Những lớp học bảo tồn văn hóa truyền thống cho người trẻ

0
96
Những lớp học bảo tồn văn hóa truyền thống cho người trẻ

Những lớp học bảo tồn văn hóa truyền thống cho người trẻ
Nhiều học sinh, thanh niên huyện miền núi Tây Giang hào hứng với những lớp học đánh chiêng, trống, múa Tung tung da dá. Ảnh: Tiêu Dao

Trong những lớp học vang tiếng chiêng trống

Với người làng Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, cồng chiêng hay điệu múa Tung tung da dá đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt từ bao đời nay. Đến nay, nhiều buôn làng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như các lễ hội mừng lúa mới, mừng giọt nước, cưới hỏi, bỏ mả, dựng nhà Gươl… Những lễ hội đó thì không thể thiếu cồng chiêng. Khi đánh các bài chiêng cổ, dân làng sẽ như được thở hơi thở của dân tộc, thấy được cội nguồn của mình và có niềm tin hơn vào cuộc sống mới.

Múa Tung tung da dá của người Cơ Tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Tại huyện Tây Giang, nơi người Cơ Tu bản địa sinh sống có nhiều văn hóa đặc sắc, trong đó có điệu múa Tung tung da dá, hát lý, nói lý, nhưng trong thời gian qua, người dân chưa có nhiều ý thức về việc gìn giữ, cũng như quan tâm về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng, cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại thông minh, thế hệ trẻ dường như không còn mấy mặn mà với loại hình sinh hoạt truyền thống này.

Trước những nỗi lo đó, chính quyền huyện Tây Giang đã đề ra nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Trong đó, việc mở lớp truyền dạy những bài trống, chiêng, những điệu múa Tung tung da dá, hát lý, nói lý… cho học sinh, thanh niên là việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Cơ Tu.

Cứ đều đặn vào các tối thứ 3 và thứ 5 trong tuần, 52 em học sinh tại trường Trung học phổ thông Tây Giang và trường Trung học phổ thông Võ Chí Công tham gia lớp truyền dạy trống, chiêng, múa Tung tung da dá tại nhà Gươl của trường Trung học phổ thông Tây Giang. Tại lớp học, các em đã được các cô, chú, nghệ nhân giới thiệu ý nghĩa của trống, chiêng, thanh la và điệu múa Tung tung da dá, hát lý, nói lý; kỹ năng nghe, cảm thụ tiếng trống, chiêng, cách cầm chiêng, đánh chiêng, phân nhịp, cách cảm âm…

Cô Arâl Mai Tình, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Tây Giang cảm thấy vui mừng vì những học sinh còn trẻ nhưng đã rất hào hứng khi được trực tiếp nghe thấy âm vang tiếng chiêng. Các em chạm vào từng chiếc chiêng để cảm nhận chất liệu và tự đánh lên thanh âm mang hơi thở của dân tộc. “Những ngày đầu tham gia lớp học, các em đều được truyền dạy về vai trò của cồng chiêng đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, giới thiệu những bộ cồng chiêng mà người Cơ Tu đang sử dụng, được truyền dạy những bài chiêng cổ, những bài chiêng mới và cách gìn giữ, bảo quản bộ cồng chiêng trong gia đình” – cô Arâl Mai Tình cho biết.

Vì lớp học diễn ra trong thời gian dài, nên những nghệ nhân đều lựa chọn các bài chiêng từ dễ đánh đến khó đánh để truyền dạy cho các em học sinh và thanh niên. Đó là bài chiêng thường được sử dụng trong lễ mừng lúa mới vào tháng 12 hàng năm, những bài chiêng được sử dụng nhân dịp nhà trai qua nhà gái đặt vấn đề hỏi cưới, hay bài chiêng trong lễ cưới chính thức, cùng nhiều bài chiêng trống trong lễ hội khác.

