Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về nội dung cuốn sổ tay sức khỏe cho lao động làm việc ở Nhật Bản và Hàn Quốc – Ảnh: HÀ QUÂN
Thông tin được nêu ra tại cuộc họp kỹ thuật trực tuyến giới thiệu Sổ tay sức khỏe cho người Việt Nam làm việc ở hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc do Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức ngày 29-11.
Tại cuộc họp, ông Đặng Sĩ Dũng – phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước – nhấn mạnh đây là cuốn sổ tay sức khỏe đầu tiên được xây dựng từ ý kiến của doanh nghiệp, người lao động, đối tác nước ngoài. Sắp tới, sổ tay sẽ bổ sung đối tượng lao động đi làm việc tại Đài Loan.
Đến hết tháng 11-2022, Việt Nam đã đưa trên 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu năm nay. Trong đó, chủ yếu là người đi làm việc tại Nhật Bản (trên 60.000 người), Đài Loan (trên 50.000 người), còn lại là các thị trường khác. Do vậy, cuốn sổ tay rất hữu ích cho lao động sang Nhật, Hàn làm việc.
TS Aiko Kaji, đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), cho biết IOM đã và đang xây dựng các chương trình y tế dự phòng, điều trị y tế toàn diện cho người di cư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền của người lao động trong quá trình di cư.
Sổ tay sức khỏe cho người Việt Nam làm việc ở hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc được các chuyên gia từ ba nước xây dựng kỳ vọng trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích cho người lao động có ý định đi nước ngoài.
Giao diện của hai cuốn sổ tay sức khỏe cho người đến làm việc ở Hàn Quốc và Nhật Bản – Ảnh chụp màn hình
Còn bà Trần Thị Tuyết Lương, cán bộ nhóm kỹ thuật sức khỏe người di cư của IOM Việt Nam, cho hay cuốn sổ tay sức khỏe được trình bày dưới dạng song ngữ Việt – Nhật, Việt – Hàn với hình ảnh gần gũi, bắt mắt giúp người lao động tự tiếp cận thông tin bảo hiểm y tế, bệnh truyền nhiễm, sức khỏe sinh sản và tình dục, sức khỏe tâm thần và tinh thần… tại nước sở tại.
Nội dung trả lời nhiều câu hỏi thực tế như “tôi bị ho và cảm thấy rất mệt, tôi có thể mắc bệnh gì?”, “tôi có thể trả góp chi phí điều trị y tế theo từng đợt được không?”, “khi muốn nghỉ phép do ốm, tôi phải làm gì?”, “tôi có cảm giác muốn tự tử, tôi nên làm gì?”…
Cùng với đó, các số điện thoại, tư vấn khẩn cấp cũng được trình bày đầy đủ để người lao động có thể nhờ trợ giúp những vấn đề sổ tay chưa đề cập được hết.
Để thuận lợi, ngoài bản cứng, lao động sang Nhật Bản tải bản online tại đường link https://mhwg.org.vn/vi/so-tay-nhat-ban/ trong khi lao động đến Hàn Quốc tải bản online tại đường dẫn https://mhwg.org.vn/en/handbooks-korea/.
Xuất khẩu lao động: Cần làm gì để có thu nhập cao?