Mưu sinh với bánh bá trạng
Nằm khuất ở cuối con đường được mệnh danh là phố sủi cảo nổi tiếng nhất TPHCM, bếp bánh bá trạng của bà Lương Ngọc Yến (62 tuổi, ngụ đường Hà Tôn Quyền, quận 11, TPHCM) sáng đèn bất kể ngày đêm.
Bà Yến bên hàng bánh Bá Trạng nhỏ, lúc về đêm (Ảnh: Anh Thư).
Tại đây người ta luôn thấy cảnh bà Yến túc trực trong căn bếp nhỏ. Hơn 1h sáng, bà lọ mọ đút từng thanh củi, dù đôi mắt mở không nổi. Để cho ra lò một chiếc bánh bá trạng là cả một quá trình dài, ngày thì gói, đêm thì nấu, đủ 8 tiếng mới ra được thành phẩm.
Bà Yến kể, mùa tết Đoan Ngọ năm ngoái bà bán được khoảng 300 chiếc bánh, năm nay khách hàng có phần ổn định hơn nên bà đổi sang một chiếc nồi lớn. Mỗi ngày bà nấu khoảng 80 bánh, cứ như thế suốt 5 ngày liền. Mỗi ngày chỉ ngả lưng 2 tiếng, bà chủ bánh trạng dừng tay khi đã quá 1-2h đêm rồi tiếp tục công việc vào 4h sáng.
Nồi bánh bá trạng nấu liên tục vẫn không kịp chín để bán cho khách (Ảnh: Anh Thư).
Trước đó, bà Yến đi chợ mua nguyên liệu như lá tre, thịt, nếp… để chuẩn bị gói bánh.
Xung quanh có vài hàng bánh bá trạng nhưng đa số đều dùng bếp gas cho tiện lợi. Chỉ tiệm bà Yến vẫn giữ bếp củi đỏ lửa hơn 10 năm nay.
Bà Yến kể: “Tôi cũng muốn đổi sang bếp gas cho đỡ cực, nhưng một bình gas hơn 400.000 đồng, không đủ chi phí”.
10 năm trước, bà tự học hỏi công thức làm bánh bán thử và không nghĩ nghề theo mình đến giờ. Nhưng mới bán được 2 năm, bà Yến đã không tự gói bánh được nữa vì trận tai biến.
Chính vì thế suốt 7 năm nay, người gói giúp bà những chiếc bánh là bà Mỹ, người cùng sống trên đường Hà Tôn Quyền.
“Vì thấy bà ấy bệnh, ở đây ai cũng thương bà ấy hết. Tôi đến đây mình giúp được phần nào hay phần đó”, bà Mỹ kể.
Cần kĩ năng, khéo tay mới gói được những chiếc bánh bá trạng chất lượng (Ảnh: Anh Thư).
Hầu hết mọi người trong xóm đều yêu quý bà Yến, từ trẻ nhỏ đến người già. Chiều mỗi ngày, bé Đình (14 tuổi) lại qua phụ bà bán bánh. Cậu bé kể: “Nhìn bà bệnh chứ bà giỏi lắm. Đêm hôm tụi em về mà sáng ra thấy bà đã làm hết mọi việc”.
Sau khi gói xong, bánh được cho vào nồi nước đã đun sôi. Thời gian nấu phải đủ 8 tiếng và phải đảo bánh sau 4 tiếng cho bánh chín đều. Khi chín, bánh được treo lên cao, ở nơi thoáng gió cho ráo nước.
Năm nay, do giá nguyên liệu cao, bà Yến phải bán mỗi chiếc bánh với giá 80.000 đồng, cao hơn so với những năm trước.
Dù đau nhức thường xuyên, ông Nhân vẫn cố phụ em gái bất kể ngày đêm (Ảnh: Anh Thư).
“Phải ráng làm, có tiền mua thuốc”
Nửa tháng một lần, bà Yến lại được anh trai chở đến Bệnh viện quận 11 (TPHCM) khám bệnh. Sau đó, ông quay về lo cơm nước, bà Yến một mình chống gậy lê khắp viện lấy thuốc, rồi bắt xe ôm về. Ở cái tuổi này, không còn sức kiếm tiền, cuộc sống của bà phụ thuộc vào các cháu và những cuốc xe ôm ít ỏi của người anh.
Nên nhờ quán bánh bá trạng, bà Yến ráng hết sức làm, để dành dụm tiền mua thuốc.
“Có tiền mua thuốc là vui lắm rồi”, bà Yến bộc bạch.
Ở tuổi gần 70, mái tóc ông Nhân (anh ruột bà Yến) đã bạc trắng. Ông luôn là người làm hết việc nặng nhẹ trong nhà.
“Kêu nó bệnh, nghỉ đi mà nó không chịu, cứ nói phải làm còn có tiền uống thuốc”, ông Nhâm chỉ em gái nói.
Hai anh em bà Yến hiện sống trong một căn nhà nhỏ cha mẹ để lại trên đường Hà Tôn Quyền, TPHCM.
Hai anh em bà Yến nương tựa nhau, có gì ăn đó (Ảnh: Anh Thư).
Đối với bà Yến, Tết Đoan Ngọ cũng là một dịp vui khi bạn bè giúp bà gói bánh. Nhưng niềm vui lớn nhất đối với bà là bán được hết số bánh, để dành tiền mua thuốc.
Anh Thư