Khơi thông nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

0
35
Khơi thông nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Biên phòng – Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhưng tiến độ triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) ở nhiều địa phương vẫn còn chậm. Hiện nay, vẫn còn một số tỉnh chưa hoàn thành phân bổ chi tiết vốn ngân sách Trung ương.

Khơi thông nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS được kỳ vọng cải thiện cơ bản đời sống của đồng bào DTTS. Ảnh: Cẩm Linh

Ách tắc từ vấn đề chậm giải ngân

3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới; xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, người dân đặc biệt quan tâm. Các Chương trình MTQG được triển khai đồng bộ ở các địa phương được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Các Chương trình MTQG đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế – xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn thực hiện các Chương trình MTQG, tiếp tục phát hiện, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ về cơ chế chính sách còn vướng mắc trong quá trình triển khai.

Ngay trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương đã khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo và ban hành 1 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư, 4 văn bản hướng dẫn và nhiều văn bản khác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình MTQG tại các địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến nay, tình hình giải ngân các Chương trình MTQG còn chậm. Tính đến hết tháng 5/2023 mới giải ngân được 6.750 tỷ đồng, đạt khoảng 20,6% kế hoạch. Có nhiều địa phương chỉ giải ngân đạt 30% kế hoạch, trong khi đã gần hết năm 2023.

Nhìn thẳng vào các “điểm nghẽn”

Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát của Quốc hội cho thấy, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn trong triển khai chương trình do thiếu văn bản hướng dẫn và nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu để phát huy hiệu quả kinh tế xã hội.

Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, hành lang văn bản chưa đồng nhất, thủ tục hành chính rườm rà, nhiều quy định không sát thực tế khiến tiến độ giải ngân nguồn vốn 3 Chương trình MTQG còn chậm


Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Trọng Bảo

Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, là chương trình mới và có nhiều vướng mắc nhất. Đến nay đã cơ bản được tháo gỡ bằng việc ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân, một lãnh đạo của tỉnh Phú Yên thẳng thắn nhìn nhận, đó là vấn đề còn chậm trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền được giao; nguồn lực đối ứng của tỉnh rất hạn chế; cán bộ là người DTTS gặp nhiều khó khăn khi được phân cấp triển khai thực hiện…

Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí là tổ chức các đoàn đại biểu đi thị sát thực tế tại các địa phương, công trình để thúc đẩy giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa giải ngân được vốn đầu tư công dẫn đến nhiều hạng mục của một số Chương trình MTQG, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi không thể thực hiện được, chậm tiến độ so với dự kiến.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường thẳng thắn nhìn nhận, trên thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có một phần do tâm lý e ngại, sợ sai của một bộ phận cán bộ lãnh đạo trong phê duyệt các dự án đầu tư công. Nhiều địa phương đang vướng mắc ở việc giải quyết các thủ tục giải ngân chứ không phải do thiếu vốn.

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng việc chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo ở cơ sở một số nơi còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với 19 địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên về tình hình triển khai các Chương trình MTQG, tổ chức tại Bình Định vào cuối tháng 7/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, vốn cho năm 2023 đã được Trung ương giao ngay từ đầu năm, đồng thời nhiều nút thắt về chính sách được Trung ương tích cực tháo gỡ, nhưng tiến độ triển khai các Chương trình MTQG vẫn còn chậm.

“Mỗi bộ, ngành và địa phương cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, vì việc thực hiện 3 Chương trình MTQG là nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải giải ngân toàn bộ số vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023, phấn đấu giải ngân ít nhất 90% vốn được phân bổ năm 2023. Đồng thời, địa phương nào còn nợ văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền phải sớm hoàn tất ban hành; tìm hiểu kỹ những quy định mới ban hành, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản hướng dẫn để khi ban hành có thể thực hiện được ngay.

Cẩm Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here