TTCT – Những lời có cánh “chỗ làm bao ăn ở miễn phí, đi nhanh, chỉ trả trước một phần” thực chất là cái bẫy để các đường dây buôn người đưa lao động di cư vào tình trạng dễ tổn thương và lệ thuộc nợ nhằm kiểm soát họ nơi xứ người.
4 năm về trước, thảm kịch 39 người Việt tử vong trong xe tải đông lạnh ở hạt Essex, Vương quốc Anh, đã đặt ra cho các bên liên quan hai câu hỏi chính. Một, vì sao đã biết hành trình là bất hợp pháp mà họ vẫn quyết định đi? Và hai, liệu họ có phải là nạn nhân của hoạt động buôn người?
Ảnh: Luso Life
Nhìn lại nhiều thập kỷ qua, bên cạnh các chương trình thực tập sinh và xuất khẩu lao động hợp pháp mà Chính phủ đã ký kết với nhiều quốc gia trên thế giới, những con số đáng chú ý về hoạt động di cư bất hợp pháp và lao động chui của người Việt Nam cũng ngày một gia tăng, bất chấp nguy cơ bị tước đoạt quyền con người, xâm hại phẩm giá, sức khỏe và tính mạng nếu rơi vào tay các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên Hiệp Quốc năm 2017 ước tính các đường dây buôn người đã đưa khoảng 18.000 lao động Việt Nam mỗi năm đến châu Âu qua các lộ trình bất hợp pháp.
Liên tục trong 4 năm 2017-2020, Báo cáo thường niên của Chính phủ Vương quốc Anh về vấn đề nô lệ hiện đại cũng chỉ ra nạn nhân Việt Nam luôn nằm trong top 3 các quốc gia xuất xứ phổ biến.
Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm LHQ (UNDOC) năm 2017, Việt Nam được đánh giá là “điểm nóng” trong khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong vì tình trạng đưa người di cư trái phép và mua bán người.
Tháng 5 vừa qua, đánh giá về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm buôn bán người giai đoạn 2018-2022, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đánh giá vấn đề là “ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo”.
Đặc điểm của hoạt động di cư
10 năm gần đây, việc tham gia các thể chế quốc tế về chống buôn bán người và thúc đẩy nhân quyền của Việt Nam đã góp phần nội luật hóa các hoạt động quản lý lao động di cư.
Dẫu vẫn cần điều chỉnh để tiệm cận thêm pháp luật quốc tế, Việt Nam đã có những điểm sáng trong nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch của quá trình di cư lao động quốc tế, thông qua thực thi Luật Phòng chống mua bán người (2011), Bộ luật Hình sự (sửa đổi 2015, bổ sung 2017), Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (2020), hay Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Nghiên cứu về di cư lao động quốc tế hầu hết đều đồng thuận về nguyên nhân là mưu cầu lợi ích kinh tế hộ gia đình. Khi hoạt động di cư có ba đặc điểm là tính cộng đồng, tính lịch sử và tính bất hợp pháp thì cần xem xét liệu có thể chế phi chính thức nào đang tác động lên quyết định di cư của người dân trong cộng đồng đó hay không.
Lợi ích từ kiều hối đã thực sự làm thay đổi bộ mặt kinh tế gia đình lẫn cộng đồng những làng quê thuần nông, trở thành những “làng tỉ phú, làng châu Âu” như một số nơi ở Nghệ An, Hà Tĩnh với truyền thống di cư lao động, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Những thành tựu trực quan này đã ngầm thuyết phục được niềm tin của cộng đồng theo thời gian, dần được chấp nhận và là hình mẫu để dẫn dắt hành vi.
Khi thấy người làng, người quen từng đi và thành công, những người có ý định đi cảm thấy tự tin về quyết định của mình hơn, từ đó tạo ra quy phạm xã hội và niềm tin rằng có thể thay đổi kinh tế hộ gia đình nhanh chóng bằng di cư lao động qua con đường bất hợp pháp.
Không thể đánh giá thấp thể chế phi chính thức và thông lệ xã hội ngoài khuôn khổ pháp luật này. Chính vì vậy nhiều gia đình từ các làng quê vẫn chấp nhận bỏ chi phí lớn, thậm chí vay mượn, thế chấp chính căn nhà đang ở… để con em đến được những “miền đất hứa” làm việc qua các lộ trình không chính thức.
