Trung tá Nguyễn Thị Kim Liên, giảng viên khoa Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng Biên phòng:
Là đoàn viên công đoàn nhà trường, tôi luôn phát huy tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Đến nay, tôi đã có 20 năm làm giảng viên, dạy ngoại ngữ cho các học viên trong nhà trường.
Trước đây, tôi đảm nhiệm giảng dạy môn tiếng Anh. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi đã chủ động xây dựng nội dung bài giảng và tìm tòi, ứng dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên nhằm mang lại hiệu quả học tập cao nhất. Đồng thời, tôi đã chủ động xin đi công tác tại các đồn Biên phòng để có thêm kiến thức thực tế. Từ những kiến thức tích lũy được, tôi đã biên soạn tập bài giảng tiếng Anh bao gồm: Giáo trình Tiếng Anh cơ bản, tiếng Anh nâng cao và tiếng Anh chuyên ngành để giảng dạy cho cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, khó nhất và mất nhiều thời gian xây dựng nhất là giáo trình tiếng Anh chuyên ngành. Tập sách này bao gồm các từ ngữ chuyên ngành Biên phòng như cột mốc, trinh sát, điều tra, tội phạm, nhận dạng, súng, đạn… Trong sách cũng có những đoạn hội thoại tình huống giao tiếp nghiệp vụ để cán bộ, chiến sĩ tại cửa khẩu có thể thực hành thành thạo. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, năm 2020, tôi được nhà trường cử đi học tiếng Lào.
Năm 2022, tôi quay lại trường trực tiếp giảng dạy môn tiếng Lào cho các học viên. Thực hiện giảng dạy ngôn ngữ mới thực sự có nhiều khó khăn, thử thách với tôi, nhưng với tinh thần phấn đấu, rèn luyện không ngừng, đến nay, tôi đã thực hiện tốt các bài giảng. Trong quá trình công tác, với sự nỗ lực cố gắng, tôi có 4 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.
Trung tá Lê Thị Vân, Tiểu đội trưởng nấu ăn, Bếp ăn cơ quan Bộ Tư lệnh BĐBP:
Do đặc thù công việc, tôi thường phải có mặt ở cơ quan từ sáng sớm để phục vụ 3 bữa cơm trong ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Tôi luôn cố gắng lên thực đơn các món ăn khác nhau trong tuần, sao cho không trùng lặp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngon miệng và đủ chất dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe cho bộ đội.
Làm công việc nấu ăn rất vất vả, có nhiều hôm, tôi phải thức dậy từ 3 giờ sáng, làm tới 11 giờ khuya mới được nghỉ, song, nhờ xác định rõ tinh thần trách nhiệm nên tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong suốt thời gian qua, tôi và các đồng chí trong tiểu đội chưa để xảy ra sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới, tôi mong muốn được cấp trên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiều hơn để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, phát huy tốt vai trò chăm lo, bảo vệ đầy đủ quyền lợi cho hội viên, từ đó, thu hút được ngày càng nhiều công nhân viên chức, người lao động tham gia sinh hoạt, tạo nhiều phong trào thi đua sôi nổi.
Đồng chí Phạm Trường Thao, Trưởng phòng Kế hoạch, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Trường Thành:
Trên cương vị là Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Trường Thành, tôi luôn triển khai đầy đủ các văn bản, chỉ thị của cấp trên, phong trào thi đua trong đoàn viên công đoàn. Bên cạnh đó, tôi cũng tham mưu cho chỉ huy đơn vị các giải pháp tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo thu nhập, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ công chức, viên chức, người lao động cả về vật chất và tinh thần.
Thời gian qua, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, nhưng tổ chức công đoàn đã tham mưu cho công ty đảm bảo tốt các khoản lương, thưởng các ngày lễ, Tết và các khoản phúc lợi khác, đồng thời, tổ chức cho hội viên công đoàn được đi nghỉ mát mỗi năm một lần. Qua đó, tăng cường sự gắn kết, gắn bó của các đoàn viên công đoàn trong công ty.
Về việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tôi luôn cố gắng làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thường xuyên đi công tác thực hiện các chương trình chuẩn bị đầu mối vật tư, phương tiện, nhân lực cho các công trình xây dựng mà đơn vị thi công đảm bảo đạt được hiệu quả tốt nhất.
