Ngăn chặn quyết liệt “làn sóng” xuất cảnh trái phép qua biên giới

0
67
Ngăn chặn quyết liệt “làn sóng” xuất cảnh trái phép qua biên giới

Biên phòng – Những tháng đầu năm 2023, hoạt động đưa đón người xuất cảnh trái phép qua địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh sang Lào có xu hướng tăng lên. Song bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, BĐBP Hà Tĩnh đã liên tiếp đấu tranh, triệt phá nhiều chuyên án, vụ án, góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh biên giới Việt Nam – Lào.

Ngăn chặn quyết liệt “làn sóng” xuất cảnh trái phép qua biên giới
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Hà Tĩnh mật phục bắt quả tang 3 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc khi đang cắt rừng xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Lào, ngày 20/2/2023. Ảnh: Thanh Giang

Từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng người xuất cảnh từ Việt Nam sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo tăng gấp nhiều lần so với thường lệ. Theo thống kê sơ bộ, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000-1.500 lượt người và 400-500 phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Lợi dụng số người xuất nhập cảnh đông và địa hình đồi núi cách trở, các đối tượng không có giấy tờ hợp pháp đã tổ chức móc nối, trà trộn để xuất cảnh trái phép qua biên giới.

Gần đây nhất, vào ngày 5/3/2023, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt quả tang 2 người mang quốc tịch Trung Quốc gồm: Đàm Lục Thuận và Đàm Văn Bân (đều sinh năm 2008, quê ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đang băng rừng xuất cảnh trái phép sang Lào. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng bắt giữ thêm đối tượng Nguyễn Cảnh (sinh năm 2003, quê ở xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Cảnh là đối tượng dẫn 2 ngườinói trên lên khu vực biên giới để lấy 10 triệu đồng tiền công.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Nguyễn Cảnh đã thừa nhận mọi hành vi phạm tội của mình. “Chỉ vì nghe theo lời của một người phụ nữ Lào, tôi đã tham gia lôi kéo, dụ dỗ đưa người nước ngoài xuất cảnh trái phép dẫn đến vi phạm pháp luật và giờ đây phải trả giá cho tội lỗi của mình” – đối tượng Nguyễn Cảnh nghẹn ngào nói.

Theo thống kê, từ tháng 2/2023 đến nay, BĐBP Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt quả tang 3 vụ với 12 đối tượng xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Lào. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng chủ yếu là người Trung Quốc được dẫn dắt thông qua các đường dây môi giới của người Việt Nam. Khi bị bắt giữ, tất cả các đối tượng đều không xuất trình được các loại giấy tờ hợp pháp.

Trước đây, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua khu vực biên giới tỉnh Hà Tĩnh rất ít khi xảy ra, nếu có cũng chỉ mang tính tự phát và chủ yếu là đồng bào người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới đất liền ở Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, rất đáng lo ngại khi trên địa bàn hình thành các đường dây hoạt động ngày càng tinh vi, khó kiểm soát. Thực tế đó đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho BĐBP và các lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát người qua lại khu vực biên giới, cửa khẩu, trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Lào có xu hướng tăng lên, Thiếu tá Nguyễn Khắc Hào, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho rằng: “Sau dịch Covid-19, phía nước bạn Lào thi công nhiều dự án lớn, trong đó có những công trình gần khu vực biên giới với Việt Nam do các nhà thầu Trung Quốc tài trợ và thực hiện. Khi xây dựng, các đơn vị thi công cần số lượng lớn công nhân lao động đến từ Trung Quốc và Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập cảnh đang được các lực lượng chức năng thực thi nghiêm túc, chặt chẽ nên những người không đủ điều kiện đi theo đường chính ngạch đã đi “chui” qua biên giới”.

Ngoài ra, theo Thiếu tá Nguyễn Khắc Hào, tình trạng xuất cảnh trái phép còn xuất phát từ các nguyên nhân khác như: Do nhu cầu tìm việc làm; một bộ phận người lao động trong và ngoài nước nhận thức pháp luật còn hạn chế nên dễ bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo tham gia…Điều này đã gây khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của lực lượng BĐBP thực hiện nhiệm vụ tại biên giới, cửa khẩu.

Qua tìm hiểu được biết, hành vi tổ chức đưa đón người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Lào được thực hiện với nhiều chiêu thức khác nhau và ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Các đối tượng thường lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, những ngày thời tiết xấu, sương mù che phủ dày đặc để tổ chức xuất cảnh trái phép. Thậm chí, có đối tượng sử dụng hộ chiếu giả nhằm qua mắt lực lượng chức năng… Nắm rõ tình hình đó, BĐBP Hà Tĩnh đã tập trung đấu tranh, ngăn chặn. Cùng với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các đồn Biên phòng: Sơn Hồng, Bản Giàng, Phú Gia, Hòa Hải, Hương Quang đã vào cuộc quyết liệt để đấu tranh, ngăn chặn tình trạng này.

Ngoài phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong nước, triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, các đơn vị thuộc BĐBP Hà Tĩnh trên tuyến biên giới đường bộ thường xuyên thông tin, phối hợp với Đại đội Bảo vệ biên giới 252; Đại đội Bảo vệ biên giới 523; Đồn Công an cửa khẩu Nậm Phao (tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào); Đại đội Bảo vệ biên giới 311; Đồn Công an Ma Ka (tỉnh Khăm Muộn, Lào) để đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, trong đó có hoạt động xuất nhập cảnh trái phép.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đào Đức Cư, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Hồng cho biết: “Đơn vị được giao quản lý cửa khẩu Đá Gân và hơn 16km đường biên giới, 5 cột mốc, 5 cọc dấu với nhiều đường mòn, lối mở sang nước bạn Lào. Trước tình hình hoạt động xuất cảnh trái phép từ Việt Nam sang Lào có dấu hiệu phức tạp, chúng tôi đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Ngoài phối hợp tuần tra khép kín địa bàn các xã biên giới, chúng tôi tăng cường tuần tra, kiểm soát đường biên và mật phục, chốt chặn các vị trí xung yếu. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường xuyên nhắc nhở bà con sinh sống ở khu vực biên giới nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm và không tham gia hoặc không tiếp tay cho hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới”.

Thanh Giang

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here