Ngư dân “nhặt tiền” trên những rạn đá san hô

0
62
Ngư dân “nhặt tiền” trên những rạn đá san hô

Trời như trút nắng xuống mặt biển, cả ghềnh đá xâm xấp nước ở thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) sáng rực dưới ánh chiều. Đang vào mùa đi biển, những ghe thuyền tại bãi vắng bóng hẳn, chỉ còn thấp thoáng những chiếc ghe còn hành nghề khai thác rong mơ cuối vụ.

Ngư dân nhặt tiền trên những rạn đá san hô - 1

Thủy triều rút, những rạn đá lởm chởm, sần sùi dần lộ ra. Đây là nơi nhiều người đi tìm kiếm hải sản như ốc, nghêu…

Từ trong các khu dân cư, bóng dáng những người phụ nữ cũng xuất hiện sau rặng dừa xanh, mỗi người cầm trên tay những chiếc rổ hay xảo để “mót” nghêu, ốc, sò… Cái nghề “mót” hải sản được người dân ví như đi “nhặt tiền” trên rạn đá, tuy chẳng có nhiều nhưng cũng đủ cho bữa cơm có thêm miếng thịt, con cái có thêm sách vở trước năm học mới.

Người làm nghề này chủ yếu là phụ nữ, đi theo nhóm nhỏ 3-5 người để hỗ trợ lẫn nhau, hay có thêm người trò chuyện cho rôm rả. Dưới cái nắng bỏng rát của miền Trung mùa này, những bóng người nhỏ bé lao xao giữa dòng nước, mò mẫm trong cát, hốc đá để tìm kiếm hải sản.

Ngư dân “nhặt tiền” trên những rạn đá san hô (Video: Ngô Linh).

Một tay mò mẫm dưới cát, tay còn lại giữ chặt chiếc xô nhựa, bà Trần Thị Liên (65 tuổi, ở thôn Thuận An) cho biết, tùy thời điểm thủy triều lên xuống, công việc thường kéo dài 3-4 tiếng là kết thúc. Ngày may mắn mò được nhiều loại ốc đắt tiền như ốc mặt trăng, sò mai… cũng kiếm được mấy trăm ngàn đồng, ngày ít thì vài chục ngàn, đủ tiền chợ búa.

Theo bà Liên, nghề mót hải sản theo con nước thủy triều này thường bắt đầu từ tháng 2 đến hết tháng 8 âm lịch.

“Dân biển chúng tôi không chết đói được, mùa nào thức ấy, từ khai thác rong mơ đến hái rong mứt, mót hải sản… chỉ cần chăm chỉ lao động là sống thôi”, bà Liên cười nói.

Ngư dân nhặt tiền trên những rạn đá san hô - 2

Bà Trần Thị Liên (65 tuổi) mỗi ngày đều mò mẫm hàng giờ đồng hồ dưới nước để tìm kiếm hải sản.

Để ra giữa rạn đá, những người phụ nữ phải đi dép hoặc tất, tránh đá nhọn lởm chởm, sần sùi dưới chân và mũ, khẩu trang luôn bịt kín mặt. Do địa hình, việc khai thác hải sản ở đây chủ yếu bằng tay, không thể dùng cào lớn để đánh bắt như một số vùng biển khác.

Ngoài mò bằng tay, một số người còn dùng thanh sắt dài được uốn cong phần đầu để cào bới những lớp đá dày và to. Tuy nhiên, dù bằng cách nào thì cũng phải dùng sức của đôi tay để cào bới, mò mẫm dưới lớp bùn, đá. Không những thế, công việc còn cần sự chịu khó. Làm việc dưới nắng gắt nên rất dễ bị say nắng. Do ngâm mình nhiều giờ liền trong nước nên bệnh ngoài da khó tránh khỏi.

Ngư dân nhặt tiền trên những rạn đá san hô - 3

Ngoài những nghêu, sò, khi may mắn, người đi mò hải sản còn tìm được ốc mặt trăng, ốc nón…

Dù đã ở tuổi 85, cụ Nguyễn Thị Xuân (thôn Thuận An) vẫn minh mẫn và nhanh nhẹn. Hàng ngày, cụ vẫn cùng những người phụ nữ trong xóm đi cào nghêu.

“Tôi già cả rồi không ngụp lặn dưới nước nổi nữa, nên chỉ đi ven rạn đá để cào thôi. Một buổi, tôi cào được khoảng 3 ký nghêu, bán được hơn 80.000 đồng, để dành chợ búa và mua trầu cau ăn đỡ buồn”, cụ Xuân vừa nói vừa cười.

Cũng theo cụ Xuân, nghêu ốc ở đây sau khi thu hoạch không cần phải mang ra chợ bán, người dân đi cào mang về, sẽ có thương lái tới từng nhà thu mua.

Mùa nào xã đảo này cũng sóng nước mênh mông. Đứng bên này sông nhìn từ phía đất liền, vẫn thấy bóng dáng những người phụ nữ nơi rạn đá trông hắt hiu, chơ vơ giữa muôn trùng con sóng ngày đêm xô vào cồn bãi. Họ là những người phụ nữ nhẫn nại bám con nước mưu sinh.

Ngư dân nhặt tiền trên những rạn đá san hô - 4

Những người phụ nữ đi giật lùi để cào nghêu.

Ngư dân nhặt tiền trên những rạn đá san hô - 5

Ngoài việc mò bằng tay, cái cào nhỏ hay thanh sắt to được uốn cong phần đầu để tìm dưới những lớp đá dày, to cũng được sử dụng.

Ngư dân nhặt tiền trên những rạn đá san hô - 6

Ở tuổi 85, cụ Nguyễn Thị Xuân vẫn ngày ngày nhặt ốc, cào nghêu.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here