Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời

0
36
Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời
Cơ cấu kinh tế của xã các biên giới huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam chủ yếu là nông nghiệp và trồng rừng. Ảnh: An Nhiên

Mức giải ngân còn chậm

Kết quả huy động nguồn lực thực hiện Chương trình năm 2023 tại Quảng Nam là hơn 981 tỷ đồng, bao gồm 533,837 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 447,825 tỷ đồng vốn sự nghiệp. UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến ngày 30/6/2023 đã giải ngân được 118.775 triệu đồng vốn đầu tư phát triển và 7,068 tỷ đồng vốn sự nghiệp.

Đánh giá về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của chương trình, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến ngày 30/6/2023, hầu hết các chỉ tiêu của Chương trình chỉ mới triển khai thực hiện chưa đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Dự kiến đến hết năm 2023, đa số các nội dung dự án, tiểu dự án đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 đề ra.

Các chỉ tiêu khả năng không đạt theo kế hoạch vốn năm 2023 đề ra gồm: Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 3 (Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân); Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi); Tiểu Dự án 1 thuộc Dự án 9 (Đầu tư tạo sinh kế bền vững, phát triển kinh tế – xã hội nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn).

Về kết quả thực hiện các tiểu dự án, dự án, nội dung hoạt động của Chương trình năm 2023 (bao gồm nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang), theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, đến hết tháng 6, mới chỉ giải ngân được 10,962 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt), đạt 12,37%. Trong khi đó, nguồn vốn sự nghiệp phân bổ thực hiện Dự án 2 là 16,585 tỷ đồng chưa giải ngân được.

Đối với Dự án 2 (Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hộ DTTS còn du canh, du cư, dân di cư tự do và những nơi cần thiết), mới giải ngân được 10,807 tỷ đồng vốn đầu tư đạt 24,11% và 960 triệu đồng vốn sự nghiệp, đạt 2,4%.

Thực hiện Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) năm 2023, Quảng Nam được phân bổ 15,2 tỷ đồng vốn đầu tư và 209,594 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Đến hết tháng 6, địa phương này mới giải ngân được 12,35% vốn đầu tư (thực hiện xây dựng vườn ươm cây dược liệu quý) và 2,317 tỷ đồng vốn sự nghiệp, đạt 1,11%.

Đối với Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc), mức giải ngân có cao hơn nhưng cũng chỉ đạt 24,26% vốn đầu tư và 4,25% vốn sự nghiệp.


Người dân xã La Dêê tham dự buổi họp triển khai dự án trồng cây dược liệu nhằm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: An Nhiên

Trong 6 tháng năm 2023, việc thực hiện các dự án còn lại cũng đạt mức giải ngân rất thấp. Ngoại trừ Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) đạt mức giải ngân 13,39% vốn đầu tư và 1,41% vốn sự nghiệp, các dự án còn lại tỉ lệ giải ngân chỉ đạt từ 0 đến dưới 6%.

Đề xuất họp giao ban hàng quý để kịp thời tháo gỡ khó khăn

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 đang còn nhiều tồn tại, hạn chế do chưa có hướng dẫn. Trong năm 2022 và tháng đầu năm 2023 nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ, ngành trung ương chưa kịp thời, dẫn đến nguồn vốn đã được phân bổ nhưng không có cơ sở để thực hiện.

Cụ thể, Dự án 1 (nội dung thực hiện hỗ trợ đối với nhà ở, đất ở, đất sản xuất), đến ngày 24/6/2023 Chính phủ mới có Nghị định số 38/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Vì vậy, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 không thể thực hiện giải ngân.

Dự án 2 (quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết), tại điểm c, khoản 3, Điều 15 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc có quy định: “Thực hiện các chính sách hỗ trợ hiện hành khác đối với các hộ được bố trí ổn định như người dân tại chỗ, đảm bảo cho người dân ổn định đời sống, sản xuất lâu dài”. Đến nay, Ủy ban Dân tộc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể chính sách khác là gồm những chính sách gì, định mức hỗ trợ và phương thức lập, thẩm định, phê duyệt thủ tục thực hiện cũng như thanh quyết toán.


Nhà sinh hoạt cộng đồng – thiết chế văn hóa đã phát huy hiệu quả trong việc xây dựng, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết và văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam. Ảnh: An Nhiên

Đối với tiểu dự án 2, dự án 5, đến nay nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh chưa triển khai thực hiện do chưa có bộ tài liệu để thực hiện; đồng thời nội dung đào tạo dự bị đại học, đại học, sau đại học có nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện do văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương chưa cụ thể về hình thức triển khai ở địa phương; điều kiện, thủ tục thanh quyết toán kinh phí thực hiện…

Để sớm giải quyết những vướng mắc, bất cập, thực hiện có hiệu quả chương trình, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm ban hành Chương trình bồi dưỡng tiếng DTTS để địa phương thực hiện. Trường hợp chưa ban hành thì xem xét, thống nhất để UBND tỉnh lựa chọn, biên soạn, phê duyệt Chương trình bồi dưỡng tiếng DTTS của địa phương để sớm triển khai thực hiện được nội dung 1 – Tiểu dự án 2 – Dự án 5.

Đối với Dự án 2 (Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết), tỉnh Quảng Nam đề nghị Ủy ban Dân tộc có văn bản hướng dẫn cụ thể chính sách khác là gồm những chính sách gì, định mức hỗ trợ và phương thức lập, thẩm định, phê duyệt thủ tục thực hiện cũng như thanh quyết toán.

Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị điều chỉnh tên huyện, xã, thôn tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Uỷ ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và 15 miền núi giai đoạn 2021 – 2025, do tên gọi một số thôn đặc biệt khó khăn không đúng với thực tế.

Đồng thời đề nghị Ủy ban Dân tộc hằng tháng hoặc hằng quý tổ chức họp giao ban về thực hiện Chương trình theo cụm tỉnh; qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

An Nhiên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here