Khung dệt lẻ loi
Dưới cái nắng gắt gỏng của tiết trời tháng 5, làng chiếu Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chìm trong tĩnh lặng. Từng là làng nghề dệt chiếu truyền thống đầy sôi động nhưng nay, tiếng thoi đưa, khung cửi ở Cẩm Nê đã thưa vắng lắm.
Cả làng giờ chỉ còn mỗi bà Dương Thị Thông (63 tuổi) bền bỉ với nghề. Dù vậy, tuổi đã cao, thỉnh thoảng bà Thông mới ngồi vào khung dệt. Chiếc khung dệt hầu hết nằm lặng lẽ ở góc sân.
Bà Dương Thị Thông (bìa phải) là người cuối cùng dệt chiếu Cẩm Nê (Ảnh: Hậu Nga).
“Dệt chiếu phải có người phụ một tay mà tìm được người giúp rất khó. Những người thạo nghề gần như đã lớn tuổi, mà tiền công ít ỏi, không ai muốn làm. Vì thế, có khi 2 tháng, tôi mới nhận làm một đôi chiếu cho khách quen lâu năm, không từ chối được”, bà Thông thổ lộ.
Theo bà Thông, một đôi chiếu bán ra được 700.000 đồng, sau khi trừ tiền thuê nhân công và nguyên vật liệu thì gần như “không còn một đồng lời”.
Những sợi cói sau khi phơi khô, nhuộm màu chuẩn bị để dệt thành chiếu hoa (Ảnh: Hậu Nga).
Thời hoàng kim, thu nhập từ nghề dệt chiếu đã giúp gia đình bà Thông trang trải cuộc sống. Theo thời gian, nhiều loại chiếu bằng nhựa, tre, trúc, nệm nước ra đời, tên tuổi chiếu Cẩm Nê trên thị trường dần mờ nhạt.
Cuộc sống của những người làm chiếu rơi vào khó khăn, người làng lần lượt bỏ nghề, những khung dệt dần đóng bụi, tiếng người làng í ới gọi nhau đi cói, nhuộm cói, dệt chiếu rộn ràng chỉ còn trong ký ức.
Bà Thông được mẹ truyền nghề từ năm mới 10 tuổi. Hơn nửa thập kỷ trôi qua, chứng kiến nghề dần suy thoái, bà không khỏi buồn lòng. Để mưu sinh, bà Thông đã làm thêm nhiều nghề khác, nhưng vẫn “cầm chừng” với việc dệt chiếu.
“Tôi làm chủ yếu cho vui, cho đỡ nhớ tiếng thoi đưa”, người chứng kiến thịnh suy của làng chiếu Cẩm Nê tâm sự.
Còn sức, còn dệt chiếu
Bóng chiều hắt vào hiên nhà cũ. Bà Thông ngồi bên khung dệt, tay thoăn thoắt bện những sợi cói đủ màu sắc, tiếng thoi đưa chậm rãi như nhịp thở của người già.
Hình ảnh thoi đưa trên khung dệt chiếu đang dần bị lãng quên (Ảnh: Hậu Nga).
Bà Thông cho hay, để làm ra một tấm chiếu hoàn chỉnh phải mất một ngày rưỡi và trải qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng, công phu. Điều đặc biệt, chiếu Cẩm Nê được làm hoàn toàn thủ công và phải đúng “bí quyết” của làng.
Cũng chính vì thế, chiếu Cẩm Nê vẫn là một sản phẩm được khách hàng tin tưởng lựa chọn dù rất ít xuất hiện trên thị trường.
“Nhiều lúc cũng cực, nhưng khi cái cực qua rồi lòng lại vui vui. Còn người ưa chuộng chiếu Cẩm Nê và vẫn còn sức thì tôi còn dệt chiếu”, bà Thông chia sẻ.
Chiếu Cẩm Nê từng nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng vì chiếu dùng bền, màu sắc đẹp mắt (Ảnh: Hậu Nga).
Động lực lớn nhất để bà Thông còn bám trụ với nghề là chồng và con trai luôn ủng hộ nhiệt tình. Chưa bao giờ con trai hối thúc bà dừng làm nghề mà ngược lại còn phụ giúp bà những công việc cần thiết.
Gắn bó với nghề hơn 50 năm, trải qua biết bao những thăng trầm cùng khung dệt, bà Thông vẫn không nỡ rời xa. Đối với bà Thông, đây không đơn thuần là một công việc mưu sinh mà hơn hết là tình yêu và “cái nợ” với nghề dệt chiếu của quê hương.
“Nguyện vọng duy nhất của tôi là giữ nghề cho đến khi nằm xuống. Không làm thường xuyên nữa nhưng cần tôi vẫn dệt chiếu để giữ lấy thương hiệu làng nghề”, bà Thông nói, ánh mắt xa xăm, hoài niệm.
Huỳnh Hậu – Nguyễn Nga