Chỉ cách kỳ nghỉ lễ 2/9 hơn một tuần, chị Trinh (41 tuổi, quê tại tỉnh Bến Tre, công nhân công ty Pouyuen) bàng hoàng khi nhận được thông báo bị cho nghỉ việc. 17 năm gắn bó với công ty, đây là kỳ nghỉ lễ “đáng nhớ” nhất với chị Trinh, chị có thể nghỉ đến Tết hoặc lâu hơn nữa.
Cũng như 1.200 công nhân của công ty bị cắt giảm đợt này, chị Trinh vẫn chưa nhận được tiền bồi thường hợp đồng lao động từ công ty hay bảo hiểm thất nghiệp vì phải chờ qua ngày lễ.
Người dân lỉnh kỉnh đồ về quê dịp lễ Quốc khánh 2/9, trước làn sóng sa thải kéo dài (Ảnh minh họa: Nam anh).
Suốt chặng đường dài về quê, tâm trí chị Trinh trĩu nặng vì không biết tương lai sẽ ra sao. Nếu trở lại thành phố ngay sau kỳ nghỉ lễ, chị biết sẽ rất khó xin được việc ngay, tuy vậy, nếu ở lại quê, chị cũng chưa biết phải làm gì để nuôi mẹ già và con nhỏ.
Từ khi ly hôn với chồng, chị Trinh một mình nuôi con học ở thành phố và mẹ già ở quê. Trước đây, nếu được tăng ca, chị Trinh kiếm được khoảng 11 triệu đồng/tháng. Nhưng chi phí sinh hoạt và học phí của con đã chiếm hơn 80% thu nhập.
Đợt nghỉ lễ này, vì biết mẹ khó khăn nên con chị Trinh (đang học đại học năm 3) ở lại thành phố để tìm việc làm thêm. Nếu mẹ không thể tìm được việc ở thành phố, chắc chắn cô bé phải tự lập hơn rất nhiều để có thể cầm tấm bằng đại học trong tay.
Nhiều công nhân phân vân giữa việc đi hoặc ở lại TPHCM sau khi bị sa thải khỏi nhà máy (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).
Thấy chị Trinh trăn trở, nhiều đồng nghiệp, công nhân sống cùng dãy trọ khuyên chị sau lễ cứ quay lại TPHCM tìm việc. Dù vậy, chị cũng chẳng dám tự tin vào khả năng sẽ sớm xin được việc khi tuổi đã ngoài 40, sức khỏe giảm sút.
Hơn hết, chị hiểu tay nghề của chị chỉ dễ kiếm việc ở công ty cùng ngành với chỗ làm cũ. Trong trường hợp ứng tuyển vào công ty lĩnh vực khác, chị phải trải qua quá trình đào tạo và nhận mức lương của người mới vào nghề.
Nhớ lại ngày nhận quyết định nghỉ việc, chị Trinh khóc nghẹn vì bao mơ ước dang dở. Chỉ còn người thân duy nhất là mẹ già và con gái, chị nhiều lần thấy có lỗi khi không thể chu toàn kinh tế gia đình.
Chị cũng cho biết, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ cố gắng làm thật tốt để kiếm tiền phụng dưỡng mẹ già và giúp con tốt nghiệp đại học. Nếu không thể xin được việc ở thành phố, chị cũng coi đây là cơ hội để về quê thay đổi cuộc sống.
“Nếu không thể xin được việc ở đâu, chắc tôi về quê trồng rau muống với mẹ, rồi đem ra chợ bán, kiếm tiền ăn hằng ngày”, nữ công nhân thở dài.
Đồng cảm với chị Trinh, chị Bùi Ngọc Hạnh (25 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) cho hay cả gia đình sẽ về quê vì không trụ được ở thành phố. Chị Hạnh từng là công nhân của Công ty TNHH Tỷ Hùng, nhưng đã bị cho thôi việc hơn 2 năm qua.
Chị Hạnh tìm việc làm thêm tại nhà sau khi bị sa thải (Ảnh: Nguyễn Vy).
Không xin được việc ở nhà máy, chị ở nhà may quần áo kiếm 2-3 triệu đồng/tháng. Chồng chị cũng bị sa thải không lâu sau đó, giờ đây phải bôn ba làm thợ hồ, chạy xe ôm. Công việc hai vợ chồng bấp bênh, chị Hạnh sợ không đủ lo cho hai đứa con đang tuổi lớn. Vậy nên, vợ chồng chị quyết định về quê để làm lại từ đầu.
Theo “Nghiên cứu tác động của Covid-19 đến việc làm của lao động di cư nội địa và vai trò của các bên liên quan” của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19 (từ tháng 5 đến tháng 10/2021) đã gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống của lao động di cư tại khu vực Đông Nam Bộ.
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) trình bày những kết quả chính của khảo sát này. Theo ông, lao động di cư trong nước có đóng góp to lớn vào sự phát triển của các khu chế xuất, khu công nghiệp và đô thị, đặc biệt là TPHCM, trong suốt hai thập kỷ qua.
Xóm trọ vắng vẻ khi phần lớn người lao động mất việc, bỏ về quê (Ảnh: Nguyễn Vy).
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, thách thức lớn nhất đối với NLĐ (người lao động) là kiếm đủ thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt (77,6% người tham gia khảo sát trả lời).
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, hầu hết NLĐ đã có gia đình thường để con cái cho ông bà chăm sóc và chọn cách đi làm ăn xa với hy vọng có được thu nhập cao hơn để gửi về. Khi mục tiêu trên không đáp được và điều kiện làm việc ở khu vực nông thôn ngày càng tốt hơn, NLĐ có xu hướng trở về quê hương làm việc để đoàn tụ với gia đình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 15,5% lao động di cư trong nước được khảo sát hiện đang làm việc tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương có ý định trở về quê hương làm việc lâu dài.
Từ khảo sát kỳ vọng của NLĐ, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan liên quan cần có những điều chỉnh kịp thời về chính sách để đáp ứng nhu cầu của NLĐ di cư trong nước nhằm thúc đẩy phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thu hút NLĐ di cư đến các khu công nghiệp.
Hỗ trợ đầu tiên và quan trọng nhất là về tài chính. Nhóm đề xuất Nhà nước nghiên cứu để tăng mức lương tối thiểu cho NLĐ nhằm đáp ứng chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là ở khu vực đô thị và khu công nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ kiềm chế lạm phát để hạn chế bớt khó khăn cho NLĐ.
Hỗ trợ thiết thực thứ 2 là cải thiện chỗ ở cho NLĐ ở trọ. Nhà nước cần ban hành quy định về tiêu chí xây dựng, cung cấp nhà ở, phòng trọ cho NLĐ và quán triệt việc thực hiện để đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho NLĐ di cư.
Nhóm cũng đề xuất nhiều việc cần làm để giảm chi phí sinh hoạt, nâng cao đời sống cho NLĐ như: Rà soát các chính sách hiện hành để thực hiện hiệu quả việc giảm chi phí điện nước cho NLĐ; thành lập trường mầm non tại các khu công nghiệp hoặc quy định khu công nghiệp phải có trường mầm non để hỗ trợ NLĐ có nơi trông giữ con cái trong giờ làm việc…