Nghỉ việc gần nửa cơ quan
Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê (BQL RPH Bắc An Khê) được giao quản lý và bảo vệ hơn 10.300ha rừng, trải dài trên 4 huyện, thị gồm: Thị xã An Khê, huyện Mang Yang, Kbang và Đăk Pơ.
Theo đó, BQL RPH Bắc An Khê được giao tổng biên chế 15 người nhưng hiện nay mới có 9 người. Trong 9 người này thì chỉ có 3 nhân viên là chuyên trách bảo vệ rừng, số còn lại là lãnh đạo và làm việc tại phòng, lực lượng cơ động. Trước khó khăn đó, lãnh đạo ban và cán bộ phòng, ban phải luôn căng mình cùng nhân viên ngày đêm “bám rừng”.
Vì thiếu biên chế nên những nhân viên bảo vệ rừng BQL RPH Bắc An Khê đảm nhiệm công việc gấp nhiều lần so với ban đầu (Ảnh: T.T).
Ông Phan Thanh Hải – Trưởng BQL RPH Bắc An Khê cho biết: “Trong 2 năm qua, Ban có khoảng 6 nhân viên xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Nguyên nhân do áp lực giữ rừng ngày càng lớn mà tiền lương, chế độ phụ cấp thấp. Một phần vì công tác xa nhà nên một số người đã xin nghỉ việc hoặc tự động bỏ việc”.
Ban hiện quản lý hơn 10.300ha nhưng chỉ có 3 viên chức chuyên trách bảo vệ rừng. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi nhân viên phải kiêm nhiệm quản lý, bảo vệ gấp 3 lần số diện tích được giao. Dù đã có những kiến nghị lên cấp trên nhằm xem xét bổ sung biên chế và chính sách hỗ trợ cho nhân viên bảo vệ rừng nhưng vẫn chưa được bổ sung.
Lực lượng mỏng mà diện tích bảo vệ lớn nên nỗi lo rừng bị xâm hại luôn cận kề (Ảnh: T.T).
Là người bám trụ lâu trong ngành lâm nghiệp, anh Hồ Vĩnh Tường (SN 1990, Nhân viên quản lý bảo vệ rừng thuộc BQL RPH Bắc An Khê) đang nhận mức lương 4,4 triệu đồng/tháng. Hai người còn lại chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng.
Anh Tường trải lòng: “Ngày trước, mỗi anh em trong đơn vị quản lý, bảo vệ một tiểu khu (khoảng 1.000ha) thì nay công việc tăng gấp 3 lần vì thiếu nhân lực. Diện tích rừng lớn mà lực lượng mỏng nên chúng tôi phải phân chia và phối hợp với địa phương để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên diện tích được giao”.
Trước những khó khăn đó, BQL RHP Bắc An Khê đã có những kiến nghị thêm biên chế và hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng (Ảnh: T.T).
“Chúng tôi học ngành lâm nghiệp thì mong muốn cống hiến với ngành. Tuy nhiên với mức lương ít ỏi, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng khiến nhiều anh em không thể trụ lại mà xin nghỉ việc. Tôi mong muốn có thêm hỗ trợ, chính sách đặc biệt nhằm giúp nhân viên bảo vệ rừng trang trải các chi phí, chăm lo gia đình và yên tâm công tác”, anh Tường kỳ vọng.
Ở lán, uống nước mưa… giữ rừng
Tương tự, BQL RPH Ia Meur (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, Gia Lai) đang quản lý, bảo vệ hơn 10.000ha diện tích rừng. Thời gian qua, Ban đã có 3 người xin nghỉ việc. Trong đó, trưởng ban cũng viết đơn xin nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe.
Ông Hoàng Vĩnh Thuận, Phó BQL RPH Ia Meur cho biết: “Ban được giao quản lý 10.300ha. Dựa trên diện tích, Ban được phân bổ 19 biên chế nhưng hiện nay mới chỉ có 11 người, còn thiếu 8 biên chế.
Nguyên nhân khiến nhiều nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc là do áp lực công việc, trách nhiệm nặng nề, cơ sở vật chất thiếu thốn (Ảnh: Phạm Hoàng).
Lý do khiến nhân viên quản lý, bảo vệ rừng nghỉ việc là áp lực công việc, sức khỏe không đảm bảo, chế độ đãi ngộ chưa cao. Trong khi đó trách nhiệm của chủ rừng lại rất lớn, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị kỷ luật…”.
Theo chân anh Thuận, chúng tôi đến thăm chốt bảo vệ rừng trên vùng biên giới xã Ia Mơr. Tại đây có khoảng 2-3 nhân viên cùng trú trong một căn lán nhỏ, tạm bợ để thực hiện nhiệm vụ, tuần tra, bảo vệ lâm phần được giao.
Một số chốt bảo vệ rừng ở trong vùng khó khăn, không điện và nước sinh hoạt. Nhân viên bảo vệ rừng phải đào ao để tích trữ nước mưa dùng (Ảnh: Phạm Hoàng).
Anh Chu Khánh Hữu, nhân viên bảo vệ rừng tâm sự: “Nơi chúng tôi ở rất khó khăn khi không có nước sinh hoạt, điện và sóng điện thoại chập chờn. Chúng tôi phải đào ao nhỏ để lấy nước mưa phục vụ cho việc tắm giặt, vệ sinh. Cuộc sống có gì ăn đó, chủ yếu là cá khô và rau rừng hái được trên đường tuần tra”.
“Hiện tại lương của tôi gần 6 triệu đồng/tháng, nếu trừ hết chi phí đi lại thì cũng tiết kiệm được vài triệu gửi về cho vợ con. Tôi luôn mong muốn có thêm lực lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đồng thời là chế độ đãi ngộ phù hợp, tương xứng với công sức anh em bỏ ra”, anh Hữu bộc bạch.
Bên cạnh việc lương thấp, các nhân viên giữ rừng tại ban quản lý rừng phòng luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và sự hung hãn, chống đối của lâm tặc hoặc người dân xâm canh.
Sở NN&PTNT Gia Lai đã có văn bản kiến nghị điều chỉnh chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc đối với lực lượng bảo vệ rừng (Ảnh: Phạm Hoàng).
Mới đây, vào khoảng tháng 4/2022, tổ công tác Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer tổ chức tuần tra bảo vệ rừng tại xã Ia Mơ thì bị người dân (trú tại xã Ia Ga, huyện Chư Prông) dùng cây gậy tấn công vào vùng đầu của một nhân viên quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, nhiều đối tượng còn đe dọa đến tính mạng khi các nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thực thi nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng.
Trước những khó khăn về thiếu nhân lực, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã có thông báo về việc tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc năm 2023. Số lượng cần tuyển là 69 chỉ tiêu vào 18 ban quản lý rừng phòng hộ và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Đồng thời, Sở cũng có nhiều chính sách trong việc tạo điều kiện thuận lợi để luân chuyển cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa về làm gần gia đình. Phân bổ thêm những chính sách hỗ trợ chế độ đi lại và thưởng cho các nhân viên quản lý, bảo vệ rừng yên tâm công tác.
Sở NN&PTNT Gia Lai đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc đối với lực lượng bảo vệ rừng.