Nhiều nghề có thể biến mất trong tương lai

0
90
Nhiều nghề có thể biến mất trong tương lai

Công nghệ thay đổi nghề truyền thống

Khoảng 10 năm trước, người dân ở các tỉnh đến TPHCM đều nghĩ xe ôm là “đặc sản” của thành phố này vì đi đâu cũng thấy, từ bến xe cho đến ngã tư đường. Nhưng đến giờ, hẳn là phải tìm mỏi mắt mới bắt gặp một người lớn tuổi hành nghề xe ôm truyền thống. Thay vào đó là tài xế các hãng xe công nghệ Grab, Bee, Gojek… chạy khắp phố với chiếc điện thoại thông minh gắn trước tay lái.

Với người dân thành phố, hình ảnh nhân viên điện lực ghi chỉ số điện hàng tháng cũng dần trở thành ký ức. Từ khi có điện kế điện tử, thông số sử dụng điện được truyền trực tiếp về tổng đài điện lực, tính toán mức tiêu thụ, ra hóa đơn điện tử, gửi thông báo cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại hoặc email… hoàn toàn tự động. Khách chuyển khoản thanh toán qua ngân hàng… Nghề ghi chỉ số điện biến mất.

Nhiều nghề có thể biến mất trong tương lai - 1

Hình ảnh xe ôm truyền thống hầu như biến mất, thay thế bằng các tài xế công nghệ (Ảnh minh họa: CTV).

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, công nghệ đang tác động đến hầu hết các ngành nghề, từ nghề ứng dụng công nghệ hiện đại cho đến những công việc mang tính phổ thông, truyền thống. Tác động này khiến nhiều nghề truyền thống phải thay đổi để tồn tại, không thay đổi thì sẽ bị loại bỏ.

Ông cho rằng: “Cùng với sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng phổ biến của trí tuệ nhân tạo, có những ngành nghề dần biến mất nhưng đồng thời, nhiều công việc mới sẽ ra đời. Những công việc yêu cầu độ chính xác cao, thao tác giản đơn, dễ dàng thực hiện theo hướng dẫn, có thể tính toán dựa trên việc hệ thống hóa… sẽ là những ngành nghề có nhiều khả năng biến mất”.

Danh sách các ngành nghề có thể biến mất trong tương lai gần do tác động của công nghệ được nhiều tổ chức trên thế giới thống kê, dự báo. Danh sách này có sự sai khác tùy theo đơn vị thống kê, tùy vào quốc gia do trình độ phát triển và ứng dụng công nghệ khác nhau.

Tại Việt Nam, đã có một số ngành nghề truyền thống đi xuống do sự thay đổi của công nghệ và quy trình sản xuất kinh doanh hiện đại. Đó là các nghề như thu cước, bưu tá, tiếp thị qua điện thoại, trực tổng đài, công nhân dệt may, làm vườn, làm nông, thư ký, đánh máy, nhập dữ liệu…

Những nghề trên có thể chưa biến mất hoàn toàn nhưng đang trên đà suy giảm và sẽ không còn trong tương lai gần. Đồng thời, sự kết hợp, lồng ghép nhau giữa các nghề cũng sẽ hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp công nghệ số.

Chọn nghề phải nghiên cứu xu hướng nghề nghiệp

Với 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dự báo nhân lực, ông Trần Anh Tuấn nhận định, 2022-2030 sẽ là giai đoạn mà xu hướng tuyển dụng các ngành liên quan đến công nghệ luôn ở mức cao so với các ngành khác.

Vì vậy, nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp gắn với chuyển đổi số, thích ứng với sự chuyển đổi của xã hội ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thị trường lao động.

Ông Tuấn chia sẻ: “Vai trò chủ đạo của công nghệ, kết nối kỹ thuật số đang gây ra sự thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống, đó là kỷ nguyên của thời đại kỹ thuật số. Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai này đã thay đổi. Máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành”.

Theo Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, việc cơ quan quản lý nghiên cứu, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển của thị trường lao động và nghề nghiệp là rất quan trọng. Các chỉ số này không chỉ để cơ quan chức năng quản lý thị trường việc làm tốt hơn mà còn là căn cứ để người dân lựa chọn nghề nghiệp.

Trong các yếu tố cân nhắc để học sinh, thanh niên chọn nghề thì xu hướng nghề nghiệp được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định rất lớn đến việc chọn ngành nghề và sự thành công của tất cả mọi người.

Những biến động về kinh tế, xã hội và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới, kéo theo nhu cầu nhân lực cho các nghề mới này. Chọn học đúng nghề có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai là đảm bảo một phần cho thành công khi gia nhập thị trường lao động.

Ông Tuấn khái quát: “Không có một khái niệm cụ thể cho cụm từ xu hướng nghề nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng, xu hướng nghề nghiệp là khả năng mở rộng, nên phát triển một nghề nghiệp nào đó ở hiện tại và trong tương lai được phần lớn mọi người tin tưởng lựa chọn và theo đuổi”.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here