Người đàn ông dùng vàng hàn gắn kỷ vật, khách nườm nượp kéo đến

0
5
Người đàn ông dùng vàng hàn gắn kỷ vật, khách nườm nượp kéo đến

Vẻ đẹp từ sự khiếm khuyết

Trong căn phòng chứa đầy đồ cổ, anh Nguyễn Lê Uyên Viễn (SN 1975, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) ngồi ngay ngắn trước chiếc bàn gỗ bày đủ thứ dụng cụ thủ công.

Người đàn ông dùng vàng hàn gắn kỷ vật, khách nườm nượp kéo đến - 1

Chiếc ấm trà bị nứt miệng vòi, được anh Viễn “vá” lại bằng vàng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tay trái cầm ấm trà bằng gốm, tay phải anh Viễn cầm con dao nhọn, mảnh rạch một đường theo vết nứt của chiếc ấm, rồi tinh tế tạo hình một đại thụ có bộ rễ lớn.

“Những đồ vật đã nứt, mẻ thường bị coi là kém may mắn và chủ nhân thường mang đi vứt bỏ. Thế nhưng, có những kỷ vật của người thân không thể muốn bỏ là bỏ. Vì thế, nhiều người tìm đến tôi để tôi giúp họ hàn gắn món đồ quý giá của mình. Để những vết nứt ấy không thành mụn lỗi xấu xí, tôi thường sáng tạo thêm những hình vẽ, nét điêu khắc để biến “sẹo” thành dáng hình có ý nghĩa”, anh Viễn nói.

Để sản phẩm có tính thẩm mỹ, tôn được giá trị ban đầu, anh Viễn nảy ra ý tưởng sử dụng vàng để “vá” đồ gốm, sứ. Đây là kỹ thuật Kintsugi ở Nhật Bản, xuất hiện từ thế kỷ 15, chuyên dùng vàng để sửa chữa đồ vật.

“Trước khi biết đến kỹ thuật này, tôi thường mang những chiếc ấm quý ra tiệm sửa. Thế nhưng, việc sửa chỉ đơn thuần là bọc bạc lên, nhìn rất xấu. Không những vậy, hóa chất dùng để dán những vết nứt, vỡ rất độc hại, khi sử dụng cũng dễ bị bung ra, rò nước”, anh Viễn cho hay.

Kỹ thuật Kintsugi mang thông điệp nổi tiếng là “hàn gắn vết thương, tái sinh những vụn vỡ”, khuyến khích trân trọng những điều không hoàn hảo, tôn trọng những “vết sẹo” và biết ơn những trải nghiệm trong cuộc sống.

Thực tế, nhiều sản phẩm được hàn gắn, sửa lỗi xong trông còn bắt mắt hơn lúc còn nguyên vẹn.

Người đàn ông dùng vàng hàn gắn kỷ vật, khách nườm nượp kéo đến - 2

Kỹ thuật này khiến những vết nứt trên món đồ cổ trở thành điểm nhấn đẹp mắt, có tính nghệ thuật cao (Ảnh: Nguyễn Vy).

Hằng tháng, anh Viễn “vá” khoảng 15 chiếc ấm, bình trà, ly, chén,… bằng gốm và sứ. Khách hàng của anh thường là người đam mê đồ cổ hoặc có nhu cầu khôi phục, làm sống lại kỷ vật mà người thân để lại. Ngoài ra, một số tiệm chuyên doanh gốm, sứ cũng tìm đến anh Viễn vì tay nghề độc đáo của anh.

Nghề đòi hỏi tay nghề cao

Lúc đầu, anh Viễn gặp không ít khó khăn vì không phải loại vàng nào cũng phù hợp, thường khiến phần vá víu bị đen. Không những vậy, anh cũng mất nhiều thời gian để tìm cách làm cho những vết nứt được hàn gắn một cách tinh tế hơn.

Khi đã có kinh nghiệm, anh tìm đến loại keo nha khoa nhập từ Mỹ để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nguyên liệu chính yếu khác là vàng 24K nhập từ Thái Lan, Trung Quốc hoặc một số quốc gia khác.

Người đàn ông dùng vàng hàn gắn kỷ vật, khách nườm nượp kéo đến - 3

Anh Viễn tạo hình một đại thụ có bộ rễ lớn từ vết nứt gồ ghề, xấu xí (Ảnh: Nguyễn Vy).

Để hoàn thành các công đoạn, người thợ phải mất vài ngày đến vài tháng, tùy vào mức độ phức tạp và giá trị của sản phẩm. Trước hết, anh sẽ làm nhám vết nứt để loại bỏ bụi bẩn, làm phẳng bề mặt xung quanh.

Sau đó, người thợ lão luyện đi một đường keo có phủ bột vàng, gắn những mảnh gốm vỡ lại với nhau.

Đường keo bột vàng phải được đi liền mạch từ đầu đến cuối, không bị ngắt quãng để bảo đảm tính thẩm mỹ.

Ngoài ra, nếu keo chưa khô hoặc quá khô, các công đoạn sau sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, người thợ phải am hiểu và canh đúng thời điểm keo khô vừa phải để đi thêm một đường keo trộn bột vàng nữa.

Cuối cùng, anh Viễn đắp lá vàng mỏng lên vết nứt, dùng cọ chậm rãi dàn mỏng để vàng dính vào vết nứt, rồi chà nhám, đánh bóng đến khi bề mặt nhẵn, mịn.

Người đàn ông dùng vàng hàn gắn kỷ vật, khách nườm nượp kéo đến - 4

Tùy theo mức độ hư hại, chi phí hàn gắn sẽ dao động nhiều mức giá (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ở công đoạn quan trọng này, anh Viễn không được bật quạt và thậm chí là không được thở mạnh, vì chỉ một hơi thở cũng có thể làm lá vàng bị nhăn nhúm, mất thẩm mỹ.

Với những món đồ bị mất hẳn một mảnh, anh sử dụng một lớp keo dày trám vào rồi đắp vàng liên tục cho đến khi đạt được kích cỡ thay thế tương ứng.

“Công việc này không chỉ yêu cầu sự đam mê nghệ thuật, mà còn đòi hỏi tính nhẫn nại và sự khéo tay. Khách hàng thường sẽ không hối thúc mà để tôi thoải mái thực hiện công việc. Ai cũng hiểu, có như vậy món đồ mới đẹp, có vô hồn. Đối với khách hàng có cá tính, mạnh mẽ, đường vá thường gồ ghề, còn với khách hàng nền tính, nhẹ nhàng, đường vá sẽ mềm mại, uyển chuyển”, anh Viễn nói.

Với mỗi sản phẩm, người thợ thường lấy tiền công từ 300.000 đến vài triệu đồng. Nếu món đồ không quá đắt tiền, anh Viễn thường tư vấn cho khách mua một món đồ mới, vì chi phí “vá” vàng nhiều khi còn cao hơn giá trị món đồ.

Đối với anh Viễn, nghề “vá” vàng mang lại nguồn thu nhập tốt nhưng anh không xem đây là công việc chính. Quan trọng là nghề cho anh cảm giác thư thái, cảm nhận được niềm hạnh phúc khi hồi phục được món đồ quý giá cho chủ nhân.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here