Kỳ vọng thành phố giữa trùng khơi

0
75
Kỳ vọng thành phố giữa trùng khơi

Kỳ vọng thành phố giữa trùng khơi
Số lượng du khách trong và ngoài nước đến với Lý Sơn ngày càng tăng nhanh. Ảnh: Tiêu Dao

Thiên đường vẫy gọi

Nắng vàng rực rỡ trên cầu cảng sau những ngày ẩm ướt, từng đoàn khách du lịch và người dẫn đến đảo trên những chuyến tàu cao tốc hồ hởi bước chân lên những con đường khang trang nơi hòn đảo du lịch đang phát triển từng ngày. Nụ cười của bà lão bán hành tỏi đặc sản Lý Sơn ngay cổng chào bước chân lên đảo như lời chào của người dân xứ đảo ngàn đời với du khách từ khắp nơi. So với cách đây 30 năm, khi thành lập huyện đảo Lý Sơn, cuộc sống người dân xứ đảo tiền tiêu này đã đổi thay rất nhiều.

Lão Dương Kiên (75 tuổi) – người gánh nước cuối cùng ở Lý Sơn cười sảng khoái, tiếng cười như át đi tiếng gió biển ầm ào thổi trong nắng. Lão bảo, cả đời ở đất đảo này, lão đã chứng kiến sự đổi thay hằng ngày của người và đất, của cây hành, cây tỏi, của hang đá hay núi lửa, của rạn san hô hay từng cụm rong biển. Năm 1993, huyện đảo Lý Sơn được thành lập theo Quyết định số 337/HĐBT ngày 21/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số 2 xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn. Sau đó, 2 xã này được đổi tên thành An Vĩnh, An Hải và thành lập thêm xã An Bình.

Trong trí nhớ của lão ngày ấy, những con đường trên đảo đều lấm lem cát và vỏ ốc, vỏ sò, những mép sóng là từng tảng đá đủ hình thù vướng những cụm rong biển, trong những ngôi làng trên xứ đảo này chỉ lúp xúp mái tranh mái lá, nhà xây hay nhà mái ngói đếm chưa hết một bàn tay. Đêm xuống, vi vu trong gió biển là tiếng réo rắt của bàng vuông cùng tiếng thủ thủ của biển, le lói những ánh đèn dầu trong bạt ngàn đêm. Đời sống người dân chỉ đủ ăn và khó có tích lũy vì chủ yếu mượn ngọn sóng để ra khơi đánh cá.

Lão gánh nước Dương Kiên kể, như mạch nguồn dòng nước tự tuôn ra, với những khốn khó một thời, với những hy vọng một thời, với những nhịp điệu lên xuống như khúc nhạc du dương của biển khi kể về đổi thay đáng mừng trong 30 năm qua. Cùng với lão Kiên, lão ngư Huỳnh Văn Vạn (thôn Tây, xã An Vĩnh) cũng hào sảng, rằng mấy đời bám biển, chưa bao giờ ngư dân Lý Sơn lại có thể nâng cao giá trị sản lượng những loại hải sản của biển cả như thế. Đường sá được xây dựng, kè biển, bến cảng, điện lưới quốc gia được đầu tư bằng hệ thống cáp ngầm xuyên biển, du khách nườm nượp kéo ra đảo, người dân ngoài đi biển và trồng hành tỏi thì làm thêm du lịch, thu nhập tăng hẳn lên và nhà cửa người dân được kiên cố toàn bộ để chống lại thiên tai, bão gió.

Và chẳng biết tự bao giờ, Lý Sơn lại trở thành một điểm du lịch “hot” của biển, đảo miền Trung, được gọi là đảo ngọc của miền Trung, tương tự như Phú Quốc ở phương Nam. Một con số “giật mình” nhưng lại đầy ngưỡng mộ, đó là nếu so với 10 hay 20 năm trước, khi Lý Sơn chưa bắt nhịp với du lịch, thì lượng du khách khoảng 8.800 lượt (năm 2010), đến năm 2022 đã tăng lên 265.000 lượt.

