“Máu liều” của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm

0
137
“Máu liều” của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm

9 năm để phục tráng giống sâm tiến vua

Anh Hoàng Văn Kiểm (39 tuổi, quê xã Thanh Tùng, Thanh Chương, Nghệ An) không nhận mình là chuyên gia nông nghiệp. Nói về quá trình phục tráng và phát triển cây sâm Thổ Hào, biến loại sản vật này thành hàng hóa, cho doanh thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm, anh cho rằng, việc khởi nguồn từ sự tò mò và tính liều cố hữu của mình.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 1

Sâm Thổ Hào bén rễ trên đồng đất xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An (Ảnh: Hoàng Văn).

Tốt nghiệp khoa Lịch sử khoa học, Đại học Khoa học Huế, công việc chính của anh Kiểm là tham gia nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử tại các địa phương. Đây cũng là cơ duyên để anh biết đến giống sâm Thổ Hào tưởng đã biến mất trên quê hương mình.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 2

Từ 2 quả sâm xin từ nhà thờ họ Phạm, anh Kiểm mất 3 năm mày mò ươm, trồng và phục tráng giống sâm quý này (Ảnh: Hoàng Lam).

“Năm 2010, trong quá trình tham gia biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Giang, tôi thấy các cụ cao niên và một số tư liệu có nhắc tới sâm Thổ Hào, là sản vật tiến vua của địa phương. Bản tính tò mò, tôi cất công đi dò hỏi, nhất là đến các nhà thờ trong vùng để xem có thông tin lưu giữ nào không.

Thực ra không có quá nhiều thời gian để chuyên tâm đi tìm nên phải mất gần 2 năm tôi mới tìm thấy cây sâm Thổ Hào, trong khuôn viên nhà thờ họ Phạm tại vùng đất Thổ Hào xưa.

Theo sử sách ghi lại, cây sâm này được cụ Phạm Kinh Vỹ, một Tiến sỹ thời nhà Lê, đưa về trồng ở vùng Thổ Hào (thuộc các xã Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai và một phần xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương hiện nay) cách đây hơn 300 năm”, anh Kiểm kể.

Từ 2 quả sâm xin được ở nhà thờ họ Phạm với 27 hạt, anh Kiểm bắt đầu quá trình ươm, trồng thử nghiệm. Chưa có tài liệu cụ thể nào về quy trình trồng, chăm sóc cây sâm Thổ Hào tại thời điểm đó nhưng vốn “sinh ra giữa vai cày” nên anh Kiểm tự mày mò ngâm ủ để ươm giống.

Cử nhân lịch sử hồi sinh giống sâm tiến vua (Video: Hoàng Lam).

Hạt giống sâm được ngâm theo công thức “3 sôi 2 lạnh” như lúa, để qua đêm rồi vùi vào đất mùn trong thùng xốp. Sau mấy ngày, những mầm cây đội đất nhú lên, phát triển tốt, anh Kiểm chuyển ra vườn. Nhưng rồi, chỉ có 3 cây sống sót để lấy hạt giống, ươm tiếp.

Vừa trồng, vừa nghiên cứu, tìm tòi, đặc biệt là sự hỗ trợ của một người bạn có chuyên ngành nông nghiệp, mất thêm 3 năm nữa anh Kiểm mới đúc rút ra quy trình trồng, chăm sóc cây sâm Thổ Hào.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 3

Anh Kiểm phục tráng thành công sản vật tiến vua của quê hương (Ảnh: Hoàng Văn).

“Sâm Thổ Hào là loài cây ưa nắng, dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với đất xốp, chân ruộng cao. Do hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên sâm Thổ Hào dễ bị sâu bệnh, đặc biệt là dưới sự tấn công của rệp sáp và bệnh thối cổ rễ. Tuy nhiên, cây nhiễm bệnh lại khó phát hiện nên khi đã biểu hiện ra ngoài thì vô phương cứu chữa. Bởi vậy, phải phòng trừ sâu bệnh ngay từ khi làm đất bằng cách sử dụng vôi bột, chế phẩm sinh học để diệt trừ nấm, mầm bệnh”, anh Kiểm cho hay.

