Kinh nghiệm của cô gái trúng tuyển 8 đại học hàng đầu Mỹ

0
82
Kinh nghiệm của cô gái trúng tuyển 8 đại học hàng đầu Mỹ

Bài luận đáp ứng từ khoá “sự phù hợp”, xin nhiều thư giới thiệu và nộp hồ sơ vào đợt sớm giúp Minh Anh, 22 tuổi, trúng tuyển 8 đại học hàng đầu nước Mỹ.

Lê Minh Anh, sinh viên năm cuối ngành Kinh tế và Truyền hình, Đại học Fairfield, Mỹ, nhận loạt thư báo trúng tuyển chương trình thạc sĩ hành chính công vào những ngày đầu tháng 4.

Tám trường chấp thuận đều thuộc top 6-25 trong bảng xếp hạng đại học hàng đầu nước Mỹ của US news, gồm: Đại học Columbia, Johns Hopkins, Cornell, Nam California, Chicago, New York, Georgetown và Tufts. Trong đó, 5 trường cấp học bổng cho Minh Anh, dao động khoảng 20.000 – 48.000 USD (468 triệu đồng – 1,1 tỷ đồng) mỗi năm. Mức này, theo nữ sinh tương đương 25-50% chi phí để cô theo học, tùy trường.

Dưới đây là 5 kinh nghiệm giúp Minh Anh chinh phục thành công loạt học bổng thạc sĩ tại Mỹ:

1. Chú trọng thành tích học tập và nghiên cứu

Theo nữ sinh Việt, ngành hành chính công tại các đại học hàng đầu ở Mỹ chú trọng đến nền tảng học tập của ứng viên, đặc biệt là các môn học liên quan đến toán vì chương trình nặng về kinh tế.

Do đó, Minh Anh cố gắng làm nổi bật điểm số và các thành tích học tập, nghiên cứu về ngành học này trong hồ sơ. Cụ thể, điểm trung bình của cô đến thời điểm hiện tại là 3.79/4.0; riêng điểm trung bình các môn kinh tế và truyền hình là 3.95/4.0. Điểm bài thi chuẩn hóa GRE (The Graduate Record Examination) đánh giá khả năng đọc hiểu, từ vựng, tính toán và viết luận của Minh Anh ở mức cao 329/340, trong đó điểm ngữ pháp lọt top 5% người dự thi.

Minh Anh cũng là tác giả chính của hai bài báo nghiên cứu về chính sách công, gồm “Hướng tới hiệu quả và tính bền vững của các chương trình tiêm chủng Covid-19 toàn cầu, khu vực và quốc gia” hồi tháng 9/2021 và “Đối phó với sự bùng phát trở lại nhanh chóng của Covid-19 tại các đô thị của Việt Nam: Các chính sách và biện pháp ứng phó cập nhật của Việt Nam” hồi tháng 6/2022.

Ngoài ra, Minh Anh đính kèm các minh chứng từng thực tập tại các đài truyền hình ở Việt Nam và Mỹ. Theo cô, điều này giúp bản thân thể hiện mình có những hiểu biết nhất định về sự tác động của chính sách kinh tế, tiền tệ đến đời sống người dân.

Minh Anh tại khuôn viên Đại học Columbia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Anh tại khuôn viên Đại học Columbia. Ảnh: Nhân vật cung cấp

2. Nộp hồ sơ vào đợt sớm

Minh Anh khuyên ứng viên nộp đơn ở đợt sớm (EA-Early Action), hạn nộp từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12 hàng năm. Theo cô, việc này thể hiện mối quan tâm của ứng viên với trường. Hơn nữa, nhận kết quả sớm cũng giúp ứng viên biết vị trí của mình trong phân khúc tuyển sinh nào, từ đó chỉnh sửa lại để nộp hồ sơ đợt thông thường (hạn nộp vào tháng 1, tháng 2 năm sau).

