các tranh chấp giữa Serbia và Kosovo, thách thức đặt ra với Thổ Nhĩ Kỳ là khu vực Đông Nam Âu này vẫn nằm trong quỹ đạo chính trị của Mỹ. Vì vậy, các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ gần như sẽ chỉ là phối hợp với Mỹ thay vì theo đuổi một chính sách đối ngoại hoàn toàn độc lập trong khu vực.
Giới chuyên gia cũng tin rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện quân đội ở Kosovo trong sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) giúp củng cố vị thế tại khu vực. Cùng với đó, việc làm trung gian hòa giải cho Serbia và Kosovo chắc chắn sẽ đẩy vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ lên thêm một bậc, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ và phương Tây đều đang suy giảm tầm ảnh hưởng trên thực tế.
Thanh Trúc