Sâm Thổ Hào dễ trồng, dễ sống nhưng để cho củ thì hoàn toàn không dễ dàng. Đặc tính của sâm Thổ Hào là rễ màng, nếu trồng quá dày hoặc quá thưa, chất lượng, kích thước, trọng lượng, năng suất của củ cũng như hiệu quả kinh tế không cao.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 4

3 năm nghiên cứu và ngần ấy thời gian để thử nghiệm, anh Kiểm thành công trong việc trồng sâm ở quy mô lớn (Ảnh: Hoàng Văn).

“Phải mất 3 năm, cứ 1 tháng phải nhổ 1 cây lên để kiểm tra sự phát triển của bộ rễ, tôi mới rút ra được “tỉ lệ chuẩn” cho khoảng cách giữa các cây sâm. Cây trồng cách nhau 40cm thì rễ cái sẽ phát triển thành củ đạt kích thước quy định, tức 1ha đất trồng được 31.250 cây, vừa đảm bảo về dinh dưỡng nuôi cây, vừa cho ra củ sâm to, khỏe”, anh Kiểm đúc rút.

Cú liều với gia sản 1 tỷ đồng

Anh Kiểm tâm sự, mục đích phục tráng giống sâm Thổ Hào ngoài việc gìn giữ sản vật của ông cha, còn bởi anh nhìn thấy được giá trị dược liệu và giá trị kinh tế của loại cây này. Thế nhưng, quá trình đưa cây sâm từ thử nghiệm ra trồng đại trà lại là một quá trình dài, nhiều thăng trầm.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 5

Cây sâm Thổ Hào phát triển xanh tốt (Ảnh: Hoàng Văn).

Ban đầu, anh Kiểm thử nghiệm trồng ở huyện Nam Đàn, sau đó mang đi trồng ở nhiều địa phương khác trong tỉnh nhưng cây không phát triển như kỳ vọng.

“So với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều nơi thì vùng Thổ Hào xưa, nay là các xã Thanh Tùng, Thanh Giang, Thanh Mai, Thanh Hà phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây, cho ra củ sâm có dược tính tốt nhất”, anh Kiểm chia sẻ.

Quyết tâm bắt loại cây tưởng như đã rơi vào lãng quên này “đẻ” ra tiền, anh Kiểm dày công nghĩ mô hình trồng phù hợp. Giống sâm, kỹ thuật, quy trình chăm sóc được anh chuyển giao cho một số hộ dân để trồng, đồng thời cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Tuy nhiên, đây không phải là phương án tối ưu bởi không phải hộ dân nào cũng tuân thủ đúng quy trình chăm sóc.

Sau thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, năm 2021, anh Kiểm bàn với các thành viên Hợp tác xã Tân Hưng Thịnh thuê đất để trồng sâm. Hơn 3ha đất bỏ hoang ở xã Thanh Hà được hợp tác xã thuê, đầu tư kinh phí để trồng quy mô, bài bản.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 6

Nhân công thu hoạch sâm Thổ Hào (Ảnh: Hoàng Lam).

“Là dự án khoa học nên chúng tôi được hỗ trợ một phần từ Nhà nước về lãi suất vay vốn, phân bón và khoa học kỹ thuật. Với số vốn được hỗ trợ, tôi liều “vay” vợ số tiền hơn 900 triệu tích góp lâu nay để đi trồng sâm. Lúc đó tôi nghĩ nếu thất bại, chỉ còn nước “cuốn gói” khỏi nhà”, anh Kiểm cười, kể lại ngày quyết định tự khởi nghiệp bằng giống sâm quý.

Hợp tác xã mua 1km thép B40, 360 cột bê tông để quây hơn 3ha đất, thuê máy móc, nhân công làm đất, đánh luống, gieo hạt. Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình trồng, chăm sóc, gần 1,8ha sâm phát triển tốt.

Vừa giám sát việc trồng sâm, anh Kiểu vừa liên hệ để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tháng 10/2022, những luống sâm đầu tiên được thu hoạch, đảm bảo các tiêu chí về kích cỡ, trọng lượng và dược tính.

