Mô hình nào cho công đoàn ngành?

0
99
Mô hình nào cho công đoàn ngành?

Hải PhòngMô hình công đoàn ngành là xu thế chung của thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ một số công đoàn ngành dọc phát huy hiệu quả, còn lại gặp khó khăn.

Ngày 25/3, tại hội thảo Hoàn thiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt tổ chức ở Hải Phòng, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, cho biết việc tổ chức và hoạt động công đoàn theo hệ thống ngành nghề xuyên suốt là mô hình chủ yếu ở các nước kinh tế phát triển.

Ở Việt Nam, mô hình này đã ra đời hàng chục năm nay, đem lại nhiều lợi ích cho ngành ngân hàng do có sự chỉ đạo thống nhất trong hoạt động chuyên môn và công đoàn từ cấp trung ương đến cơ sở. “Việc công đoàn tiếp tục hoàn thiện theo mô hình ngành dọc là hết sức phù hợp”, ông Tú nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng rằng xu hướng chung của thế giới là công đoàn ngành, thậm chí nói đến công đoàn tỉnh nhiều nước không hiểu. “Tôi quan điểm ngành đặc trưng rõ ràng thì phải về ngành, từ đó đưa ra những tiêu chí phù hợp”, ông Hiểu nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, phát biểu tại hội thảo ngày 25/3. Ảnh: Lê Tân

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, phát biểu tại hội thảo ngày 25/3. Ảnh: Lê Tân

Tuy nhiên, ở một số ngành nghề, hoạt động của công đoàn ngành gặp khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cho hay một số địa phương vẫn đang quản lý trực tiếp công đoàn ngành (công đoàn cấp THCS, Tiểu học, Mầm non) dẫn đến khó khăn trong hoạt động, triển khai các phong trào thi đua, hoạt động mang tính đặc thù ngành nghề.

Khi cổ phần hóa, một số đơn vị thuộc Liên đoàn Lao động trực thuộc tỉnh, thành phố có nguyện vọng về với công đoàn ngành cũng gặp vướng mắc thủ tục. “Có nhiều đơn vị nói rằng nếu không cho về, họ sẽ giải thể công đoàn để thành lập lại. Nếu chúng tôi đồng ý tiếp nhận thì ảnh hưởng tới mối quan hệ làm việc sau này, nhưng vì đoàn viên, người lao động, chúng tôi vẫn làm”, ông Phạm Hoài Phương, Chủ tịch Công đoàn Giao thông Vận tải, chia sẻ.

Để giải quyết bất cập trên, ông Đỗ Văn Quảng, Phó chủ tịch Thường trực Công đoàn Xây dựng Việt Nam, đề nghị xây dựng mô hình công đoàn ngành xuyên suốt gồm công đoàn ngành trung ương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (trong đó có công đoàn ngành địa phương), công đoàn cơ sở. Đây cũng là xu hướng phổ biến của các nước. Có những công đoàn ngành đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia để liên kết quốc tế theo xu hướng hội nhập.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Lê Tân

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Lê Tân

Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai đề án thí điểm mô hình công đoàn ngành xuyên suốt, từ đó đánh giá tính khách quan, khoa học và cần thiết. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa công đoàn chuyên ngành với liên đoàn lao động các địa phương.

Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Hiện nay, cả nước có 20 công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài ra, mỗi tỉnh thành và quận huyện lại có một tổ chức công đoàn.

Lê Tân

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here