Trung tá Hoàng Thị Mỹ, Phụ trách bộ môn Toán, Tin học, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Học viện Biên phòng:
Được sự tín nhiệm của cán bộ, giảng viên, công nhân viên, tôi được bầu làm Chủ tịch công đoàn từ tháng 4/2023. Sau khi nhận nhiệm vụ, được sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc học viện, sự hướng dẫn tận tình của Phòng Chính trị, tôi đã tích cực, chủ động phối hợp với các đồng chí trong Ban chấp hành công đoàn, nghiên cứu những mô hình hoạt động tiêu biểu đang được triển khai tại các tổ công đoàn trong học viện để tiếp tục duy trì và củng cố mang lại hiệu quả cao.
Sau thời gian ngắn, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi đã thành lập được nhóm các công đoàn viên là những người có đủ phẩm chất, tinh thần trách nhiệm cao, có trình độ, kỹ năng trên các mảng công tác, vừa đề xuất các ý tưởng, vừa đề ra các giải pháp kết hợp với khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn và phục vụ công tác giảng dạy. Với mục tiêu đề ra là xây dựng được nhiều mô hình, cách làm hay, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong các tổ công đoàn, chăm lo đời sống của đoàn viên công đoàn và sử dụng công nghệ thông tin, mạng máy tính làm công cụ để lan tỏa và kết nối, tôi và đồng đội đang hướng đến một môi trường làm việc, hoạt động sáng tạo trên nền tảng công nghệ số. Tôi tin rằng, với sự đoàn kết và quyết tâm của tập thể, chúng tôi sẽ xây dựng công đoàn Học viện Biên phòng là một mái nhà chung thật bổ ích để làm việc, công tác, góp phần xây dựng Học viện Biên phòng vững mạnh toàn diện.
Thiếu tá Hoàng Thị Thúy Hường, y sĩ, Trung tâm Huấn luyện BĐBP:
Trên cương vị là y sĩ, tôi luôn khắc phục mọi khó khăn, chủ động trong công việc, làm tốt công tác phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới; thường xuyên kiểm tra vệ sinh môi trường, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị; tận tình, ân cần, chu đáo chăm sóc bệnh nhân. Tôi cũng đảm bảo chế độ và chất lượng bữa ăn cho quân nhân ốm, bệnh tại Bệnh xá theo đúng, đủ chế độ tiêu chuẩn. Vào mỗi dịp Hè, tôi còn tham gia phối hợp quản lý, huấn luyện các lớp Học kỳ Quân đội cho thanh thiếu niên từ 10 đến 15 tuổi, đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Là Phó Tổ trưởng Tổ Công đoàn số 2, tôi luôn chủ động tham mưu, đề xuất với Tổ trưởng và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện đoàn viên công đoàn nâng cao bản lĩnh chính trị, tích cực học tập, rèn luyện, giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, tôi đặc biệt quan tâm tới công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên; đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên, thăm hỏi đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau; triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, gương mẫu tham gia các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Từ đó, phát huy được vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Thiếu tá Đặng Công Song, giáo viên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Lữ đoàn Thông tin 21 BĐBP:
Trên cương vị là giáo viên, nhiệm vụ của tôi là giảng dạy các khóa Báo vụ. Suốt quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng, đúc rút kinh nghiệm, đổi mới phương pháp, nâng cao tay nghề, để có thể truyền tải nội dung kiến thức, kỹ năng cho học viên, đảm bảo học viên ra trường về các đơn vị có thể làm tốt vai trò, trách nhiệm được giao.
Bên cạnh đó, năm 2021, thực hiện theo quyết định của Bộ Tham mưu BĐBP, tôi nhận nhiệm vụ huấn luyện đội tuyển tham gia thi Công nhân đẳng cấp danh hiệu toàn quân. Quá trình huấn luyện đội tuyển, tôi luôn nghiên cứu, tìm tòi để chủ làm thiết bị mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tôi cũng chú trọng xây dựng mối đoàn kết, tạo điều kiện thoải mái, thuận lợi nhất; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong huấn luyện để đội tuyển phát huy hết năng lực, sở trưởng, tay nghề. Kết quả, năm 2021, đội tuyển Biên phòng do tôi huấn luyện có 2 đồng chí đạt danh hiệu cấp Ba; 2 đồng chí đạt danh hiệu Kiện tướng toàn quân. Năm 2023, đội tuyển Biên phòng thi Thông tin tinh nhuệ do tôi phụ trách đạt giải Ba toàn quân.
