Còn đó “lý tưởng”… lệch lạc
Thời gian gần đây, mạng xã hội đang dành nhiều sự quan tâm chú ý đến một chủ tịch ngân hàng có khả năng ca hát, vũ đạo. Mỗi bài đăng, chia sẻ nói về đời tư, hình ảnh cá nhân của vị lãnh đạo ngân hàng này đều nhận được cả trăm nghìn lượt thích. Theo thống kê, các cuộc thảo luận liên quan đến sự kiện có doanh nhân này trình diễn có tổng lượng tương tác hơn 200.000 và vượt quá 23.700 lượt thảo luận trên các nền tảng trực tuyến.
Hay đó là câu chuyện về những vũ đạo phản cảm trong bộ phim của một cô ca sĩ nổi tiếng tại Hàn Quốc. Các video của cô đang được cộng đồng mạng (trong đó có cả Việt Nam) liên tục thảo luận, tranh cãi, người ủng hộ, người phản đối. Dù bị chỉ trích rất nhiều, nhưng bộ phim mới ra mắt vài ngày đã thu về hơn 1 triệu người xem trên toàn thế giới.
Thực tế, mỗi ngày có hàng trăm nghìn video ngắn về ca hát, nhảy múa vũ đạo được đăng ở trên các trang mạng xã hội như Tiktok, Youtube, Facebook. Tuy nhiên, khi “nhân vật” chính trong video được gắn “mác” người nổi tiếng, giàu có và mang ngoại hình ưa nhìn sẽ nhận được lượt quan tâm, tương tác hơn rất nhiều. Điều đó đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý giới trẻ. Khiến họ cho rằng, giàu có, thành công, nổi tiếng mới là mục đích chính của cuộc đời mình.
Một cuộc khảo sát của Public.com cho thấy 64% thanh niên từ 18 đến 29 tuổi thảo luận về các khoản đầu tư với bạn bè. 41% người thuộc gen Z trả lời cuộc khảo sát của Fidelity nói rằng họ học về cách đầu tư từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Còn theo khảo sát vào năm 2020 của British Council về người trẻ Việt Nam, có 70% số người quan tâm đến vấn đề việc làm, 58% quan tâm đến điều kiện sống đầy đủ, xếp thứ hai và thứ ba sau vấn đề về an ninh lương thực.
Mạng xã hội ngày nay là nguồn tin ảnh hưởng nhiều tới người trẻ nhờ nội dung thu hút, ngắn gọn, bắt mắt. Theo như một thống kê về giới trẻ Việt Nam có 58% số người tham gia chọn Internet/trang web là nguồn thông tin đáng tin cậy, mạng xã hội xếp thứ hai với 57%.
Thời gian trước, đánh vào tâm lý sợ thất nghiệp, mong được thành công, giàu có sớm của nhiều người trẻ, trên Tiktok Việt Nam, đã có trào lưu “Top những ngành không nên học” thu về hàng triệu lượt xem. Cụ thể một số TikToker đã cho rằng ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị Kinh doanh,… là không nên học, vì sẽ thất nghiệp khi ra trường. Các video này nhận được nhiều phản hồi tiêu cực, vì đưa ra những thông tin sai sự thật, không có số liệu chính xác và gây hoang mang cho mọi người.
Không chỉ dừng lại ở việc tin tưởng mạng xã hội, nhiều người trẻ đã dùng “không gian ảo” này để trở nên nổi tiếng, thành các KOL, người truyền cảm hứng. Từ việc nổi tiếng, họ nhận được sự quan tâm chú ý của cộng đồng và có thêm nguồn thu nhập tốt. Theo IZEA, mức giá trung bình để hợp tác với các influencer (người có ảnh hưởng) trên mạng xã hội đã tăng lên không ngừng từ năm 2014 – 2019. Hiện nay, giá tiền phổ biến để nhắc đến tên thương hiệu trên một status Facebook là 395 USD, status Twitter là 422 USD, ảnh Instagram là 1643 USD, video YouTube là 6700 USD. Tất nhiên, tùy vào từng đất nước, giá để thuê một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, để được nổi tiếng trên “không gian ảo”, có rất nhiều người đã quay video phản cảm, tục tĩu để mong muốn nhận được nhiều sự chú ý, theo dõi. Như video nhảy ở trên sân bay, ngồi trên băng chuyền từng bị phản ánh rất nhiều. Hay đó là xu hướng “trò đùa tình dục”, cố ý ăn mặc gợi cảm, thiếu vải để nhận được những lượt theo dõi.
Cần lan truyền giá trị tích cực trên mạng xã hội cho người trẻ. (nguồn:arbitaur.com)
Giá trị “ăn xổi” không thể bền vững
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty Esuhai, đã từng chia sẻ về phong cách sống “mì ăn liền” của nhân lực trẻ hiện nay: “Phần đông người trẻ sẽ chọn mì ăn liền vì ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng. Trong khi đó, người từng trải sẽ ưu tiên cho gạo, rau thịt để tạo nên bữa ăn ngon”.