Trong những năm qua, ngành du lịch của huyện không ngừng phát triển, các điểm du lịch được đầu tư, các di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo, các thắng cảnh thiên nhiên từng bước được khám phá, các công trình phục vụ du lịch từng bước được đầu tư xây dựng, trong đó nổi bật như: Xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; xây dựng và nâng cấp cột cờ Tổ quốc tại đỉnh núi Thới Lới; khôi phục và trưng bày bộ xương cá Ông tại Lăng Tân; xây dựng quảng trường trung tâm huyện…

Nhờ vậy, số lượng du khách trong và ngoài nước đến Lý Sơn ngày càng tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt 23,3%, tỷ trọng ngành du lịch đến năm 2022 chiếm gần 50% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện. Ngành kinh tế du lịch được xác định là mũi nhọn của huyện.

Thành phố giữa trùng khơi

Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045, trong đó, diện tích đảo Lý Sơn khoảng 1.492ha (hiện trạng phần đảo nổi và không gian phát triển mới), diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711ha. Đặc biệt, quy hoạch khoảng 608ha xây dựng cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistics.


Đường bộ được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đi lại và vận chuyển hàng hóa trên đảo. Ảnh: Tiêu Dao

Về định hướng phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2025, huyện Lý Sơn đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV. Giai đoạn 2026-2035, huyện Lý Sơn phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV. Bước sang giai đoạn 2036-2045, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng nâng cao cho các đô thị, hướng tới thành lập thành phố Lý Sơn trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Đối với đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn), sẽ phát triển các khu dân cư mới theo hướng kết hợp ở và khai thác phục vụ du lịch. Định hướng phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, khai thác và sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch. Hàng chục ngàn người dân trên đảo này biết tin ấy đã hy vọng lắm.

30 năm từ khi được thành lập, đảo Lý Sơn đã bừng giấc. Điện ra đảo là nguồn năng lượng thúc đẩy mọi mặt đời sống. Trong 30 năm qua, kinh tế của huyện Lý Sơn có sự phát triển rõ nét, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2022, đạt 2.061 tỷ đồng, tăng gần 24 lần so với năm 1993. Đến nay, có 7 tàu cao tốc phục vụ tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn, 16 ca nô phục vụ tuyến đảo Lớn – đảo Bé, 4 cảng biển được đầu tư đi vào hoạt động. Hệ thống giao thông trên đảo được kết nối thông suốt với các điểm du lịch, cảng biển và đến tận đồng ruộng. Tiềm năng du lịch của hòn đảo thiên đường giữa biển cũng thực sự được đánh thức.

Phát triển du lịch, đảo Lý Sơn đã xuất hiện nhiều hơn các dịch vụ cao cấp, với 17 khách sạn, trong đó có nhiều khách sạn 2-3 sao và 4 sao, 53 nhà nghỉ và 65 homestay với tổng số gần 1.100 phòng đảm bảo cho khoảng từ 3.000- 4.000 du khách lưu trú hằng ngày giúp nâng cấp được chất lượng ngành du lịch trên đảo. Các khu nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, nhà ở kiên cố, các dịch vụ phục vụ du lịch lần lượt mọc lên nhanh chóng, giao thông đi lại thuận tiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện liên tục tăng hằng năm từ 10-13%, có thời điểm lên tới 23%, đời sống nhân dân thay đổi mạnh mẽ trên tất cả các phương diện. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 192 lần so với 30 năm trước, ước đạt 37,5 triệu đồng/người/năm.

Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, tuy ngành du lịch tại đây có phát triển, nhưng huyện đảo còn rất nhiều khó khăn. Người dân phải đối mặt với tình trạng nước ngọt khan hiếm; hàng hóa, lương thực đều phải chuyển từ đất liền ra nên giá cả cao. Mùa mưa bão, huyện đảo thường xuyên bị cô lập với đất liền. “Việc phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ phải hài hòa, giữ được cảnh quan thiên nhiên, di tích văn hóa lịch sử và tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, mang lại cuộc sống cho người dân tốt hơn, chất lượng hơn. Huyện đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí môi trường, các trục đường thông minh, hệ thống cảnh quan trên đảo để sớm đạt chuẩn đô thị loại IV” – bà Hương chia sẻ.

Tiêu Dao

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here