(Dân sinh) – Mặc dù vẫn có tình trạng khó khăn tại một số doanh nghiệp trong các ngành, nghề nhất định, nhưng qua các phiên giao dịch việc làm gần đây trên địa bàn Thủ đô cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn có xu hướng gia tăng.
Xu hướng tuyển dụng lao động khá tích cực
Ghi nhận tại phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm diễn ra cuối tuần qua cho thấy, 36 đơn vị, doanh nghiệp tham gia có nhu cầu tuyển 1.430 chỉ tiêu việc làm. Trong đó: Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng – đại học chiếm tỷ lệ cao nhất: 665/1.430 lao động (46,5%); nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp – công nhân kỹ thuật: 343/1.430 lao động (23,9%); nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông: 422/1.430 lao động (29,6%).
Các đơn vị tuyển dụng đưa ra các mức thu nhập phù hợp với vị trí việc làm và kỹ năng của người lao động, trong đó các chỉ tiêu có mức thu nhập cao từ 15 triệu đồng trở lên chiếm gần 16%; các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng chiếm hơn 20%; các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng chiếm hơn 41%. Còn các chỉ tiêu có mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng chiếm gần 22% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng.
Thông tin về thị trường lao động trên địa bàn Thủ đô, ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã ghi nhận tình trạng có doanh nghiệp giảm đơn hàng, phải cho lao động nghỉ việc, song nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động khá tốt.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện và các tỉnh, thành phố tổ chức được 124 phiên giao dịch việc làm với 3.635 đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển sinh tổng số 60.034 người; qua đó đã có 25.092 lao động được phỏng vấn và 8.805 lao động được tuyển dụng tại các phiên giao dịch việc làm.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu sử dụng lao động sẽ có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất kinh doanh tùy theo diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, có thể sẽ có mức tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, qua nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, xu hướng tuyển dụng lao động những tháng cuối năm trên địa bàn Thủ đô vẫn khá tích cực.
Dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu vào các vị trí như: Nhân viên kinh doanh – bán hàng, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may, nhân viên dịch vụ nhà hàng khách sạn, nhân viên du lịch lữ hành… Dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Dịch vụ du lịch và lữ hành; bán buôn và bán lẻ; vận tải, kho bãi.
Người lao động tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm (Hà Nội)
Thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2023
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2023.
Theo đó, Thành phố sẽ tiến hành thu thập thông tin cơ bản, chính xác về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục đào tạo, tình trạng việc làm, thất nghiệp, không tham gia hoạt động kinh tế của người từ đủ 15 tuổi trở lên trong các hộ gia đình làm cơ sở quản lý nguồn nhân lực, đề xuất các chính sách về lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động (gọi tắt là thông tin cung lao động).
Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ thu thập thông tin cơ bản về loại hình, ngành kinh tế, việc sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động làm cơ sở để xác định hướng đào tạo, dạy nghề phát triển nguồn nhân lực và kết nối, cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động (gọi tắt là thông tin cầu lao động).
Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ tiến hành thu thập thông tin về người lao động nước ngoài làm việc tại thành phố Hà Nội theo quy định tại Bộ luật Lao động.
Thành phố cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong ghi chép, cập nhật, lưu trữ, xử lý số liệu và khai thác cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động.