Với thời đại bùng nổ của truyền thông, con người chỉ quan tâm đến những thứ nhanh, hấp dẫn, dễ xem, dễ hiểu. Chính vì vậy, các dạng short video (video ngắn) như trên Tiktok ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, người xem chỉ nhìn thấy một phân đoạn, một mảnh ghép rất nhỏ trong cuộc sống của các nhân vật xuất hiện trên video. Đó thường là hình ảnh đẹp, hào nhoáng, thành công hoặc thông tin gây sốc dễ dàng thu hút công chúng “click” vào xem.
Một cuộc khảo sát của Báo Tiền Phong vài năm trước đây, cho số liệu 21% người trẻ được hỏi mơ ước thành đạt trong công việc, 11% mơ ước có thật nhiều tiền. Với ảnh hưởng của mạng xã hội, người trẻ hướng đến các giá trị “ảo” như hình mẫu “tổng tài”, tiểu thư, anh hùng,… tài sắc vẹn toàn. Chính vì vậy, họ thường đầu tư về hình ảnh bên ngoài rất nhiều, trang web batdongsan.com đã thống kê hơn 60% giới trẻ hiện nay muốn mua nhà trong độ tuổi từ 24 – 30. Dù có ước mơ to lớn, thực tế, thế hệ trẻ hiện này thường “cả thèm, chóng chán”, khi có đến 62% số sinh viên mới tốt nghiệp mỗi năm bỏ việc, vì không thích nghi được với môi trường áp lực khi đi làm.
Cách sống “ăn xổi” chỉ nghĩ đến thành công, nổi tiếng thật nhanh khiến người trẻ quên mất quá trình gian nan, vất vả khi thực hiện. Vì vậy, họ thường không đủ kiên nhẫn để đào sâu tư duy, nghĩ đến giá trị của các nhân vật trên mạng mang đến cho cộng đồng, xã hội. Từ đó, tạo thành tư duy hời hợt, chỉ tập trung vào xem những nội dung đơn giản, mang lại cảm xúc như “vui vui, hay hay”.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ với báo chí, truyền thông, mỗi nền tảng mạng xã hội phát triển với những mục đích của nó; thậm chí cụ thể hoá mục tiêu đối với mỗi quốc gia, mỗi vùng địa chính trị. TikTok ngoài những mục đích như các mạng xã hội khác còn ẩn chứa đằng sau rất nhiều mức độ độc hại. Ví dụ có nhóm trẻ thì rất ít người thấy nội dung TikTok là xấu độc bởi họ thấy vui vẻ, nhí nhảnh, sinh động và nhất là được tham gia, được nổi tiếng, được kiếm tiền nên họ không thấy điều gì xấu độc cả; thậm chí có ý kiến cho rằng không nên “nâng cao” vấn đề, …
Giá trị “ăn xổi” muốn mau chóng nổi tiếng, thành công, giàu có, đã hủy hoại cuộc sống của nhiều thanh, thiếu niên Việt Nam. Như Tiktoker “Nờ Ô Nô”, “Cô gái có râu” đã dùng chiêu trò từ việc sỉ nhục người già vô gia cư, cho đến nhận xét thô lỗ, gây hấn với các chủ tiệm đồ ăn để “câu like, câu view” tạo sự chú ý trên mạng xã hội. Hay như hot girl mạng Anna Bắc Giang đã sử dụng danh tiếng “ảo” để lừa hàng chục tỷ đồng của người khác. Hiện cô đã đi tù vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cần lan truyền những thông tin tích cực
Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã xây dựng Đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu nhi trên không gian mạng, giai đoạn 2022 – 2030”. Dự thảo đề án đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu nhi trên không gian mạng, trong đó nhấn mạnh việc triển khai xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu nhi trên không gian mạng.
Thực tế, hiện nay, ở trên mạng xã hội có rất nhiều người trẻ đã và đang cống hiến hết mình cho cộng đồng. Như Quang Linh Vlog là người đã sang Angola (châu Phi) để làm thiện nguyện từ năm 2016 cho đến nay. Các video Youtube của anh thường chia sẻ cuộc sống tích cực, với nhiều dự án mang lại giá trị bền vững cho cộng đồng người dân địa phương như: hỗ trợ người dân làm nông nghiệp, ủng hộ lương thực, cung cấp nước sạch, xây nhà, sửa trường miễn phí, giúp đỡ trẻ em nghèo đến lớp…
Việc tập trung vào giá trị mà các nhân vật trên mạng xã hội mang lại cho cộng đồng sẽ giúp giới trẻ có thêm nguồn năng lượng tích cực để hướng đến mục tiêu thiết thực và tốt đẹp hơn. Thay vì chỉ nhìn đến những thứ hào nhoáng, hời hợt mà rất nhiều nền tảng mạng xã hội đang mang lại.