Tăng lương hưu nên tập trung vào nhóm hưởng thấp

0
74
Tăng lương hưu nên tập trung vào nhóm hưởng thấp

Theo chuyên gia, để cải thiện lương hưu, nhà nước nên tập trung bù trượt giá, mức sống cho người hưởng thấp, không nên “cào bằng” một tỷ lệ cho tất cả.

Từ ngày 1/7, lương hưu của ông Trần Minh Châu, 65 tuổi (ở quận Tân Phú, TP HCM) tăng 262.500 đồng do nhà nước điều chỉnh lương hưu 12,5%. Ông Châu vốn là công nhân chế biến thủy sản đông lạnh, hết tuổi lao động năm 2013. Với 20 năm tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ hưởng 55%, mức lương làm căn cứ đóng hơn 2,3 triệu đồng, số tiền ông Châu được nhận mỗi tháng gần 1,3 triệu đồng.

Sau nhiều lần nhà nước điều chỉnh, lương hưu của ông tăng lên 2,1 triệu đồng. Từ ngày 1/7, con số này khoảng 2,3 triệu đồng. “Nếu chia số tiền được tăng theo ngày, tôi có thêm 8.600 đồng để trang trải sinh hoạt”, ông Châu nói. Với mức sống ở thành phố lớn nhất nước, số tiền này vừa đủ bù tiền mua rau, không dám nhắc đến cá, thịt.

Vợ chồng ông Châu đều đã về hưu. Ảnh: An Phương

Vợ chồng ông Châu đều đã về hưu. Ảnh: An Phương

Ông Châu nằm trong số hơn 19.000 người ở thành phố nhận lương hưu dưới 3 triệu đồng, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội TP HCM. Toàn quốc có hơn 67.300 người nhận lương hưu dưới 2 triệu đồng, thấp hơn chuẩn nghèo thành thị. Khi nhà nước điều chỉnh, số tiền họ nhận được tăng thêm 200.000-375.000 đồng mỗi tháng. Trong khi đó những người hưởng lương hưu cao từ trên 10 triệu đồng đến vài chục hoặc trên 100 triệu đồng, chỉ riêng tiền tăng thêm đã bằng cả lương hưu của người ở nhóm thấp.

Từ năm 1995 đến 1/7, nhà nước đã 23 lần điều chỉnh lương hưu. Ở những lần thay đổi này, những người hưởng từ mức thấp nhất 1,6 triệu đồng mỗi tháng đến cao nhất 124,7 triệu đồng đều được tăng tỷ lệ như nhau. Ví dụ, mức điều chỉnh lương hưu năm 2023 là 12,5%, lương của người cao nhất đạt hơn 140 triệu đồng, tăng gần 15,6 triệu đồng, trong khi người thấp nhất chỉ tăng 200.000 đồng.

GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cấp cao Đại học kinh tế quốc dân, cho rằng việc áp dụng một mức điều chỉnh cho tất cả người đang hưởng là bình đẳng nhưng chưa công bằng. “Áp chung một tỷ lệ càng kéo dài chênh lệch giữa các nhóm”, ông Long nói.

Theo chuyên gia, hệ thống bảo hiểm có cụm từ “xã hội” tức là đề cao tính sẻ chia, người có thu nhập cao chia sẻ cho người thấp. Điều này tương tự như tính thuế, khi đến ngưỡng nhất định, khoản thu nhập tăng thêm được nhà nước thu một phần. Sau đó, nhà nước sẽ trích tỷ lệ đưa vào quỹ hưu trí xã hội, hỗ trợ cho nhóm thu nhập thấp, dễ tổn thương, phục vụ công cuộc giảm nghèo.

“Điều này không trái nguyên tắc đóng – hưởng”, ông Long nói. Bởi khi tính lương hưu, tất cả lao động đã được bù hệ số trượt giá bảo hiểm xã hội như nhau, khoản tiền nhận được dựa trên đóng góp của cá nhân người đó vào quỹ.

Còn điều chỉnh lương hưu hàng năm thực chất là bù trượt giá khi thu nhập danh nghĩa của người hưởng tăng chậm hoặc chỉ nhỉnh hơn một chút so với trượt giá thị trường. Sự hỗ trợ này đảm bảo người dân có đủ sức mua hàng hóa trong rổ cơ bản. Trong khi đó những người thu nhập cao sức mua không bị ảnh hưởng nhiều.

