Nữ sinh đỗ học bổng Australia với điểm gần tuyệt đối

0
4
Nữ sinh đỗ học bổng Australia với điểm gần tuyệt đối

Hà NộiVới điểm học bạ 9,8 và SAT 1580/1600, Đỗ Chúc An nhận học bổng toàn phần học phí từ Đại học Sydney, theo đuổi ngành Khoa học máy tính.

Chúc An, lớp 12 Cambridge (hệ song bằng), trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận tin trúng tuyển Đại học Sydney, hôm 30/5, khi đang đi chơi cùng bạn bè. Ngôi trường này hiện ở vị trí thứ 18 trên bảng xếp hạng đại học thế giới QS 2025. Khoản hỗ trợ dành cho em tương đương 4 tỷ đồng.

“Em đã hét to và lên giường nhảy vì quá mừng”, An kể.

Ông Alex Vũ, Giám đốc tuyển sinh Đại học Sydney (USYD) tại Việt Nam, cho biết An năm nay lần đầu trường có học bổng này, với 20 suất dành cho sinh viên quốc tế.

Đỗ Chúc An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đỗ Chúc An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bố mẹ từng học ở Nga nên định hướng An du học từ sớm. Ba năm học ở trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, An luôn cố gắng đạt điểm số tốt nhất. Điểm trung bình của em là 9,8.

Ngoài ra, An đạt IELTS 8.0, điểm SAT (bài thi chuẩn hóa dùng xét tuyển vào các đại học Mỹ) 1580/1600 – thuộc top 1% thế giới, cùng điểm A* ở hai môn A-level (chương trình Tú tài Anh quốc). Dù vậy, An không định nộp hồ sơ vào các trường ở Mỹ, bởi nhận thấy hồ sơ chưa mạnh về hoạt động ngoại khóa.

Sau khi cân nhắc khả năng, điều kiện tài chính và môi trường học tập, An và gia đình hướng đến các trường G8 (nhóm 8 đại học hàng đầu) ở Australia. An từng đỗ học bổng 50% một trường trong nhóm này nhưng phần chi phí còn lại vẫn quá lớn với gia đình em. Do đó, khi USYD công bố chương trình học bổng 100% hồi tháng 4, An bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ.

Bên cạnh điểm số, An phải nộp hai bài luận khoảng 500-800 từ về những kết quả đạt được thời trung học và mục tiêu tương lai với tấm bằng của USYD.

Ở bài đầu tiên, An kể về quá trình học tập từ thời tiểu học. Em học trường dân lập và được làm quen với tiếng Anh sớm, theo học chương trình song bằng khi vào cấp ba. Tự tin với vốn tiếng Anh, An định chỉ dành 1,5 tháng ôn IELTS với mục tiêu đạt 7.5 trở lên.

“Em tìm đến các trung tâm nhưng không nơi nào đảm bảo. Họ nói khó ôn được mức điểm đó trong thời gian ngắn”, An kể. “Em rất lo”.

Nữ sinh tập trung khắc phục hai kỹ năng Nói và Viết bằng cách đăng ký gói luyện thi. Em thi thử liên tục và học từ những lỗi sai thường gặp, thay vì tích lũy từ vựng hay thành ngữ trong thời gian ngắn.

Nữ sinh cũng chú ý đến việc nói làm sao để người đối diện hiểu mình chứ không tập trung vào ngữ pháp. Cùng với sự hỗ trợ của giáo viên, An cải thiện các điểm yếu của mình theo tiêu chí chấm điểm của IELTS và đạt 8.0.

Lần thi vào lớp 10, An xác định mục tiêu muộn nên việc luyện thi khá cập rập. Được các anh chị khóa trên chia sẻ kinh nghiệm ôn và cách làm bài, giúp soạn đề thi thử và góp ý, An thi đỗ cả ba trường. Nữ sinh sau đó tiếp nối hoạt động này, giúp đỡ các em khóa sau trong kỳ thi vào lớp 10.

Từ những trải nghiệm trên, An rút ra hai bài học về niềm tin vào bản thân và ý nghĩa của sự hỗ trợ.

“Không nên sợ hãi hay lo lắng mình không làm được nếu chưa trải nghiệm”, nữ sinh nhìn nhận.

Ở bài luận dài hơn, An cho hay học môn Toán, Vật lý, Kinh doanh trong chương trình A-level và cảm thấy yêu thích khoa học dữ liệu.

“Đây là ngành tiềm năng, có ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Học và làm việc trong ngành giúp em có nhiều đóng góp cho xã hội”, An chia sẻ lý do chọn Khoa học máy tính, chuyên ngành Khoa học dữ liệu, ở USYD.

Nữ sinh cũng nhìn nhận sẽ có cơ hội được các giáo sư hàng đầu hướng dẫn hay tham gia các dự án với doanh nghiệp ở trường. Qua đó, em có thể mở rộng kiến thức, hướng đến trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Cô Kate Phạm, cố vấn hồ sơ của An, cho biết ấn tượng với bài luận chau chuốt, sẵn sàng “đập đi xây lại” để có bản tốt nhất. An học chương trình song bằng (bằng THPT của Việt Nam và Anh quốc) nặng nhưng có vẫn nỗ lực đạt điểm SAT cao, thành tích học tập xuất sắc.

“Em ấy ghi điểm còn vì đăng ký ngành học mà không nhiều bạn nữ chọn”, cô đánh giá.

Với cô Lương Thị Thùy Dương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Cambridge, An đứng đầu lớp về học tập nhưng rất khiêm tốn, chân thành và giúp bạn bè cùng tiến bộ.

“Học là niềm yêu thích của An”, cô Dương nhận xét. “Em ham tìm hiểu, hay đặt câu hỏi cho giáo viên để hiểu sâu bản chất vấn đề”. Cô giáo chủ nhiệm cho rằng sự quyết tâm và chỉn chu sẽ giúp nữ sinh đi được chặng đường dài trong học tập, nghiên cứu.

Tháng 7 tới, An sẽ sang Australia nhập học. Qua quá trình chuẩn bị hồ sơ, em nhận thấy ngoài việc lựa chọn ngành học yêu thích, tìm hiểu chất lượng đào tạo, du học sinh cần quan tâm đến các yếu tố về lối sống, văn hóa… để lựa chọn môi trường phù hợp nhất.

“Đối với học bổng bạn muốn, dù khó đến đâu cũng hãy cho mình một cơ hội và cố hết sức. Kể cả thất bại, bạn cũng có thêm kinh nghiệm và hiểu mình hơn”, An chia sẻ.

An chụp ảnh kỷ yếu cùng cô chủ nhiệm và các bạn hồi tháng 12/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

An chụp ảnh kỷ yếu cùng cô chủ nhiệm và các bạn, hồi tháng 12/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bình Minh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here