Dịch Covid-19 là một chất xúc tác khiến con người hướng về giá trị đời sống tinh thần nhiều hơn nên nhu cầu nuôi thú cưng tăng cao. Thời gian gần đây, rất nhiều người muốn sở hữu, nuôi mèo trong nhà, dù điều kiện sống ở đô thị hạn chế.
Từ nhu cầu thực tế, hoạt động kinh doanh mèo đã bắt đầu nở rộ, đặc biệt tại các nước có khí hậu ôn đới như Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc… Đồng thời, các giống mèo nuôi cũng đa dạng hơn hẳn, trong đó, được ưu chuộng nhất vẫn là dòng mèo Anh lông ngắn, Scottish, Bengal, Maine coon… với giá trị xuất khẩu từ vài chục triệu đến cả tỷ đồng cho một chú mèo.
Chú mèo anh Vinh từng xuất khẩu với giá 15.000 USD, tức khoảng 360 triệu đồng (Ảnh: NVCC).
Anh Nguyễn Thế Vinh – Phó Chủ tịch liên chi hội mèo Việt Nam, một trong những người đi đầu phong trào xuất khẩu mèo cho biết, Việt Nam đã bắt đầu hình thành loại hình kinh doanh này từ 6-7 năm trước. Hiện nay, tiềm năng xuất khẩu mèo của Việt Nam đang rất khả quan, mở rộng. 2 thành phố lớn Hà Nội, TPHCM có ưu thế lớn với nhiều trại giống đạt chuẩn quốc tế.
“Hoàng thượng” đãi vàng
Những chú mèo thường được gắn với danh xưng “hoàng thượng” vì vẻ ngoài sang chảnh, thần thái ngầu, được ăn sung mặc sướng, đi spa… hiện tại là “nhân vật” có năng lực hệt như cái tên, mang tiền vàng về cho chủ nhân.
Theo ông Vinh, Việt Nam đã có rất mèo xuất khẩu được sang các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Mỹ, Malaysia, Canada, Úc, Dubai. Trong đó, những chú mèo có mã màu bình thường có giá trị 3.000-4.000$/con (khoảng 70-95 triệu đồng). Riêng những cá thể có gen hiếm, màu hiếm thì giá từ 7.000-15.000$ (khoảng 160-360 triệu đồng) và luôn trong tình trạng kiệt hàng vì sản phẩm được săn đón, canh mua.
Để những chú mèo hiếm, sở hữu nguồn gen trội này đạt giá trị cao hơn, người nuôi thường phải gửi mẫu test gen ra nước ngoài nhằm giám định và xác định giá trị của mèo chuẩn xác nhất.
Bé mèo Red Silver Shade 4 chân 6 ngón đầu tiên sinh sản tại Việt Nam (Ảnh: NVCC).
“Trong ngạch xuất khẩu mèo, Maine coon là giống mèo nhà được nuôi nhiều nhất trên thế giới. Khả năng thích nghi với môi trường sống tốt nên Maine coon sinh sản tại Việt Nam, nếu được chăm sóc tốt, đúng tiêu chuẩn sẽ phát triển đẹp, không thua kém gì các nước xứ lạnh” – chị Vũ Thùy Dung, người nhân giống có tiếng với dòng Maine Coon và Ragdoll thuần chủng chia sẻ.
Hiện nay một chú mèo Maine coon ns11 (giống mèo Mỹ lông dài, nổi bật với ngoại hình to lớn, mặt, bờm như sư tử – PV), mắt màu xanh lá cây hiện đang có giá trị rất cao, từ 200 đến 600 triệu đồng. Mức giá thành tới hàng trăm triệu đồng như thế tạo con đường lợi nhuận rộng mở cho việc kinh doanh, xuất khẩu mèo.
Kinh doanh mèo xuất khẩu ở Việt Nam dù là ngành nghề còn mới nhưng thông qua các cuộc thi “hoa hậu mèo” được tổ chức tại Việt Nam, quốc tế đang tạo tiền đề cho ngành này phát triển mạnh mẽ.
Trại mèo của anh Vinh đã nhân giống được nhiều giống mèo giá trị (Ảnh: NVCC).
Điều kiện với mèo xuất ngoại
Không kém gì người cần xuất ngoại, các chú mèo xuất khẩu cũng cần đáp ứng những điều kiện chặt chẽ, thậm chí là khắt nghiệt.
Các nhà nuôi mèo xuất khẩu cho hay, bước đầu phải lựa chọn con giống có nguồn gen tốt, áp dụng chế độ chăm sóc thích hợp cho mèo sinh sản. Đồng thời, mèo cần được sống trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với từng giai đoạn phát triển, mùa hè có điều hòa, mùa đông có máy sưởi.
Chế độ ăn cũng phải đảm bảo chất lượng, bổ sung các vi chất cần thiết để mèo được phát triển toàn diện, cân nặng tốt, lông dày dặn, bông đẹp và không bị nấm.
