Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam”, do Trường Đại học Công đoàn tổ chức ngày 17/6 tại Hà Nội.
Nợ tiền nhà thường xuyên, có người nợ 3-4 tháng
Lao động di cư (LĐDC) thường xuất thân từ nông thôn, trình độ thấp, chưa qua đào tạo nghề, tác phong công nghiệp và kiến thức pháp luật hạn chế, công việc không ổn định.
Họ phải thuê nhà trọ, chi phí điện, nước cao, con cái không được vào học trường công, chịu rất nhiều thiệt thòi.
Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, trợ giúp xã hội…, của lao động di cư cũng gặp phải nhiều rào cản và trở ngại.
GS.TS Đặng Nguyên Anh (Ảnh: S.Đ).
GS.TS Đặng Nguyên Anh, nghiên cứu viên cao cấp (Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, hiện người di cư chiếm khoảng 10% dân số cả nước, chủ yếu tập trung từ 15-30 tuổi. Họ di cư với mục tiêu thay đổi cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên những tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh cho các đối tượng này hiện còn nhiều thiệt thòi, nhất là trường hợp di cư bán hàng rong, làm thuê…
Trẻ em trong các gia đình di cư phải theo học các trường ngoài công lập với chi phí cao hơn bởi hộ khẩu và tạm trú là vấn đề khó khăn với đối tượng này.
Người di cư phải trả tiền điện với giá cao, từ 4.000-5.000 đồng/kw, cao hơn giá của Nhà nước, mức chi trả tiền nước của đối tượng này cũng cao hơn quy định, từ 15-20%.
Hội thảo nhận được hơn 100 bài viết của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước. Các báo cáo khoa học tập trung ba nhóm chủ đề: Hệ thống an sinh xã hội trong việc giảm thiểu rủi ro, cứu trợ xã hội; sự bình đẳng trong đối tượng được trợ giúp; trách nhiệm thực hiện hệ thống an sinh xã hội cho lao động di cư hiện nay.
Về nhà ở, hầu hết người lao động di cư phải ở nhà thuê, nhà bán kiên cố hoặc nhà cấp 4, khoảng 1/3 lao động di cư sống trong các khu nhà tạm bợ.
“Tình trạng lao động di cư nợ tiền nhà thường xuyên và phổ biến, có những người nợ từ 3-4 tháng tiền nhà.
Hiện giá nhà trung bình ở Hà Nội và một số thành phố lớn từ 40 triệu/m2, không phải ai cũng mua được nên đây thực sự là thách thức với người lao động di cư.
Trong đại dịch, người lao động không tiền, không lương thực thực phẩm, không nhà ở nên chỉ còn cách phải lên xe chạy về quê”, GS.TS Đặng Nguyên Anh nói.
TS Dương Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cũng thừa nhận, thời gian qua chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng về chính sách với người lao động di cư.
Mặc dù họ tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức lẫn phi chính thức, nhiều LĐDC không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể các vấn đề như lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch…
Trong tất cả những khó khăn gặp phải, theo TS Xuân, LĐDC gặp khó khăn về chỗ ở được đề cập đến nhiều nhất (khoảng 42%).
Những khó khăn chủ yếu tiếp theo mà người di cư gặp phải gồm: Không có nguồn thu nhập; không tìm được việc làm; không thích nghi với nơi ở mới…
Người lao động di cư từ TPHCM về miền Trung giai đoạn đại dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lam).
Lương 7 triệu đồng/tháng làm sao mua nhà?
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho rằng, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, việc bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta vẫn còn những “khoảng trống”.
Hiện mức độ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội chưa cao, đối tượng còn hẹp, vẫn tồn tại một nhóm lao động đang bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Các số liệu đáng tin cậy của Tổ chức di cư quốc tế (IOM – International Organization for Migration) và Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, hiện nay vẫn còn hàng trăm nghìn lao động Việt Nam di cư nội địa và di cư quốc tế gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định nơi ở, khó khăn trong thụ hưởng dịch vụ y tế, giáo dục …
Chính vì vậy, bài toán cấp bách đặt ra là cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo GS Đặng Nguyên Anh, hiện nhiều người chưa mặn mà với lao động di cư: doanh nghiệp không mặn mà xây nhà cho người thu nhập thấp, có chăng sẽ xây rất xa trung tâm.
Một số địa phương không mặn mà, thậm chí “đóng cửa” với lao động di cư trong khi thực tế cho thấy, địa phương nào mở cửa với lao động di cư có mức kinh tế phát triển rất tốt.
PGS.TS. Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn (Ảnh: H. D).
Chuyên gia này cho rằng, chúng ta cần đưa ra định hướng mới về an sinh cho người lao động di cư trong tình hình mới, về cách tiếp cận y tế công bằng, nhà ở tối thiểu, an sinh xã hội, y tế, giáo dục…, bởi đầu tư cho người lao động di cư là đầu tư cho phát triển con người nên chế độ phải bao phủ và toàn diện.
Các địa phương và bộ ngành cần xác định, đây là lực lượng lao động quan trọng và không nhất thiết phải ngăn cấm, hạn chế.
Cũng theo chuyên gia này, khó khăn cho lao động di cư một phần do vướng mắc trong thực hiện hệ thống luật.
Chẳng hạn Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa qua rất kịp thời nhưng nhiều người còn vướng thủ tục khi nhận hỗ trợ.
Thứ nhất, muốn hỗ trợ tiền nhà người đó phải có hợp đồng lao động, có bảo hiểm xã hội và xác nhận của đơn vị.
Cấu trúc hệ thống an sinh xã hội Việt Nam (Nguồn: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).
“Ở nước ngoài, nhà ở xã hội không bán mà chỉ cho thuê. Nói giá thấp nhưng cũng đến mấy trăm triệu đồng, trong khi lương tháng mỗi lao động di cư được 7-8 triệu đồng, thậm chí nhiều người không có lương thì làm sao mua”?, GS Đặng Nguyên Anh đặt câu hỏi.
Dưới góc nhìn cá nhân, GS Anh cho rằng cần cơ chế linh hoạt trong vấn đề nhà ở cho người lao động di cư, giải pháp cho thuê là phù hợp nhất.
Với những khó khăn lao động di cư đang gặp phải, TS Xuân cho biết, rất ít LĐDC tìm đến sự giúp đỡ của các cơ quan đoàn thể. Họ thường dựa vào người thân thích nhất trong gia đình.
Hơn 60% LĐDC gặp khó khăn cho biết họ tìm sự giúp đỡ của người thân thích nhất. Tỷ lệ người lao động tìm sự giúp đỡ từ họ hàng chiếm hơn 30% và từ bạn bè chiếm hơn 40%.
Trong đó, giúp đỡ chủ yếu nhất mà LĐDC nhận được là sự “động viên tinh thần” còn lại một tỷ lệ tương đối nhận được sự giúp đỡ về tiền bạc.
Vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ những LĐDC gặp khó khăn tương đối mờ nhạt.
Do đó TS Xuân cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ để đảm bảo quyền lợi cho người di cư: Quyền về an sinh xã hội; quyền đảm bảo về sinh kế và thu nhập; quyền về nơi cư trú, nhà ở, tự do đi lại; quyền học tập; quyền tự do kinh doanh; quyền tiếp cận thông tin và thụ hưởng các giá trị văn hóa…