Phụ nữ Tày giữ nghề truyền thống

0
117
Phụ nữ Tày giữ nghề truyền thống

Biên phòng – Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới, phụ nữ đồng bào Tày ở vùng cao Lào Cai đã chung tay khôi phục các tổ hội nghề, nhóm nghề thủ công truyền thống, vừa phục vụ nhu cầu cuộc sống cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch ở các địa phương đang phát triển.

Phụ nữ Tày giữ nghề truyền thống
Phụ nữ dân tộc Tày ở Văn Bàn bảo tồn nghề dệt vải bông truyền thống. Ảnh: Thanh Cường

Nghề dệt vải bông, thêu thổ cẩm, làm gối, đệm bông lau của phụ nữ Tày ở huyện Văn Bàn vốn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong cuộc sống hiện đại, những vật dụng được sản xuất công nghiệp dần chiếm lĩnh trong nhiều gia đình, cũng khiến cho những nghề thủ công truyền thống thưa dần người làm. Thế nhưng, để gìn giữ văn hóa dân tộc, cũng là để kết nối chị em tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ, tạo sân chơi lành mạnh cho hội viên phụ nữ, ở một số xã trên địa bàn huyện đã thành lập các câu lạc bộ để lưu giữ nghề thủ công truyền thống, trong đó có nghề dệt vải bông và làm gối, đệm bông lau.

Bà Hoàng Thị Quanh, dân tộc Tày, ở xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn cho biết: “Chị em tham gia sinh hoạt trong tổ, hội phụ nữ đã cùng nhau lưu giữ và phát triển nghề dệt vải, thêu thổ cẩm và may trang phục truyền thống, làm gối, đệm bông lau. Hiện tại, nhiều chị em làm các sản phẩm phục vụ trong gia đình, dòng họ và những người trong bản không có điều kiện làm sẽ đặt mua. Vừa giữ nghề truyền thống, lại vừa có thêm thu nhập cho gia đình”.

Còn với phụ nữ dân tộc Tày ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, sau khi thành lập Hợp tác xã bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, bà con nơi đây hiện đã khôi phục thành công các tổ phụ nữ duy trì nghề đan lát thủ công ở các thôn, bản. Hiện tại, các sản phẩm từ đan lát của phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô đã được bày bán tại chợ đêm Nghĩa Đô, chợ phiên Nghĩa Đô và thông qua bán hàng trực tuyến trên các nền tảng xã hội của một số hộ gia đình.

Các sản phẩm đan lát truyền thống của đồng bào Tày ở Nghĩa Đô không chỉ là đồ dùng quen thuộc trong gia đình (làn giang mây, giỏ đựng, mẹt nhỏ…), mà giờ đây còn được thiết kế dựa trên kỹ thuật đan truyền thống để ứng dụng trang trí, sử dụng tiện ích vào không gian sống của nhiều gia đình (treo tường, cắm hoa, décor không gian uống trà…).

Bà Ma Thị Tắt, một trong những phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô tích cực tham gia bảo tồn nghề đan lát truyền thống cho biết: “Mong muốn bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình không chỉ là nỗi niềm của riêng tôi mà của hầu hết đồng bào Tày ở Nghĩa Đô. Điều ý nghĩa hơn, khi chị em được phát huy tay nghề đan lát, lại có thêm một khoản thu nhập khi các sản phẩm thủ công truyền thống được đưa vào phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương”.

Sau 3 năm thực hiện thành lập tổ đan lát và nhóm cùng sở thích làm nón lá cọ do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bản Liền (huyện Bắc Hà) quản lý, phối hợp mở các lớp truyền dạy nghề truyền thống, đến nay, đã có 61 hội viên phụ nữ dân tộc Tày tham gia làm nón thành thạo. Với giá thành từ 50.000 đến 120.000 đồng/chiếc nón lá cọ, tranh thủ lúc nông nhàn, phụ nữ Tày cũng có thêm một khoản thu nhập bên cạnh sản xuất nông nghiệp.


Phát huy nghề đan lát truyền thống, phụ nữ Tày ở Nghĩa Đô làm ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển du lịch tại địa phương. Ảnh: Thanh Cường

Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhất định, song, việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của phụ nữ Tày ở Bản Liền đang mở ra một hướng phát triển kinh tế du lịch ở địa phương. Nón lá cọ không chỉ phục vụ đời sống hằng ngày, còn có thể phát triển thành sản phẩm quà tặng, cũng như đưa vào du lịch trải nghiệm nghề làm nón dân tộc Tày khi khách du lịch đến Bản Liền.

Bà con người Tày ở mỗi địa phương trong tỉnh Lào Cai đều có những cách làm riêng để phục dựng, bảo tồn nghề thủ công truyền thống của mình và phát huy những giá trị văn hóa bản địa trong cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đã vào cuộc, hỗ trợ để bà con đồng bào Tày có thêm nhiều cơ hội phát huy tay nghề trong phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Theo đó, các địa phương có đông đồng bào Tày sinh sống đã xây dựng các mô hình bảo tồn nghề thủ công truyền thống từ cấp thôn, bản. Tỉnh Lào Cai cũng đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên để thực hiện công tác phục dựng, bảo tồn, phát huy nghề truyền thống. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, tìm kiếm đối tác thị trường cho các sản phẩm thủ công, tạo cơ hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy những giá trị văn hóa bản địa, phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.

Lê Thanh Cường

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here