Tạo môi trường để cán bộ dám hành động vì lợi ích chung

0
43
Tạo môi trường để cán bộ dám hành động vì lợi ích chung

Biên phòng – Mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong Quân đội đều hoạt động trong một cơ quan, đơn vị và chịu sự quản lý, giám sát của tổ chức. Trong môi trường tập thể như vậy, cán bộ, chỉ huy, người đứng đầu phải có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy và điều hành đơn vị theo nhiệm vụ, chức trách được phân công. Vì vậy, yêu cầu đặt ra với cán bộ, người đứng đầu là phải có tinh thần dám hành động vì lợi ích chung, đặt lợi ích của tập thể lên cao nhất, lấy đó làm hệ quy chiếu định hướng nhận thức, tư tưởng và hành động. Vậy, cần phải làm gì để cán bộ dám hành động vì lợi ích chung.

Tạo môi trường để cán bộ dám hành động vì lợi ích chung
Cán bộ Đồn Biên phòng Tam Thanh, BĐBP Quảng Nam tặng quà chúc mừng con nuôi của đơn vị đỗ Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Anh

Lợi ích chung khác với lợi ích nhóm. Lợi ích chung cũng không phải là lợi ích cục bộ, bè phái của một nhóm người, một cơ quan, tổ chức. Dám hành động vì lợi ích chung không phải là làm những gì có lợi cho cơ quan, đơn vị mình mà bỏ qua hoặc gây khó khăn, ảnh hưởng đến lợi ích của tập thể, cơ quan, đơn vị khác. Lợi ích chung ở đây cần được hiểu với phạm vi cao hơn, rộng hơn, đó là điều có lợi, điều cần thiết cho nhân dân, cho đất nước. Lợi ích của cơ quan, đơn vị mình nằm trong tổng thể lợi ích của đất nước, không vì lợi ích của mình mà chèn ép, triệt hạ người khác.

Theo cách hiểu đó, dám hành động vì lợi ích chung là tinh thần mạnh dạn dám làm, dám hành động để mang lại quyền lợi, lợi ích chính đáng cho tập thể, cơ quan, đơn vị mình theo hướng tích cực. Cao hơn hết là luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, của đất nước lên trên hết, trước hết. Dám hành động vì lợi ích chung chuẩn mực nhất, đúng nhất là thực hiện theo chỉ dạy của Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Nếu chúng ta lấy đó làm hệ quy chiếu, để soi rọi trong nhận thức, tư duy và hành động, chúng ta sẽ tránh được sa vào chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ. Đó cũng là định hướng quan trọng để chúng ta tránh được những sai lầm, khuyết điểm khi thực hiện nhiệm vụ. Nhất là với những người chỉ huy, người đứng đầu sẽ tránh được tình trạng lạm quyền, làm liều, làm sai, làm trái quy định.

Lợi ích chung, cao hơn hết là lợi ích của dân tộc, của đất nước là những chuẩn mực cao nhất, để chúng ta đối chiếu, so sánh việc làm của mình. Nếu điều mình làm là để tốt cho đơn vị, có lợi cho nhân dân thì chắc chắc đó sẽ là hành động đúng, động cơ đúng được tập thể ghi nhận. Dám hành động vì lợi ích chung là yêu cầu mang tính cấp thiết trong tình hình hiện nay. Bởi lẽ, chúng ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta đang mở rộng hội nhập quốc tế, sẽ có muôn vàn những tác động từ bên ngoài vào tư tưởng, nhận thức.

Nếu chúng ta không có điểm tựa nhận thức vững chắc, không có định hướng tư tưởng đúng, sẽ dễ dẫn đến những lệch lạc trong suy nghĩ và hành động. Hàng loạt các vụ đại án thời gian qua cho thấy, những cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cán bộ là tướng lĩnh sĩ quan Quân đội và Công an vi phạm pháp luật phải hầu tòa, đều do hành động, việc làm của họ không xuất phát từ lợi ích của nhân dân, không đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Mà họ chỉ hành động, nhằm vun vén cho lợi ích của bản thân và lợi ích của một nhóm người, gây nên những thất thoát về tài sản của Nhà nước và nhân dân.


Nhằm giúp người dân có cuộc sống ấm no, Đồn Biên phòng Ba Sơn, BĐBP Lạng Sơn đã tặng giống cây trà hoa vàng có giá trị kinh tế cao cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn làm sinh kế bền vững. Ảnh: Bích Nguyên

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều tấm gương dám hành động vì lợi ích chung. Vì sự sống còn của dân tộc, của nhân dân, những cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Tổ quốc. Điển hình trong số đó là tấm gương của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Khi được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, Đại tướng đã phản đối quan điểm, di chuyển căn cứ Sở chỉ huy Miền tới nơi an toàn hơn, phản đối phương châm tác chiến tiến công quân ngụy trên chiến trường rừng núi để kéo quân Mỹ ra đánh. Mặc dù cố vấn quân sự Liên Xô và Trung Quốc cũng đồng tình với cách đánh này. Nhưng với tinh thần vì đất nước, vì tính mạng và cuộc sống của hàng triệu đồng bào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã phân tích, không tán thành phương châm cánh đánh đó, mà bảo lưu quan điểm của mình, là phải đánh thẳng vào những nơi địch đang hành quân, trú quân, bám thắt lưng địch mà đánh, nhằm vô hiệu hóa vũ khí, trang bị, kỹ thuật hiện đại. Quan điểm này của Đại tướng đã được Trung ương nhất trí, tán thành.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 117 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan. Theo đó, việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan phải kịp thời, công khai, khách quan. Tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật oan chịu trách nhiệm tổ chức xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Đây là một bước tiến rất mới của Đảng trong việc bảo vệ cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám hành động vì lợi ích chung. Với quy định này, cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên trong Quân đội có thêm chỗ dựa, điểm tựa tinh thần để hành động, làm việc, phục vụ và cống hiến nhiều hơn cho quân đội và đất nước.

Thực tế cho thấy, chỉ có người không làm gì mới không sai. Người làm nhiều sẽ khó tránh khỏi những sai sót, khuyết điểm, hạn chế. Vì thế, những cán bộ, đảng viên dám hành động vì lợi ích chung cần có cơ chế bảo vệ, có môi trường thuận lợi, để họ phát huy hết khả năng, tinh thần trách nhiệm. Có như vậy, tinh thần dám hành động vì lợi ích chung sẽ được lan tỏa và phát huy trong tình hình hiện nay.

Diệp Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here