Năm 2023, tôi được bầu làm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Lữ đoàn Thông tin 21 BĐBP. Với nhiệm vụ này, tôi tích cực tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, thu hút đông đảo đoàn viên công đoàn tham gia, tạo bầu không khí sôi nổi trong đơn vị, nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên công đoàn. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng để đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên công đoàn trong đơn vị.
Thiếu tá Phạm Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH MTV đóng tàu Sơn Hải, Cục Kỹ thuật BĐBP:
Để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, tôi luôn có phương pháp làm việc khoa học, sắp xếp công việc hợp lý, thường xuyên tham gia công tác tại các cơ sở của đơn vị, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong công tác chuyên môn, tôi luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; thường xuyên bám nắm, sâu sát với khối trực tiếp sản xuất, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo kỹ thuật cho phân xưởng; tham mưu cho cấp trên các phương án thi công phù hợp trong quá trình sản xuất, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được Hội đồng cấp cơ sở công nhận.
Tôi luôn chấp hành và hoàn thành tốt các đợt công tác, các đợt sửa chữa cơ động của đơn vị như: Nghiệm thu bàn giao 2 tàu CN-09 HCM, sửa chữa cơ động tàu khách Hòa Bình; hỗ trợ chi nhánh thi công đóng mới 2 tàu CN-09 cho Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng; giám sát thi công, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đăng kiểm cho 3 phương tiện đóng mới của Cục Hàng hải; công tác tại thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng, hỗ trợ chi nhánh hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa tàu theo Đề án 324-KT đảm bảo đúng thời hạn.
Đặc biệt, năm 2019, tôi là Chủ nhiệm đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp cơ sở: Thiết bị tháo, lắp, vận chuyển trục chân vịt cho các tàu tại Công ty Sơn Hải. Sáng kiến này đã làm cho mỗi năm giảm được từ 50 triệu đồng trở lên chi phí nhân công trong sản xuất; nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.
Đại úy Phạm Văn Linh, thợ sửa chữa nguồn điện và an toàn môi trường, Xưởng sửa chữa thiết bị thông tin, Bộ Tham mưu BĐBP:
Là cán bộ làm chuyên môn kỹ thuật trong ngành thông tin BĐBP, nhiệm vụ của tôi là sửa chữa trang thiết bị nguồn điện và an toàn môi trường thông tin thường xuyên tại phân xưởng; trực tiếp tham gia bảo dưỡng cấp 2 các trạm VISAT tổng đài kỹ thuật số cố định và ứng cứu xử lý sự cố thông tin, cũng như làm các nhiệm vụ đột xuất khác.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nói chung và kỹ thuật thông tin nói riêng, đòi hỏi mỗi cá nhân phải không ngừng học tập nâng cao trình độ mới có thể theo kịp sự phát triển và làm chủ được các trang thiết bị kỹ thuật. Nhận thức rõ điều đó, tôi luôn chủ động, tích cực học tập, nghiên cứu, trau dồi kỹ năng công tác và đúc rút kinh nghiệm. Tôi xác định học ở trường, lớp là nền tảng kiến thức cơ bản; quá trình tự học tập, trải nghiệm thực tế, đúc rút kinh nghiệm là thường xuyên và lâu dài.
Mặc dù trình độ chuyên môn chưa thật sự giỏi, nhưng được tiếp cận với kinh nghiệm quý báu của các đồng chí đi trước, kết hợp với kiến thức trang bị ở nhà trường, cùng tinh thần trách nhiệm, năm qua, tôi đã tiếp nhận và sửa chữa, khắc phục được rất nhiều trang thiết bị thông tin như: Các chủng loại nguồn: TS 35A, CODAN 3020, PS30, GSV3000, PSC 611, PS 413, nguồn 13,8v/40A, SEC-1215A… và bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điều hòa, điện nước trong đơn vị, thực hiện cơ động sửa chữa, khắc phục sự cố, bảo dưỡng cấp 2 các trạm VSAT và Trạm tổng đài KTS cho Biên phòng các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng. Tham gia cùng các đồng chí trong phân xưởng lắp đặt phòng LAP tổng đài T64-S, gia công cơ khí; thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, huấn luyện khai thác sửa chữa các loại nguồn mới như VRU 612, PSC 611, EMERSON, P401-CT…
Nguyễn Bích – Thùy Trang (thực hiện)