Người Việt chiếm 1/4 tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, đem về 3 tỉ USD kiều hối mỗi năm

0
77
Người Việt chiếm 1/4 tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, đem về 3 tỉ USD kiều hối mỗi năm

Người Việt chiếm 1/4 tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, đem về 3 tỉ USD kiều hối mỗi năm - Ảnh 1.

Ông Doãn Mậu Diệp, chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) – Ảnh: HÀ QUÂN

Diễn đàn giao lưu phát triển nhân lực Việt Nam – Nhật Bản 2023 nóng lên với câu chuyện thực tập sinh phải trả quá nhiều chi phí xuất cảnh. 

Diễn đàn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hiệp hội Thân thiện quốc tế Nhật Bản (JIFA) đồng tổ chức ngày 5-4.

Phí xuất cảnh của thực tập sinh Việt cao hơn Trung Quốc, Indonesia

Theo ông Doãn Mậu Diệp – chủ tịch VAMAS, chi phí của thực tập sinh Việt Nam cao nhất, hơn cả Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Tuy vậy, ông Diệp nêu rõ các doanh nghiệp tuyển dụng, xuất khẩu lao động tồn tại được hay không là nhờ phí dịch vụ.

“Phí dịch vụ phải đủ để đảm bảo bù đắp đủ tất cả những chi phí từ khai thác hợp đồng, tuyển dụng lao động, quản lý, hỗ trợ người lao động trong thời gian ở nước ngoài. Đồng thời, doanh nghiệp phải có lãi để phát triển các hoạt động của riêng mình”, ông Diệp nói.

Vị này phân tích rõ nếu giảm chi phí xuất cảnh cho người lao động bằng 0 thì cần cơ chế đảm bảo không có sự phân biệt giữa tiền lương, phúc lợi với người đi làm việc ở Nhật có trả phí. Cạnh đó, nhiều chương trình chi phí thấp, thậm chí phi lợi nhuận khó thu hút người tham gia.

Còn theo ông Phạm Viết Hương – phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh cũng như đang thực tập tại Nhật Bản (hơn 200.000 người). Ngoài ra, đến tháng 12-2022, trên 77.000 lao động đặc định Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

“Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phái cử Việt Nam không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh. Có tình trạng thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định. Thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian hoặc môi giới.

Một số đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty phái cử trả tiền “hoa hồng” khi tiếp nhận thực tập sinh, yêu cầu “thiết đãi” quá mức khi đến Việt Nam. Việc này tạo gánh nặng chi phí lên người lao động. Ngoài ra, có việc không thanh toán các khoản phí quản lý, phí phái cử theo thỏa thuận”, ông Hương bày tỏ.

Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 nêu rõ doanh nghiệp không được thu tiền môi giới, dịch vụ của người lao động trái phép.

Bên cạnh đó, luật cũng bổ sung quy định cụ thể và nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động. Chẳng hạn, lao động làm việc từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không quá 3 tháng tiền lương theo hợp đồng.

Tuy vậy, vị này thừa nhận có những thỏa thuận ngầm khiến việc triển khai không hiệu quả, thực chất. Do đó, ông mong các bên liên quan giảm tối đa chi phí xuất cảnh cho người lao động, tiến tới mục tiêu “zero fee” (chi phí 0 đồng) cho lao động Việt Nam.

Người Việt chiếm 1/4 tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, đem về 3 tỉ USD kiều hối mỗi năm - Ảnh 2.

Ông Phạm Viết Hương – phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – Ảnh: HÀ QUÂN

Tại sao Hà Tĩnh, Nghệ An phải trả phí xuất cảnh đi Nhật cao?

Theo bà Ingrid Christensen – giám đốc ILO tại Việt Nam, qua thống kê, số lao động Việt Nam tại Nhật Bản rất lớn, chiếm tới 1/4 trên tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Qua đó, Việt Nam hưởng lợi từ kiều hối tương đương 3 tỉ USD/năm.

Tuy nhiên, giám đốc ILO tại Việt Nam nêu rõ chi phí một lao động đi Nhật Bản lên tới 192 triệu đồng (khoảng 8.000 USD). Từ thực tế trên, bà Ingrid Christensen cho rằng cần nhân rộng mô hình tư vấn và hỗ trợ tại các trung tâm hỗ trợ lao động di cư trong trung tâm dịch vụ việc làm của 5 tỉnh gồm Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bắc Ninh và Phú Thọ. 

Qua khảo sát tại Hà Tĩnh, JIFA cho rằng thực tập sinh đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An chiếm tới 1/5 tổng số thực tập sinh kỹ năng tại Nhật nhưng trả chi phí thực tập rất cao. 

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như thiếu thông tin nên phụ thuộc môi giới, tồn tại tình trạng trả tiền “cảm ơn” người giới thiệu, có ít cơ sở dạy tiếng Nhật tại địa phương… 

Để giảm gánh nặng chi phí xuất cảnh, bà Ikeda Setsuko – chủ tịch JIFA – chỉ ra chiến dịch xóa bỏ các hành vi gian lận trong chương trình thực tập sinh có thể là giải pháp. Chiến dịch gồm 3 trụ cột là từ chối tiền lại quả hoặc thiết đãi quá mức, từ chối hợp đồng “cửa sau” và không cung cấp tài liệu giả mạo.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here