Nhiều tranh luận đã nổ ra. Nếu họ chủ động đầu tư như vậy thì làm sao gọi họ là nạn nhân buôn người được. Lãnh đạo ngành công an của một tỉnh cũng từng trả lời như thế.
Thi thể những nạn nhân vụ buôn người vào Anh năm 2019 được đưa về Việt Nam. Ảnh: Sky News
Những nạn nhân chủ động?
Có thể chia các cộng đồng di cư lao động có yếu tố ngoài pháp luật thành hai nhóm.
Nhóm một là những người chưa có năng lực tìm kiếm và kiểm định thông tin về chuyến đi. Họ cũng bất định về rủi ro như công việc thực tế tại điểm đến. Nhóm này thường chỉ đưa ra quyết định di cư dựa vào tư vấn của người “tuyển quân” (thường là chân rết tại Việt Nam của đường dây mua bán người xuyên quốc gia).
Sự bất cân xứng thông tin trong giao dịch việc làm xuyên biên giới này xuất hiện trong các vụ lừa bán người Việt Nam để cưỡng bức lao động ở các xưởng may đen tại Nga, công trường xây dựng tại Serbia và Romania, hầm mỏ ở Trung Quốc hay tàu cá đánh bắt xa bờ, nạn mua bán phụ nữ, trẻ em gái và thai nhi hay lừa bán nội tạng sang Trung Quốc, hoặc khu vực sòng bài ở Campuchia với bẫy việc nhẹ lương cao…
Trong khi đó, nhóm hai là những người có khả năng lên kế hoạch cho chuyến đi và quyết định di cư của họ thường có sự tham gia của hộ gia đình. Họ dựa vào nguồn tin từ người thân quen trong làng xã đã đi trước, nhờ liên lạc qua Internet để kiểm định thông tin.
Nhóm này thường xác định được phần nào và chấp nhận các rủi ro trên hành trình cũng như những thử thách của loại hình công việc họ sẽ phải đối mặt. Cộng đồng di cư lao động đến Anh và châu Âu qua các lộ trình không hợp pháp trong nhiều thập kỷ qua thường thuộc nhóm này.
Xét về đặc điểm di cư theo khung chỉ báo về lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có thể thấy hầu hết các trường hợp thuộc cả hai nhóm đều dễ tổn thương và gặp nhiều rủi ro.
Những khó khăn bao gồm thiếu kiến thức về pháp luật tại quốc gia điểm đến, ngoại ngữ hạn chế, lệ thuộc khoản nợ tại quê nhà và nợ tiền đường dây tổ chức di cư, ít lựa chọn về sinh kế, bị kiểm soát giấy tờ nhân thân, lệ thuộc chủ lao động về nơi ở, thức ăn, cơ hội học việc và nhận việc…
Lệ thuộc nợ được nhiều chuyên gia cho là áp lực rất lớn khiến lao động di cư không thể rời bỏ đường dây dù bị bóc lột. Một nhân vật mà tôi có biết, anh Long (tên nhân vật đã được thay đổi), lao động di cư hơn 40 tuổi, là trường hợp bị bắt và trục xuất về Việt Nam hai lần, nhưng vẫn liều mình đến lần thứ ba để vào được Anh.
Anh Long phải chấp nhận rủi ro pháp lý, thậm chí cả đe dọa mạng sống, bởi sức ép từ khoản nợ với người trong đường dây. Họ liên tục tạo áp lực về khoản nợ với anh trong trại tạm giam và cả với gia đình anh ở Việt Nam.
Cám dỗ việc nhẹ lương cao là một trong những lời chào mời chính của các đường dây buôn người sang Campuchia. Ảnh: Bangkok Post
Hoán đổi con mồi và kẻ săn mồi
Trong khi đó, Võ Văn Hồng, 45 tuổi, là người nhập cư bất hợp pháp tại Bỉ và từng là nạn nhân của nạn buôn người. Hồng cầm đầu nhóm 19 công dân Bỉ gốc Việt và công dân Việt Nam vận chuyển 335 người Việt Nam vào châu Âu, trong đó có 195 người đến Anh.