Em Tarương Thị Diên, lớp 11C1, trường Trung học phổ thông Tây Giang cho biết, những học sinh ở đây được dạy và thực hiện thuần thục điệu múa Tung tung da dá, hát lý, nói lý. Mọi người đều rất vui vì được các nghệ nhân truyền dạy từng chi tiết cách xòe tay, từng bước chân thực hiện điệu múa truyền thống của dân tộc Cơ Tu mình. Còn em Blúp Kiều, lớp 11C1, trường Trung học phổ thông Tây Giang vui vẻ cho biết: “Em được các nghệ nhân vận động tham gia lớp học từ lâu, nhưng đến nay mới có điều kiện học. Tham gia lớp học, em được dạy đánh trống, chiêng. Ban đầu, em cảm thấy rất khó, sau khi được chỉ dạy, em dần tự tin hơn. Bây giờ, em đã thuần thục sử dụng trống, chiêng dân tộc mình”.

Khi người trẻ hào hứng với văn hóa dân tộc

Trong những ngôi nhà Gươl truyền thống, hay dưới những bóng cây cổ thụ của buôn làng, những nghệ nhân Cơ Tu lớn tuổi say sưa truyền dạy cồng chiêng hay những điệu múa cho lớp trẻ. Nhờ đó, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu được bảo tồn và phát huy.


Các nghệ nhân huyện Tây Giang truyền dạy cách đánh trống, chiêng cho các em học sinh. Ảnh: Tiêu Dao

Ngoài việc được truyền dạy cách đánh cồng chiêng, tại lớp học, các bạn trẻ còn được thế hệ đi trước truyền dạy về những truyền thống tốt đẹp của dân làng gắn liền với văn hóa cồng chiêng, rồi được cùng đội cồng chiêng tham gia đánh cồng chiêng trong làng và các làng xung quanh có người qua đời hoặc có lễ hội, cưới hỏi. Đồng thời, thường xuyên tham gia giao lưu văn hóa cồng chiêng với các địa phương khác.

Ông Palăng Bưng, nghệ nhân truyền dạy lớp trống, chiêng, múa Tung tung da dá cho học sinh và các thanh thiếu niên huyện Tây Giang cho hay: “Trước đây, đánh trống, chiêng, múa Tung tung da dá luôn được các thế hệ người Cơ Tu gìn giữ, phát huy, sử dụng trong các lễ hội của làng như lễ mừng lúa mới, lễ mừng Gươl mới, lễ Tạ ơn rừng… Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, hiện nay, lớp trẻ không mấy mặn mà đánh trống, chiêng, múa Tung tung da dá nên dần bị mai một theo thời gian, không còn nhiều người biết biểu diễn, nhất là các thế hệ trẻ. Nếu các em có tham gia múa, đánh trống cũng rất sơ sài, chưa am hiểu hết được. Nhờ những lớp học như thế này mà văn hóa Cơ Tu sẽ không bị mất đi theo thời gian!”.

Sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của cộng đồng dân tộc ở Tây Giang. Hiện nay, nhiều nghệ nhân nắm giữ bí quyết đánh cồng chiêng đã qua đời. Thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến cồng chiêng do sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập. Đây là những nguyên nhân khiến tiếng chiêng dần bị mai một. Trong trí nhớ của nghệ nhân Palăng Bưng, thì những ngày vui, sự kiện lớn của dòng họ, tiếng cồng chiêng luôn là một phần không thể thiếu. Lớp học này là cách để những nghệ nhân như ông Palăng Bưng gửi gắm tình yêu, niềm tự hào với văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ. Già Palăng Bưng chia sẻ, cồng chiêng vốn là tài sản vô giá, được cộng đồng dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên sáng tạo và không ngừng phát huy, trao truyền lại bao đời nay.

Ông Bríu Hùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tây Giang nhấn mạnh: “Chủ trương của UBND huyện giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp học này là một chủ trương đúng đắn và kịp thời; nhất là đối với các thế hệ trẻ. Qua đó, góp phần quan trọng trọng việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc Cơ Tu đến với du khách trong nước và quốc tế khi đặt chân đến Tây Giang. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Cơ Tu!”.

“Hằng năm, huyện sẽ tiếp tục mở lớp truyền dạy cho các xã, các khu dân cư trên địa bàn. Bên cạnh học chữ, các học sinh được trao truyền nét văn hóa của dân tộc, từ đó sẽ trở thành nhân tố quan trọng để gìn giữ, lan tỏa tình yêu với di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng bản địa. Đây cũng là dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Ông Bríu Hùng thông tin.

Tiêu Dao

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here