Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

0
43
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị hướng dẫn đồng bào DTTS trồng sắn. Ảnh: Phương Liên

Xã Tân Thành thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là vùng đất có tiềm năng trồng chuối và sắn. Sinh kế của đồng bào các dân tộc nơi đây chủ yếu gắn với hai loại cây trồng này.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thế, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lao Bảo cho biết, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên xuống địa bàn, vừa để nắm tình hình theo chuyên môn, nghiệp vụ, vừa hướng dẫn đồng bào cách trồng, tỉa lá, vun gốc, bón phân cho cây trồng sao cho hiệu quả nhất.

Anh Hồ Năng, Trưởng bản Hà Lệt cho hay, nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ BĐBP, cả bản đã trồng được 20 ha sắn, với mức giá dao động từ 2.000 – 2.500 đồng/kg, giúp bà con có thêm thu nhập để trang trải nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Không những thế, cán bộ BĐBP còn hướng dẫn dân đan thêm chổi chít những lúc nông nhàn để mang ra chợ bán nên bà con cũng có thêm thu nhập. Cả bản hiện chỉ còn 27/138 hộ thuộc diện hộ nghèo.

Những việc làm thắm tình quân dân nơi biên giới Việt – Lào của BĐBP Quảng Trị là một minh chứng cho việc quân đội, trực tiếp là BĐBP tham gia thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới.

Những năm qua, các đơn vị quân đội đã triển khai nhiều cách làm, mô hình thiết thực như: “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, phong trào “Hũ gạo vì người nghèo”, “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng” … Cùng với đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt… các đơn vị quân đội đã góp phần thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS.

Trong phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, các đơn vị quân đội đã xây dựng, tu sửa hàng ngàn km đường giao thông thôn bản, phòng học, nhà văn hóa cộng đồng, làm cầu dân sinh, nhà ở cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cháy rừng, sạt lở đất.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh, BĐBP Lạng Sơn giúp dân sửa sang nhà cửa. Ảnh: Phương Liên

Một trong những đóng góp nổi bật của các đơn vị quân đội là đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS thông qua các giải pháp như: Cử sĩ quan tăng cường đảm nhiệm chức danh cán bộ chủ chốt các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn tại 44 tỉnh, thành phố biên giới; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Hiện nay, ở vùng biên giới đã có gần 29 nghìn tổ tự quản, gần 800 nghìn hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, xóm, bản, làng.

Bên cạnh đó, các dự án của Bộ Quốc phòng đã tham gia tổ chức di dân, sắp xếp ổn định được 276 điểm dân cư mới, chủ yếu ở khu vực biên giới. Hoàn thành đỡ đầu, đón nhận trên 100 nghìn hộ dân, trong đó riêng Binh đoàn 15 đã đỡ đầu, đón nhận gần 17 nghìn hộ, với gần 4.500 hộ đồng bào DTTS được nhận khoán sản xuất; Binh đoàn 16 đỡ đầu, đón nhận 16.205 hộ, trong đó có 1.245 hộ đồng bào DTTS.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng vùng DTTS và miền núi hiện vẫn đang là vùng khó khăn nhất của cả nước, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế – xã hội phát triển chậm nhất, sự tiếp nhận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng tăng lên. Vùng DTTS và miền núi đang ngày càng tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước. Hộ nghèo dần dần chỉ còn là hộ người DTTS và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Đồng bào DTTS nước ta cư trú chủ yếu ở vùng biên giới, nơi phên dậu quốc gia. Trong bối cảnh đó, vai trò của Quân đội, trong đó chủ yếu là BĐBP tại địa bàn vùng DTTS và miền núi càng trở nên quan trọng vì không chỉ là giúp dân phát triển kinh tế – xã hội mà còn vận động đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phát huy sức mạnh toàn dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ 2021 – 2025, có Tiểu dự án 3: Phát triển kinh tế xã hội – mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Thông qua nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế – xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các xã khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, địa bàn chiến lược về quốc phòng-an ninh.


Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị hướng dẫn “Con nuôi đồn Biên phòng” học tập. Ảnh: Phương Liên

Các hoạt động trong tiểu dự án này gồm: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi; chế biến thức ăn chăn nuôi tại chỗ; tập huấn, tư vấn kỹ thuật gắn với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh và các hoạt động khác có liên quan; Hỗ trợ các dự án, mô hình trồng trọt (phát triển cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, miền): Hỗ trợ phát triển trồng trọt; tập huấn, tư vấn kỹ thuật gắn với nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh và các hoạt động khác có liên quan; Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường: Hỗ trợ các em trong độ tuổi đi học (từ lớp 1 đến lớp 12) là DTTS đang sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn, là con của người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới trong đồng bào các DTTS và các em là người DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù sinh sống ở khu vực biên giới được các đơn vị Quân đội nhận nuôi và hỗ trợ, giúp đỡ.

Như Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh từng phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016 – 2021 và ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 – 2025 giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh BĐBP: “Từ lâu nay, hình ảnh BĐBP trong lòng đồng bào DTTS là hình ảnh đẹp, đó là hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” chân thực nhất, hằng ngày gắn bó với đồng bào DTTS, luôn là điểm tựa của đồng bào DTTS, đúng với phương châm: Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Phương Liên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here