Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer từ hiệu quả chính sách dân tộc

0
58
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer từ hiệu quả chính sách dân tộc

Biên phòng – Đa Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) là xã có gần 80% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Giờ đây, cuộc sống của người dân Đa Lộc đổi thay từng ngày, nhờ địa phương triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cùng sự phấn đấu vươn lên của người dân.

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer từ hiệu quả chính sách dân tộc
Ông Thạch Nhựt, ngụ tại ấp Giồng Lức, xã Đa Lộc chăm sóc bò được chính quyền địa phương hỗ trợ để phát triển sinh kế. Ảnh: Phương Nghi

Đến bất kỳ phum, sóc nào ở Đa Lộc cũng có thể cảm nhận được điều này. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc ngày càng hoàn thiện; bộ mặt nông thôn khởi sắc, nhiều ngôi nhà mới mọc lên; những đồng lúa, rẫy cây màu xanh um đã và đang đem lại nguồn thu đáng kể, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, ông Phạm Văn Kiệt cho biết: Đổi thay lớn nhất ở xã đặc biệt khó khăn này là kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang; hệ thống thủy lợi, kênh mương được xây dựng đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đa Lộc đã huy động tổng nguồn vốn trên 300 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động từ cộng đồng dân cư chiếm 48%. Hiện nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; hệ thống điện lưới, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư khang trang đồng bộ; trên 82% nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; lao động có việc làm đạt trên 96%.

“Nhờ đó, tạo cho bộ mặt nông thôn ở xã vùng khó khăn ngày càng được khởi sắc. Nhiều hộ đã chủ động vận dụng kiến thức khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và thực hiện mô hình đa cây, đa con để từng bước cải thiện thu nhập, ổn định đời sống. Xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, nhưng đến cuối năm 2021, Đa Lộc đã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 54 triệu đồng (tăng 34 triệu đồng so với năm 2010); hộ nghèo giảm từ 28,6% năm 2010 xuống còn 3,2% vào cuối năm 2022 (theo tiêu chí đa chiều), các ấp Giồng Lức, Thanh Trì không còn hộ nghèo” – ông Kiệt nói.

Thời gian qua, Đa Lộc luôn quan tâm chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển kinh tế gia đình. Để cải thiện thu nhập cho người dân, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất, xã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực vận động và tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để đồng bào nắm vững quy trình sản xuất. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối, mời gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu nông sản để nâng cao thu nhập. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp đạt trên 134 triệu đồng/năm (tăng hơn 60 triệu đồng so với năm 2010).

Ông Thạch Hiển, Trưởng ban Nhân dân ấp Giồng Lức, xã Đa Lộc phấn khởi cho biết: Năm 2017, trong số 483 hộ dân của ấp, còn 70 hộ nghèo, chủ yếu là hộ Khmer. Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở cho hộ Khmer nghèo, ấp có 120 hộ nghèo và cận nghèo được cấp đất, vay vốn xây nhà, nhiều hộ được hỗ trợ sinh kế cải thiện thu nhập gia đình. Nhờ vậy, đến cuối năm 2022, xét theo chuẩn nghèo đa chiều, ấp Giồng Lức không còn hộ nghèo.

“Trong quá trình xây dựng ấp nông thôn mới, ấp luôn chú trọng đến nâng cao đời sống của người dân. Theo đó, Chi bộ, Ban Nhân dân ấp tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả…” – ông Hiển nói.

Trong căn nhà mới được xây từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng, ông Thạch Nhựt, ấp Giồng Lức phấn khởi nói: “Gia đình vừa thoát nghèo, trước đó, hai vợ chồng đều là lao động tự do nên thu nhập rất bấp bênh, nhiều năm liền gia đình sống trong căn lều tạm bợ, dột nát dựng tạm trên đất của cha mẹ. Khi được Nhà nước cấp 300m2 đất và cho vay 50 triệu đồng để xây nhà, vợ chồng tôi vui mừng khôn xiết. Gia đình tôi còn được hỗ trợ 1 con bò trị giá 8 triệu đồng để tăng gia sản xuất”.


Từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào Khmer nghèo, anh Thạch Chung, ngụ tại ấp Ba Tiêu, xã Đa Lộc đã thực hiện mô hình trồng dưa hấu cho thu nhập ổn định. Ảnh: Phương Nghi

Ngoài ra, bằng nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, Đa Lộc đã kịp thời hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống như xây dựng cầu, đường, nhà văn hóa, nước sinh hoạt…, qua đó, diện mạo nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc được đổi mới, kinh tế từng bước được nâng lên.

Ông Sơn Thinl, người có uy tín trong cộng đồng ở ấp Ba Tiêu, xã Đa Lộc bộc bạch: “Ngoài chuyện phấn khởi vì kinh tế gia đình đang dần ổn định thì nhân dân ở đây cũng rất vui khi nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng khang trang, hệ thống chợ cũng được nâng cấp, sửa chữa. Những năm trước, giao thông đi lại khó khăn nên việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, việc học của học sinh còn nhiều hạn chế, giờ thì dễ dàng, thoải mái hơn trước nhiều. Hiện nay, với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, hầu hết đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến trong nhận thức, chí thú làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Về vùng đồng bào dân tộc Khmer Đa Lộc hôm nay, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở các phum, sóc. Kinh tế có bước phát triển ổn định, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã từng bước cải thiện, hộ nghèo ngày một giảm, nhà nhà có điện thắp sáng hay những căn nhà dột nát, xiêu vẹo ngày nào nay được thay thế bởi nhà tường kiên cố và sạch đẹp, đời sống của đồng bào Khmer ngày càng ấm no, sung túc.

Phương Nghi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here