Biên phòng – Từng bôn ba khắp nơi trong nước, va chạm với nhiều nghề, thất bại với nhiều loại cây trồng, nhưng giờ đây, ông Phạm Văn Tân (57 tuổi) có thể nuôi hy vọng làm giàu từ việc trồng cây ăn trái nơi dải đất biên cương hoang hóa thuộc thôn 1, xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cam của ông Tân sinh trưởng tốt trên vùng biên Ia Dom. Ảnh: Thanh Tùng
Biết chúng tôi đến huyện Ia H’Drai công tác, Chủ tịch UBND xã Ia Dom Nguyễn Ngọc Quang cứ khăng khăng mời chúng tôi đến xã chơi để thưởng thức cam sành mang thương hiệu “cây nhà, lá vườn”. Không một giây chần chừ, chúng tôi liền gật đầu đồng ý, bởi đây là lần đầu được thưởng thức cam sành trồng ở xã Ia Dom.
Vườn cây của ông Tân rất dễ tìm, nằm trên Quốc lộ 14C, cách trụ sở UBND xã Ia Dom vài trăm mét. Đến ngõ, lão nông Phạm Văn Tân trong bộ đồ lao động với đôi ủng nhựa lấm lem bùn đất đang cân cam cho khách cười hiền, nói: Các anh đến muộn xíu là không được gặp tôi rồi, sáng nay, khách ngoài huyện đặt 10 ký cam nên giờ chuẩn bị đi giao.
Tranh thủ lúc nghỉ tay, ông Tân mời chúng tôi tham quan vườn cam sau nhà và kể lại câu chuyện đem quả ngọt đến miền biên viễn đầy nắng gió. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi ấy ông Phạm Văn Tân còn là cậu thanh niên lang bạt kỳ hồ khắp nơi để tìm việc làm nuôi sống bản thân. Có một khoảng thời gian dài, ông Tân làm thuê chăm sóc vườn cây ăn trái ở tỉnh Đồng Nai, rồi đến trồng cà phê ở tỉnh Gia Lai, thời gian đầu cũng ổn định nhưng rồi cũng bấp bênh.
Mãi đến năm 2016, qua lời giới thiệu từ một người bạn, ông Tân đã tìm đến Ia Dom với hy vọng sẽ có hướng đi mới. Ông Tân kể: Lúc lên đây, tôi chỉ thấy toàn cây cao su và điều, còn cây ăn trái chỉ thấy vài hộ trồng lác đác vài cây. Theo như kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây ăn trái của tôi nhiều năm ở Đồng Nai thì chất đất và khí hậu nơi đây rất phù hợp để trồng cây ăn trái nên tôi quyết định đi kinh tế mới thêm lần nữa.
Sau chuyến đi ấy, niềm tin của ông Tân đặt trọn cho Ia Dom về vườn cây ăn trái trong tương lai. Ông dùng hết số tiền mà gia đình tiết kiệm bấy lâu, mua một mảnh vườn đất đồi dốc rộng gần 3ha và dựng một căn nhà nhỏ. Trong đó, ông dành ra khoảng 1ha trồng cây ăn trái, còn lại để trồng mỳ, lúa và điều.
Ông Tân tâm sự: Khi chính quyền địa phương và nhiều người dân hỏi tôi sẽ làm gì với mảnh đất khô cằn, dốc đá thế này, tôi bảo trồng cây ăn trái, ai cũng cười rồi lắc đầu. Nhưng tôi vẫn giữ quyết định của mình, quyết tâm phủ xanh nơi này bằng cây ăn trái.
Đầu tiên, ông Tân thuê máy đào ao nuôi cá, trữ nước để tưới cho cây vào mùa khô. Khuôn viên khu vườn được ông Tân rào kín bằng lưới B40 để nuôi gà, vịt thả vườn. Sau đó, ông bắt đầu đào hố trồng theo mô hình từng bậc như ruộng bậc thang.
Ông Tân kể: Thuê máy đào 1 hố họ lấy 20 nghìn đồng, tôi thấy mình có khả năng làm được nên thôi tự tay đào. Hố được tôi đào rộng, sau đó xử lý kỹ trước khi xuống giống. Chất đất ở đây là đất sỏi cơm, muốn trồng được cây ăn trái phải bón trấu, phân bò ủ để tạo độ tơi xốp và chất dinh dưỡng.
Khi các khâu được hoàn thiện, ông Tân bắt đầu xuống giống vào năm 2017. Cam sành, quýt đường là loại cây được ông Tân chọn lựa để trồng. Thời gian đầu, ông Tân gặp không ít khó khăn về việc chọn lựa phân bón, thuốc phun sao cho phù hợp.
Vì được trồng theo phương thức hữu cơ nên chất lượng cam của gia đình ông Tân luôn đảm bảo. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Tân nhớ lại: Ngày đó, mỗi lần đi mua phân bón phải xuống tận Gia Lai, hơn 60 cây số. Năm đầu tiên, tôi mua loại phân siêu vi lượng bón, nhưng qua một thời gian theo dõi và tìm hiểu mới biết loại này không phù hợp với loại cây có múi nên phải chọn loại phân khác cho phù hợp. Sau đó, ông thử chuyển qua bón mùn cưa, thấy cây hợp và vươn mầm, ông Tân quyết định chọn mùn cưa để đồng hành trong thời gian tới, tiết kiệm chi phí đầu tư hơn 50%, khoảng 13 triệu đồng/năm thay vì tốn gần 30 triệu đồng như trước.
Đến năm 2020, vườn cây bắt đầu ra quả bói, nhưng ông Tân bỏ hết vì để giữ sức cho vườn cây năm sau. Năm 2021, gia đình ông vô cùng phấn khởi khi vườn cây sai trĩu quả. Vì trồng theo phương thức hữu cơ nên chất lượng của từng quả rất đảm bảo. Những khách hàng đầu tiên là hàng xóm của ông, ai nấy đều hài lòng khi thưởng thức. Tiếng lành đồn xa, nhiều người trên địa bàn huyện tìm đến và đặt mua. Hơn 5 tấn cam, quýt bán sạch trong một mùa.
Ông Tân phấn khởi chia sẻ: Tôi đầu tư xong xuôi là 77 triệu đồng, năm đầu tiên tôi thu được 73 triệu đồng. Còn năm nay, quýt không được mùa như năm trước, nhưng bù lại, cam rất sai quả nên thu hoạch cũng được gần 5 tấn, khoảng 70 triệu đồng.
Ngoài có nguồn thu từ trồng cây ăn trái, ông Tân còn có thu nhập từ 1,5ha diện tích trồng mỳ, 400 cây điều, chăn nuôi gà, vịt thả vườn. Trừ mọi chi phí, mỗi năm, gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Quang cho biết: Ông Tân là gương nông dân điển hình trên địa bàn xã, dám nghĩ, dám làm để tìm hướng phát triển kinh tế mới trên vùng đất khó. Ông Tân rất gần gũi, nhiệt tình với người dân. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm mà mình có được để giúp đỡ những người muốn trồng cây ăn trái. Vừa qua, ông Tân trình bày mong muốn liên kết với các hộ dân để phát triển cây ăn trái, trong đó chú trọng cây na dai, chính quyền địa phương sẽ luôn tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu phát triển cây ăn trái trong thời gian tới.
Thanh Tùng