Sức khỏe của mỗi chú mèo tiêu chuẩn luôn được theo dõi và chăm sóc kĩ lưỡng – nhỏ gáy để phòng ve rận ký sinh, xổ giun định kỳ, tiêm phòng đúng ngày tháng…
Điều đặc biệt quan trọng mèo phải được tiêm phòng dại. Nhiều nước như Trung Quốc, Châu Âu… luôn đòi hỏi mèo phải được tiêm 2 mũi phòng dại và có chứng nhận xét nghiệm huyết thanh dại đúng chuẩn mới được nhập khẩu.
Chị Dung đã từng đưa nhiều chú mèo đi thi đấu khắp thế giới (Ảnh: NVCC).
Ngoài ra, mỗi chú mèo khi được xuất khẩu cần đăng ký với liên đoàn mèo thế giới để làm gia phả cho mèo, gắn chíp định danh. Thậm chí, trong quá trình xuất cảnh, nhiều chú mèo phải quá cảnh qua 1-2 nước trung gian rồi mới tới được điểm cần đến, phải thuê người bay kèm để đảm bảo không có sự cố vận chuyển.
Mặc dù nghề nuôi mèo xuất khẩu có thu nhập khủng nhưng đổi lại rủi ro cũng rất lớn vì sản phẩm là một cơ thể sống. Anh Nguyễn Thế Vinh cho hay, khó khăn đầu tiên là khi nhập mèo giống, dù là nhập từ nước ngoài về hay trong nước thì đó cũng đều là những giống mèo ngoại, chưa thể phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam.
Ngoài chi phí vận chuyển cao, việc nhập/xuất mèo còn gặp rất nhiều vấn đề về giấy tờ xuất cảnh, kiểm dịch thú y, khám tổng quát… Có những nước thủ tục nhập cảnh rất gắt gao như Nhật, Singapore, Đài Loan, Indonesia, Anh, Châu Âu…
“Cần phải khám tổng quát rất kỹ rồi kiểm tra huyết thanh kháng bệnh dại trong cơ thể mất 6-8 tháng. Sang đó mèo còn bị giữ lại cách ly mấy tháng ở hải quan, sau khi kiểm tra đầy đủ mới được nhập cảnh. Toàn bộ quy trình đó nếu có vấn đề gì xảy ra, thiệt hại chủ mèo phải chịu là rất lớn”, anh Vinh giải thích.
Mỗi chú mèo muốn xuất khẩu phải trải qua quy trình vô cùng nghiêm ngặt (Ảnh: NVCC).
Đầu tư “khủng” để theo nghề
Chị Vũ Thùy Dung cho biết, chi phí để chăm nuôi trại mèo nhân giống xuất khẩu cũng không nhỏ, khoảng 80-100 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền điện, chim cút, thức ăn thô, thực phẩm chức năng, spa và chi phí khám chữa bệnh.
“Vì mình nuôi theo quy mô trại lớn với 5 phòng riêng biệt, có đầy đủ máy móc thiết bị, điều hòa, lọc không khí nên có tháng, riêng tiền điện đã lên tới 25 triệu đồng. Maine coon là một giống mèo lớn nên khẩu phần ăn cũng rất khác. Ngoài ra, để vật nuôi bộ lông đẹp thì cần spa tối thiểu 2 lần/tháng, chi phí thường là 250.000-350.000 đồng/lần tùy cân nặng” – chị Dung nói.
Để sở hữu vẻ ngoài bắt mắt, mèo phải được chăm sóc như… vua, chi phí vài chục triệu/tháng (Ảnh: NVCC).
Hình ảnh một chú mèo Golden CY12 với giá tới vài trăm triệu đồng (Ảnh: NVCC).
Việt Nam hiện chưa có bất kỳ trường lớp đào tạo việc nhân giống mèo chuyên nghiệp nên vẫn còn nhiều bất cập cho những ai hứng thú và muốn thử sức với nghề nuôi mèo xuất khẩu. Các chủ trại phải tự tìm hiểu kiến thức qua các phương tiện truyền thông, từ các hiệp hội mèo quốc tế như WCF, CFA, Tica, FIFE… hay tại các show mèo trong và ngoài nước.
Lời tòa soạn
Sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng xã hội hiện mang lại cơ hội nghề nghiệp, công việc mới mẻ, đa dạng. Đặc biệt nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 18-25 đã bắt đầu làm việc và tạo ra thu nhập tiền tỷ.
Dân trí thực hiện một loạt bài CHUYỆN NGHỀ, kể về những công việc mới mẻ, thời thượng lẫn những góc khuất của những nghề nghiệp tưởng chừng quen thuộc mà ít người thấu hiểu. Từ chính trải nghiệm của “người trong cuộc”, CHUYỆN NGHỀ mong muốn mang lại góc nhìn khách quan, để độc giả khám phá những câu chuyện thú vị, tự vén những bức màn đằng sau ánh hào quang của những người trong nghề.