Chuyên gia cho rằng lương hưu là để đảm bảo an sinh xã hội, khác với kinh doanh nên việc bù trượt giá cần có phương án loại trừ nhóm không bị tác động. Ví dụ nhà nước cần phân loại những người đang nhận khoản tiền dưới mức sống tối thiểu sẽ được bù đắp một tỷ lệ cao hơn.

Công nhân công ty Pou Yuen, quận Bình Tân sau giờ làm, năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân nhà máy Pou Yuen, quận Bình Tân sau giờ làm, năm 2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng lương hưu thấp chủ yếu thuộc nhóm lao động trực tiếp sản xuất, công nhân khu vực ngoài quốc doanh. Lương hưu tính dựa trên cả quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Họ gần như không có nguồn tích nào lũy khác ngoài khoản trợ cấp hưu trí. Trong khi đó, lương hưu lãnh đạo doanh nghiệp hoặc người hưởng có yếu tố nhà nước tính bình quân 5 năm cuối thường cao hơn.

“Nhóm cao chênh lệch vài chục đến gần cả trăm lần so với nhóm thấp. Lương hưu có cần thiết phải như vậy không”, ông Lợi đặt vấn đề và cho rằng cần có sự chia sẻ để kéo giảm mức chênh lệch về 15-20%.

Ông Cao Văn Sang, nguyên giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, nói đề xuất tập trung điều chỉnh lương hưu cho nhóm hưởng thấp từng được đưa ra nhưng bị bỏ qua do có ý kiến phản đối. Tuy nhiên, việc giải quyết như thế nào với nhóm đang hưởng mức quá thấp lại chưa có phương án.

Gắn bó ngành bảo hiểm từ những ngày đầu mở rộng ra khối ngoài nhà nước, ông Sang cho rằng Việt Nam thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội toàn dân khá sớm. Hơn 30 năm trước, đất nước còn nghèo, nền kinh tế chưa phát triển, thu nhập lao động thấp, mức lương tối thiểu làm căn cứ đóng chỉ 120.000 đồng. Sau nhiều năm điều chỉnh, mức hưởng tối thiểu đã lên 1,8 triệu đồng, tăng 1.500%.

“Dù tỷ lệ tăng cao nhưng số tiền nhận được không đáng kể”, ông Sang nói. Trên thực tế, những lao động đóng ít, hưởng thấp một phần do hệ quả việc phát triển bảo hiểm xã hội toàn dân sớm nhưng tổ chức, nền kinh tế không theo kịp. Giờ đây khi lương hưu của họ quá thấp, nhà nước cần có sự bù đắp để đảm bảo được mức sống tối thiểu.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, cho rằng khi đã điều chỉnh tăng lương hưu cần nhất quán theo một tỷ lệ cơ bản như nhau. Tuy nhiên, riêng nhóm nhận mức thấp hơn điều kiện sống tối thiểu cần được bù đắp theo nguyên tắc trợ cấp xã hội đảm bảo trong ngưỡng sinh tồn. “Điều này sẽ dễ nhận được đồng thuận hơn từ các nhóm thụ hưởng”, ông Lộc nói.

GS.TS Giang Thanh Long cho rằng trước mắt nên có thêm quy định cho phép lao động lựa chọn. Ví dụ ở Thái Lan, hệ thống hưu trí toàn dân đã được triển khai, tất cả lao động 60 tuổi trở lên đều được hưởng 800 bạt mỗi tháng (tương đương 540.000 đồng). Tuy nhiên chính phủ cho người dân được quyền từ chối nếu thấy không cần. Khi nào cần hỗ trợ, họ lên hệ thống đăng ký và được giải quyết.

Theo ông Long, trong kinh tế học đây là hành vi “lựa chọn ngược”, nhưng rất nhiều người giàu, có tích lũy ở Thái Lan đã từ chối để nhà nước có thêm nguồn hỗ trợ cho nhóm yếu thế khác. Tương tự, việc điều chỉnh lương hưu ở Việt Nam, nên quy định khuyến khích những người có thu nhập cao, có tích lũy được quyền từ chối khoản bù trượt giá để chia sẻ cho nhóm khó khăn hơn.

Lê Tuyết

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here