Tuy nhiên, khi thu hoạch được 5 tạ, giao cho thương lái thì biến cố xảy ra.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 7

Trong điều kiện đất tơi xốp, củ sâm phát triển to, đẹp, đạt trọng lượng trên 2,5 lạng/củ (Ảnh: Hoàng Lam)

“Theo yêu cầu của đơn vị thu mua, tôi dời ngày thu hoạch đến cuối tháng 10 để tiện cho họ vận chuyển. Tuy nhiên, cách thời điểm thu hoạch 2 ngày thì xảy ra mưa lớn kéo dài, cộng với thủy điện thượng nguồn xả lũ dẫn tới 100% diện tích sâm còn lại bị nhấn chìm dưới 2m nước. Vụ đầu tiên coi như mất trắng”, anh Kiểm kể.

Quyết không bỏ cuộc, cuối năm 2022, anh gieo lứa sâm mới. Lần này trời không phụ công người, 1,8ha cho sản lượng 4 tấn sâm củ, đến thời điểm này đã được thu hoạch hết.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 8

Sau 2 năm đưa ra ruộng, vụ sâm này, anh Kiểm thu hoạch gần 4 tấn củ, giá trị hơn nửa tỷ đồng (Ảnh: Hoàng Lam).

Giá thị trường hiện nay, sâm tươi được bán 200.000-450.000 đồng/kg, tùy thuộc vào kích cỡ của củ, sâm khô có giá từ 100.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/kg. Ngoài ra, anh Kiểm và các cộng sự đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ trong quá trình cắt, hong, phơi sấy để chế biến bột sâm bán ra thị trường với giá 3,5 triệu đồng/kg.

Cùng với bán sản phẩm của mình, hiện Hợp tác xã Tân Hưng Thịnh thực hiện bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất tham gia dự án trên địa bàn huyện Thanh Chương. Theo tính toán của anh Kiểm, vụ sâm này, sau khi trừ chi phí, nhân công, hợp tác xã thu lãi hơn 500 triệu đồng.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 9

Lãnh đạo xã Thanh Hà kiểm tra, đánh giá hiệu quả sâm Thổ Hào tại chân ruộng (Ảnh: Hoàng Lam).

“Cây sâm Thổ Hào là loại thực phẩm dinh dưỡng cao cấp, sử dụng để bồi bổ sức khỏe, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng cũng như dùng cho việc chăm sóc sắc đẹp phụ nữ. Ngoài việc bán sâm tươi, sâm khô, rượu ngâm sâm, bột sâm, chúng tôi đang liên kết với 2 doanh nghiệp để nghiên cứu sản xuất trà sâm, nước giải khát từ sâm; phối hợp Hội Đông y tỉnh để nghiên cứu, đưa sâm Thổ Hào thành một vị thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh.

Sâm Thổ Hào vào mùa nở hoa rất đẹp. Trong tương lai, chúng tôi có kế hoạch phát triển du lịch canh nông, thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh để tăng nguồn thu”, anh Kiểm cho hay.

Máu liều của cử nhân lịch sử với sâm tiến vua mang về hơn nửa tỷ đồng/năm - 10

Anh Kiểm đang ấp ủ phát triển du lịch canh nông, thu hút khách tham quan vào mùa hoa nở rộ (Ảnh: Hoàng Văn).

Ông Đặng Hữu Biền – Chủ tịch UBND xã Thanh Hà – cho biết, sau thời gian thử nghiệm, cây sâm Thổ Hào cho thấy sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Với giá bán lẻ trên thị trường từ 250.000 đồng/kg thì hiệu quả kinh tế của cây sâm trên một đơn vị diện tích so với cây trồng truyền thống như lúa, khoai, sắn… cao hơn rất nhiều nên người dân ở đây rất hứng thú với kế hoạch phát triển kinh tế từ cây sâm Thổ Hào.

“Mở rộng diện tích sâm Thổ Hào trên địa bàn với sự tham gia của nhiều hộ sản xuất ngoài Hợp tác xã Tân Hưng Thịnh là điều đang được lãnh đạo huyện và lãnh đạo xã tính đến.

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, việc đảm bảo đầu ra là hết sức quan trọng.

Chúng tôi mong muốn, thời gian tới có doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến để bao tiêu sản phẩm cho người trồng, đưa các sản phẩm chế biến từ sâm Thổ Hào trở thành sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của huyện nhà”, ông Biền nêu quan điểm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here