Làng Chăm Châu Phong làm du lịch

0
5
Làng Chăm Châu Phong làm du lịch

Biên phòng – Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm sinh sống và phát triển, gắn với đó là nhiều nghề truyền thống tồn tại rất lâu đời. Với những giá trị văn hóa độc đáo, các làng Chăm đang thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, nhất là khách du lịch nước ngoài đến khám phá.

Làng Chăm Châu Phong làm du lịch
Cơ sở của ông Mohamad đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương. Ảnh: Phương Nghi

Với sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn, cùng sự hỗ trợ của địa phương, loại hình du lịch cộng đồng Chăm sẽ có nhiều bước tiến. Trong đó, những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS Chăm ở xã Châu Phong nói chung, cơ sở của ông Mohamad nói riêng ở ấp Phũm Soài đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương.

Ông Mohamach, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Mohamad tâm tình: “Nhờ có du khách nên chúng tôi có thể bán được các loại thổ cẩm truyền thống. Mình sản xuất hoàn toàn bằng thủ công nên khách rất thích mua. Sản phẩm chủ yếu là khăn choàng, túi xách, ví tay… Nhiều du khách tỏ ra ưng ý với chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Tôi rất mừng vì vừa giữ được nghề nghiệp cha ông, vừa có thu nhập ổn định”.

Có lẽ đây cũng chính là lý do mà khi đã đi du học và làm việc ở nước ngoài nhưng chị Saphynah (con gái út của ông Mohamad) vẫn quyết định quay về quê hương, phát triển nghề truyền thống cùng gia đình. Chị Saphynah cho biết: “Sau những lần về thăm nhà, được gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu những sản phẩm truyền thống cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước đã khiến tôi có suy nghĩ khác. Từ đây, tinh thần trách nhiệm tiếp nối nghề của ông cha, góp công sức cùng với cộng đồng gìn giữ nghề truyền thống đã không ngừng thôi thúc tôi”.

Hiện tại, chị và gia đình bố trí khung dệt ngay tại cơ sở, sẵn sàng trình diễn cho du khách tham quan các công đoạn hoàn thành một sản phẩm khăn rằn, thổ cẩm. Số còn lại được đặt ở nhà người dân để gia công. Ông Mohamad cho biết, mặc dù mới triển khai được hơn 2 năm, nhưng các loại hình tham quan, du lịch của cơ sở đã nhận được những đánh giá tích cực từ du khách. Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm. Ông còn liên kết với một số đầu bếp tại địa phương, phục vụ một số món ăn đặc trưng của người Chăm, như cà ri, tung lò mò, các loại bánh tráng miệng… khi du khách yêu cầu. Nhờ sự đổi mới, sáng tạo này đã thu hút một lượng lớn du khách đến với làng nghề.


Hứa Thị Rokya quảng bá tung lò mò tại Ngày hội sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc thù tại Châu Đốc, An Giang. Ảnh: Phương Nghi

Ngoài ra, việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm gia đình ông Mohamad còn góp phần tạo việc làm cho khoảng 10 lao động địa phương, mức thu nhập từ 100.000 – 150.000 đồng/ngày. “Từ tháng 6 đến cuối năm là thời điểm có đông du khách đến tham quan, mua sắm, đặc biệt có nhiều du khách nước ngoài. Họ đến đây với mong muốn được tìm hiểu nét văn hóa của cộng đồng người Chăm, đồng thời trải nghiệm cảm giác được tận tay thực hiện các công đoạn của nghề dệt” – chị Saphynah chia sẻ.

Cũng như chị Saphynah, cô gái Chăm Hứa Thị Rokya (con gái út của ông Hứa Hoàng Vũ, chủ cơ sở tung lò mò Anas), sau khi tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định ở thành phố Hồ Chí Minh, đã lựa chọn trở về quê khởi nghiệp với nghề truyền thống của gia đình. Những ngày thơ ấu, chị Rokya đã được theo cha đến các hội chợ bán tung lò mò (lạp xưởng bò), một sản phẩm vốn nổi tiếng xưa nay trong cộng đồng người Chăm Islam ở An Giang, khiến nhiều thực khách phương xa tìm đến, mong một lần nếm thử hương vị đặc trưng của món ăn này. Tuy nhiên, đây là món ăn hoàn toàn được làm thủ công, thời gian bảo quản không được lâu, số lượng mỗi lần làm ra cũng không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Nghĩ đây là sản phẩm tiềm năng, lại được nhiều người ưa chuộng, chị quyết tâm “đem chuông đi đánh xứ người”, dọc xuôi từ Nam ra Bắc, miễn có cơ hội quảng bá sản phẩm là chị không ngần ngại tham gia. Thời gian qua, mỗi lần khách đến làng Chăm, Rokya sẽ đồng hành suốt chương trình, vừa hướng dẫn du khách trải nghiệm, thưởng thức tung lò mò, vừa giới thiệu về lịch sử hình thành món ăn gắn với tập quán sinh hoạt, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm.

Thông qua hình thức phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, mà còn giúp người dân ở địa phương có thêm được nguồn thu nhập từ việc giới thiệu, bán những sản phẩm.

Khi đến với làng Chăm Châu Phong, du khách sẽ trải nghiệm các làng nghề lâu đời, thưởng thức các món ăn truyền thống. Bà Trần Thị Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết: “Để bảo tồn, duy trì, khai thác các di sản văn hóa để phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh, thị xã Tân Châu đã xây dựng các điểm dừng chân du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, có tuyến tham quan danh lam thắng cảnh, nghề truyền thống như đi thuyền tham quan sông nước tuyến Châu Phong – Long An – Long Châu – dọc bờ kè trung tâm thị xã; dừng chân Trung tâm du lịch cộng đồng dân tộc Chăm Châu Phong gắn với dệt thổ cẩm, dệt khăn choàng đầu phụ nữ Chăm. Đặc biệt, đẩy mạnh giới thiệu về du lịch thị xã trên các trang thông tin bằng hình ảnh và phóng sự giới thiệu về các làng nghề, các địa điểm có thể thu hút khách du lịch, cơ sở dệt chiếu UZU, dệt lụa, dệt gấm, dệt khăn choàng cổ của người Chăm, cồn Vĩnh Hòa…, các món ăn đặc sản như: Mắm cá mè Vinh, bánh bò Út Dứt, tung lò mò, cải bò của người Chăm”.

Hy vọng rằng, thông qua các chương trình khuyến công, thị xã Tân Châu sẽ liên kết với các ngành chức năng hỗ trợ nguồn vốn cho các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, dệt lụa, dệt gấm… để đầu tư trang thiết bị, mở rộng làng nghề, xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra sản phẩm, góp phần nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh, giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Phương Nghi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here