Quyết tâm thực hiện nghiêm các giải pháp gỡ “thẻ vàng”

0
67
Quyết tâm thực hiện nghiêm các giải pháp gỡ “thẻ vàng”

Biên phòng – Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và bà con ngư dân tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp, chung sức cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản. Căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao, BĐBP Hà Tĩnh đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kiểm soát, hỗ trợ ngư dân hành nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết tâm thực hiện nghiêm các giải pháp gỡ “thẻ vàng”
Cán bộ Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với đơn vị kiểm ngư trên địa bàn tuyên truyền pháp luật, tặng cờ Tổ quốc và áo phao cho ngư dân. Ảnh: Minh Toàn

Được thiên nhiên ưu đãi, vùng biển tỉnh Hà Tĩnh vốn giàu nguồn lợi hải sản, thu hút số lượng lớn phương tiện, lao động tại địa phương và các tỉnh khác đến hành nghề. Trong nhiều năm qua, hoạt động khai thác hải sản đã góp phần quan trọng giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, việc ngành thủy sản nước ta bị Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” đã gây thiệt hại lớn đến hoạt động xuất khẩu hải sản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Cũng như nhiều địa phương khác, ngành khai thác, chế biến hải sản của tỉnh Hà Tĩnh cũng chịu những tác động tiêu cực khiến cho đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, địa phương miền Trung, suốt thời gian dài vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp, quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản. Trong giai đoạn hiện nay, để chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 4, Ban Chỉ đạo IUU của tỉnh Hà Tĩnh đã quyết liệt triển khai hành động, kiểm tra việc thực hiện các giải pháp sát với tình hình thực tế.

Trong đó, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các huyện, thị xã ven biển để tuyên truyền, điều tra, xử lý hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Đối với vấn đề cấp giấy phép khai thác thủy sản, Chi cục Thủy sản cũng theo dõi, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn đến tận các thôn, xã những thủ tục theo quy định để thông tin và tuyên truyền đến ngư dân, cập nhật liên tục tiến độ cấp giấy phép. Chính quyền địa phương, các ngành liên quan thành lập đoàn công tác định kỳ, đột xuất thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp phòng chống khai thác IUU.

Trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ được giao, BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tuyến biển, Hải đội 2 phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai các biện pháp phòng chống khai thác IUU.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết: “BĐBP Hà Tĩnh xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, từ cơ quan Bộ Chỉ huy đến các đồn Biên phòng tuyến biển, Hải đội 2 đều xây dựng kế hoạch, triển khai hành động sát với tình hình địa bàn. Cùng với công tác tuyên truyền, chúng tôi đã chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng kiểm soát chặt chẽ các phương tiện khi xuất lạch, quá trình hành nghề trên biển. Trên cơ sở đó, các đơn vị kiên quyết không để các phương tiện ra khơi hành nghề khi không đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật, đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.

Huyện Nghi Xuân có số lượng tàu, thuyền khai thác hải sản khá lớn, chính quyền địa phương đã huy động sự vào cuộc của các đoàn thể, đơn vị chú trọng tuyên truyền về Luật Thủy sản, chống khai thác IUU, rà soát, tiến hành cấp phép khai thác đối với những tàu cá còn hoạt động mà chưa có giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Các đơn vị chức năng tổ chức vận động ngư dân ký cam kết vận hành ổn định thiết bị giám sát hành trình, thường xuyên nhắc nhở, lập biên bản xử lý các chủ tàu khi không đảm bảo duy trì hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời đến khi cập cảng.

“Đơn vị chúng tôi đang phối hợp với UBND huyện Nghi Xuân thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con ngư dân. Công tác tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau như tại các hội nghị ở thôn, tổ liên gia, những buổi sinh hoạt của tổ cộng đồng nghề cá; sử dụng hệ thống loa phát thanh và xuống tận thuyền, phát tờ rơi, thông tin các quy định về Luật Thủy sản, phòng chống khai thác IUU tại các điểm tập kết tàu thuyền” – Trung tá Hồ Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lạch Kèn cho biết.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, hiện nay, 101/106 tàu cá có chiều dài trên 15m hoạt động trên vùng biển Hà Tĩnh (trên tổng số 2.960 tàu cá các loại) đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số còn lại đang nằm bờ vì hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng đạt hơn 81,67%, tỷ lệ đánh dấu tàu cá đạt 98%, giám sát chặt chẽ 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại các cảng cá. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm, chấn chỉnh tình trạng tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình, rà soát, làm thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 100% phương tiện hành nghề. Ngoài ra, các lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh cũng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ để ngư dân yên tâm bám biển hành nghề phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Viết Lam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here