Biên phòng – Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống đông nhất khu vực Tây Nam Bộ. Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, đã mang lại kết quả thiết thực, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất của đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; giúp đồng bào DTTS có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Diện mạo ấp Phước Hòa, xã Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Phương Nghi
Nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong đồng bào Khmer, tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ nhà tình thương, tặng quà, đào tạo nghề, tạo việc làm… Đến nay, công tác này tạo được hiệu quả tích cực, góp phần đổi thay bộ mặt phum sóc và cải thiện đời sống đồng bào Khmer.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng nghìn hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo vùng DTTS tỉnh Sóc Trăng có thêm nguồn lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Anh Thạch Rươl, ở ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) là hộ nghèo, chí thú làm ăn, nhưng không đất sản xuất, không có kinh phí đầu tư sản xuất. Từ thực tế trên, Hội Cựu chiến binh xã đã đề nghị xem xét cho anh Rươl được vay số tiền 40 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện.
Theo anh Thạch Rươl, khi nhận khoản tiền vay hơn 4 năm trước, anh mua ngay 1 con bò sữa, với số tiền gần 25 triệu đồng; số tiền còn lại, anh mua 2 con heo nái sinh sản, xây chuồng. Heo nái nuôi 6 tháng đã sinh sản hơn 20 heo con, chỉ năm đầu tiên, số tiền bán heo đã đủ để anh chi trả tiền vay ngân hàng. Trong 4 năm qua, chỉ với 2 con heo nái, anh thu về số tiền hơn 150 triệu đồng. Riêng con bò sữa, sau 1 năm chăm sóc, bình quân khoảng 15kg sữa/ngày, anh thu về số tiền hơn 200.000 đồng/ngày. Hiện tại, anh Rươl có 3 con bò cái và 5 tháng nữa, 2 con bò tơ sẽ sinh sản, khi đó, đàn bò sẽ đem lại nguồn thu nhập cao hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thạch Rươl vui vẻ nói: “Tôi nghĩ, nếu không có số tiền vay từ Ngân hàng CSXH, chắc giờ gia đình vẫn còn “bữa đói, bữa no” vì việc lao động chân tay ở ruộng ít chủ thuê mướn. Mặc dù gia đình mới thoát nghèo hơn 1 năm, nhưng đó là cả một quá trình phấn đấu trong chăn nuôi và số tiền vay được đầu tư đúng hướng”.
Là một trong những hộ được hưởng lợi từ những chính sách của Nhà nước, gia đình ông Lâm Sên ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở kiên cố, thay cho căn nhà dột nát trước đây. Phấn khởi trước sự hỗ trợ thiết thực này, ông Lâm Sên chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, gia đình chúng tôi đã góp thêm 30 triệu đồng xây căn nhà mới để không còn chịu cảnh nhà dột, cột xiêu như trước nữa. Có nhà mới, gia đình cũng an tâm làm ăn hơn”.
Ông Lý Ro Tha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua, tỉnh đã và đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer. Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương đã từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào Khmer hàng năm đều giảm. Đặc biệt, nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng có đông đồng bào Khmer”.
Nâng cao thu nhập, đời sống cho đồng bào dân tộc
Giai đoạn 2021-2025, Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS (17 xã khu vực III và 46 xã khu vực I), có 128 ấp đặc biệt khó khăn (83 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, 44 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I; 1 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã có ấp vùng DTTS, theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc).
Được các ngành chức năng hướng dẫn quy trình trồng hành tím thương phẩm đã giúp anh nông dân Khmer Liêu Dal ở ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phương Nghi
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình), giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bước đầu, nhân dân rất đồng thuận và phấn khởi, luôn phát huy vai trò, trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp triển khai thực hiện Chương trình, thực hiện đạt các mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm lo, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS, Sóc Trăng thực hiện Chương trình với 10 dự án thành phần, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2023 là 656,416 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 582 tỷ đồng; vốn đối ứng là gần 70 tỷ đồng; vốn huy động là 4,5 tỷ đồng…
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS đạt từ 70 triệu đồng trở lên; giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm từ 3-4%; 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 100% đồng bào DTTS sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS”.
Có thể thấy, những chính sách thiết thực được các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng triển khai kịp thời đã tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc Khmer phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, từ đó, góp phần thay đổi diện mạo phum sóc ngày càng tươi mới, ấm no hơn.
Phương Nghi