Năm 2022, tất cả đã bị tòa án Bỉ kết án với tội danh buôn người và đưa lậu người. Một số chân rết tại Việt Nam là những người từng lao động chui ở Anh trở về, thậm chí từng là nạn nhân như Hồng.
Họ hiểu biết tường tận đường đi, rủi ro và thực trạng, nhưng vẫn thực hiện các hành vi lôi kéo, dụ dỗ và sẵn sàng tham gia đe dọa người thân tại quê nhà của người di cư trong trường hợp họ bỏ trốn khỏi mạng lưới giám sát của đường dây buôn người.
Ảnh: Boston University
Theo số liệu của Tổ chức Pacific Links và thống kê của cơ quan công an Việt Nam năm 2019, khoảng 60% kẻ tham gia vào đường dây buôn bán người bị cảnh sát Việt Nam bắt đều từng là nạn nhân. Với mỗi người được đưa đi thành công, lợi nhuận được chia có thể từ 18-70 triệu đồng cho mỗi mắt xích trong đường dây, thậm chí có trường hợp hưởng lợi đến 376 triệu đồng.
Hoạt động buôn bán người là một tội ác và lao động di cư dù bất kỳ hoàn cảnh nào đều không phải là món hàng để trao đổi. Nhưng thực tế cho thấy có nhiều cộng đồng ngầm chấp nhận đánh đổi, một số tiếp tay, coi đây là một thị trường giao dịch, dù đầy rủi ro và nằm ngoài phạm vi pháp luật.
Ngày 30-7 hằng năm đã được LHQ và Chính phủ Việt Nam công nhận là Ngày phòng chống mua bán người. Thay đổi nhận thức từ góc độ cộng đồng là nền tảng đầu tiên để phòng ngừa hoạt động buôn người.
Công nghệ tiến bộ đã khiến hoạt động buôn người phức tạp hơn nhiều, khi tội phạm buôn người có thể tăng cường tiếp cận, khai thác và theo dõi nạn nhân vượt qua biên giới một quốc gia. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào nỗ lực từ các cơ quan hữu quan thì không thể kịp thời ngăn chặn.
Di cư vì mưu cầu thịnh vượng kinh tế vẫn là xu hướng thuận tự nhiên, nhưng nếu cứ thuận theo những thông lệ xã hội ngoài pháp luật, lựa chọn những con đường phải đánh đổi tính mạng, tài sản và sức khỏe thì thiệt hại cuối cùng vẫn là bản thân và gia đình của người lao động di cư.
Như thế, việc xác định tư cách nạn nhân của những lao động bị buôn bán, bóc lột là một cách tiếp cận dựa vào quyền con người được khuyến khích và thực hành theo các khuôn khổ thể chế quốc tế.■
“Tôi cho rằng 90% còn là do áp lực nợ buộc phải liên tục lên đường đi như vậy. Có trường hợp một người nam đã hơn 40 tuổi mà tôi gặp, anh ấy (Long) bị bắt rồi trục xuất về Việt Nam nhưng vẫn phải đi Anh đến lần thứ ba mới vào được. Lúc về Việt Nam thì anh ấy bị người của mạng lưới đe dọa, đòi nợ, nên áp lực cũng thôi thúc phải tiếp tục lên đường để có tiền trả nợ” – bà T.T., phiên dịch viên của Bộ Tư pháp Anh có hơn 6 năm kinh nghiệm phiên dịch và làm việc với các lao động Việt Nam nhập cư bất hợp pháp tại Anh giai đoạn 2016-2022, cho biết.
Các đường dây buôn người thường sử dụng nhiều thủ đoạn để dụ dỗ lao động di cư rơi vào bẫy nhằm kiểm soát và cưỡng bức lao động. Như vậy dù ban đầu có chủ động tìm cách để đi chăng nữa thì về bản chất người có nhu cầu di cư lao động qua con đường không chính thống như anh Long vẫn là con mồi, là nạn nhân của hoạt động buôn bán người, vốn mang lại nguồn siêu lợi nhuận cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Ước tính của Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) vào năm 2013, thị trường buôn người vào châu Âu do các mạng lưới tội phạm có tổ chức người Việt điều hành có lợi nhuận hằng năm khoảng 300 triệu euro (315,6 triệu USD).