Trong những trường mà Minh Anh ứng tuyển, Đại học Chicago có hạn nộp đơn EA đầu tiên và báo kết quả sớm nhất. Minh Anh không được gọi nhưng nằm trong danh sách chờ. Nhưng ba tuần trước, họ gọi cho cô và chúc mừng trúng tuyển. Cô gái 22 tuổi cho rằng vì nộp đơn sớm nên cô có cơ hội được giữ lại để cân nhắc. Ngoài ra, nhờ nhận được kết quả sớm nên Minh Anh nhận định hồ sơ của mình sẽ có cơ hội ở các trường top 10.

3. Tham gia hội thảo nghề nghiệp

Theo Minh Anh, khi tham gia các hội thảo nghề nghiệp, ứng viên có cơ hội trò chuyện với nhà tuyển dụng trực tiếp, giúp họ dễ nhớ đến mình. Trong khi đó, ứng viên có thể điền tên họ trong hồ sơ.

Cô lấy ví dụ, khi đại diện trường Đại học Chicago đến thành phố New York, họ tổ chức một tiệc nhỏ trước khi hội thảo bắt đầu. Minh Anh đến sớm 30 phút nên có thể nói chuyện, uống cà phê và được họ nhận xét về hồ sơ cũng như chia sẻ các kinh nghiệm trúng tuyển.

“Vì không phải ai cũng làm điều này nên ứng viên sẽ thể hiện được sự quan tâm của mình với trường và tạo lợi thế”, Minh Anh nói, cho biết thêm nhiều trường sẽ miễn lệ phí nộp hồ sơ nếu tham gia hội thảo nên ứng viên còn tiết kiệm được một khoản tiền.

4. Bài luận đáp ứng từ khoá “sự phù hợp”

Vốn có nền tảng trong lĩnh vực kinh tế và truyền hình nhưng Minh Anh lại ứng tuyển vào ngành hành chính công ở bậc thạc sĩ. Minh Anh đã viết trong bài luận giải thích tại sao “bây giờ” là khoảng thời gian thích hợp nhất để thực hiện điều này.

Nữ sinh cho biết từng có trải nghiệm về ngành học khi được nghiên cứu tài liệu liên quan đến công tác quản lý trong cơ quan nhà nước, được hướng dẫn làm báo cáo khi thực tập ở Bộ Ngoại giao, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, cô chưa được học bài bản về lĩnh vực này.

Ngoài ra, Minh Anh cho biết với công việc thực tập sinh tại kênh truyền hình NBC news, Mỹ, cô tin rằng mình có thể nhìn ra những vấn đề nổi cộm mà người dân đối mặt để truyền tải đến người làm chính sách. Ngược lại, cô cũng có thể truyền tải các chính sách đến công chúng một cách dễ hiểu.

“Bằng cách có kiến thức vững vàng về quản lý công, đặc biệt là về phát triển kinh tế – xã hội, tôi mới có thể chủ động sử dụng kiến thức đó để tạo ra các cuộc thảo luận, hướng khán giả đến những giải pháp hiệu quả để xử lý các vấn đề xã hội”, Minh Anh viết trong bài luận.

Minh Anh cho rằng bằng cách này, hội đồng tuyển sinh thấy khả năng của cô phù hợp với ngành học.

5. Xin nhiều thư giới thiệu

Theo Minh Anh, các trường thường yêu cầu hai, ba thư giới thiệu. Ứng viên nên xin hai thư từ giáo sư và một thư từ người hướng dẫn để mỗi người có thể nhận xét về một khía cạnh, khả năng của mình.

Chẳng hạn, một giáo sư đánh giá về khả năng tính toán; một người đánh giá về tư duy, khả năng học hỏi của Minh Anh. Trong khi đó, người hướng dẫn đánh giá về sự cam kết của học trò với các hoạt động xã hội, khả năng lãnh đạo.

“Ứng viên nên nói chuyện với từng người về kỳ vọng của bản thân trước khi họ viết thư, từ đó giúp hội đồng tuyển sinh hình dung toàn diện chân dung mình”, Minh Anh nói.

Lệ Thu

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here