Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn “kén cá, chọn canh”

0
85
Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn “kén cá, chọn canh”

Cần việc làm nhưng lao động vẫn “kén cá, chọn canh”

Khao khát tìm việc làm sau Tết và nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng nhiều người lao động lại đắn đo khi mức thu nhập thấp, công việc không phù hợp so với trước kia.

Lao động kén chọn việc làm

Ăn Tết xong, vợ chồng anh Lê Quang Tuấn (xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) lại rời quê để trở lại TPHCM tìm kiếm việc làm. Dịp trước Tết Nguyên đán Quý Mão, do mất việc nên gia đình anh về quê sớm hơn dự định.

Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn kén cá, chọn canh - 1

Nhiều người lao động tỉnh Thanh Hóa từ phía Nam có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ về quê dịp Tết trên chuyến bay “không đồng”.

Gia đình anh Tuấn đã có 7 năm làm công nhân sản xuất chai nhựa ở TPHCM, giữa tháng 6/2022, công ty thiếu đơn hàng, nhiều lao động bị cắt giảm giờ làm. Thời gian bám trụ lại nơi làm việc với đồng lương ít ỏi khiến cuộc sống vợ chồng anh gặp nhiều khó khăn. 

Tình trạng càng trở nên tồi tệ hơn vào thời điểm cuối năm khiến vợ chồng anh tay trắng sau một năm ly hương. Anh Tuấn cho biết, trong thời gian nghỉ Tết, vợ chồng anh cũng dò hỏi về thị trường lao động ở quê, mặc dù được một vài người bạn giới thiệu nhưng thấy mức lương và công việc không phù hợp nên anh chị quyết định quay trở lại phía Nam để tìm việc.

Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn kén cá, chọn canh - 2

Cận Tết (20-28 tháng Chạp) tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa có 498 người đến đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

“Công việc ở quê không phải là không có nhưng thu nhập quá thấp so với phía Nam. Thời điểm công việc ổn định ở phía Nam, thu nhập của hai vợ chồng tôi khoảng trên dưới 20 triệu đồng nhưng qua khảo sát một số công ty ở đây, mỗi tháng cả hai vợ chồng chỉ kiếm được khoảng hơn 10 triệu đồng”, anh Tuấn chia sẻ.

Một lý do nữa khiến người đàn ông này lựa chọn ly hương là do không tìm được công việc phù hợp với chuyên môn và kinh nghiệm của mình. Chuyến trở lại phía Nam này, anh Tuấn và vợ vào trước để khảo sát, nếu công ty cũ có việc làm thì tốt, không thì cố bám trụ lại để chờ việc. Nếu may mắn tìm được công việc phù hợp, mức lương chấp nhận được, anh dự tính sẽ đưa cậu con trai vào làm.

Khác với anh Tuấn, những ngày đầu năm, vợ chồng anh Lục Văn Sơn (40 tuổi, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân) đang cố gắng đi tìm việc làm ở quê sau nhiều tháng trở về từ tỉnh Bình Dương.

Trước đây, anh Sơn làm quản lý dây chuyền sản xuất tại một công ty giày da, lương hơn 12 triệu đồng/tháng, tăng ca đầy đủ thu nhập cũng gần 20 triệu đồng/tháng. Chị Bùi Thị Thu (vợ anh Sơn) làm cùng công ty, bộ phận gia công, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng.

Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn kén cá, chọn canh - 3

Đầu năm Quý Mão, đông đảo người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và đăng ký tìm kiếm việc làm (Ảnh: Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa).

Tháng 7-11/2022, công ty không có đơn hàng, cắt giảm giờ làm, có thời điểm mỗi tháng chỉ làm việc 10 ngày, tổng thu nhập cả hai vợ chồng anh Sơn được 10 triệu đồng. Từng đó, tiền không đủ chi phí để tiếp tục bám trụ nơi thành phố đắt đỏ, hơn nữa cũng đã 40 tuổi nên anh Sơn muốn tìm một công việc ở quê. 

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, trong đợt Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, toàn tỉnh này có khoảng 25.000 lao động từ phía Nam trở về.

“Tôi cũng đang tìm hiểu một số công ty trên địa bàn, với kinh nghiệm nhiều năm làm giày da, tôi hy vọng sẽ tìm được công việc phù hợp với mức lương ổn định. Nói thật, để tìm được công việc phù hợp mà có được mức lương cao như ở các công ty phía Nam là rất khó”, anh Sơn chia sẻ.

Ông Hoàng Duy Xuyên – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết, trong tháng 1/2023 toàn tỉnh có 887 lao động từ phía Nam trở về đến trung tâm làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. 

Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn kén cá, chọn canh - 4

Theo ông Hoàng Duy Xuyên – Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cơ hội việc làm cho lao động từ phía Nam trở về địa phương dịp đầu năm rất nhiều.

Theo ông Xuyên, cơ hội việc làm cho lao động từ phía Nam trở về địa phương không khó và có rất nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều người lao động thất nghiệp vẫn đặt ra điều kiện khác nhau khi tìm kiếm việc làm như: Mong muốn lương cao, công việc phù hợp ở gần nhà để tiết kiệm chi phí đi lại, thuê trọ. Ngoài ra nhiều công việc thời vụ có mức thu nhập cao nên không ít lao động cũng lựa chọn phương án đi làm thời vụ, điều này khiến công tác kết nối việc làm gặp khó khăn.

“Ví dụ, người lao động ở huyện A với mức lương 5 triệu, nhưng khi được giới thiệu sang huyện B làm việc với mức lương 8 triệu, tuy nhiên huyện B ở xa nhà hơn. Lúc này, họ xét đến vấn đề đi lại, chi phí phát sinh và các yếu tố khách quan khác nhau nên dẫn đến sự đắn đo khi chọn việc, hoặc chờ đợi cơ hội tìm được công việc phù hợp ở gần nhà mới đi làm…”, ông Xuyên chia sẻ thêm. 

Tăng phiên giao dịch, ngày hội việc làm

Theo ông Xuyên, thời điểm giữa tháng 2/2023 mới xác định rõ tình trạng thất nghiệp của số lao động từ phía Nam trở về. Tuy nhiên, trước thực trạng lao động từ miền Nam trở về địa phương gia tăng trong thời gian vừa qua, trung tâm dịch vụ việc làm đã chủ động thống kê hàng ngày để xác định số lượng lao động thất nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới đối với người lao động khi có nhu cầu, tránh tình trạng bùng nổ nhu cầu tìm kiếm việc làm dịp đầu năm.

Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn kén cá, chọn canh - 5

Hiện nay Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa đang phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, khảo sát nhu cầu tiếp nhận người lao động (Ảnh: M.H).

Cũng theo ông Xuyên, về giải pháp, hiện nay đơn vị đang phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để khảo sát nhu cầu tiếp nhận người lao động. Từ đó, hỗ trợ tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm thích hợp cho người lao động. Đây là giải pháp quan trọng nhất.

Ngoài ra, trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, phiên giao dịch, ngày hội việc làm để hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp với người lao động. Trung bình mỗi phiên giao dịch việc làm sẽ kết nối cho khoảng 1.000 lao động với các doanh nghiệp.

Đồng thời, thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, hỗ trợ người lao động vơi bớt khó khăn khi bị chuyển đổi việc, mất việc làm.

Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn kén cá, chọn canh - 6

Các nhân viên tư vấn việc làm cho người lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

“Thông thường, hai tuần chúng tôi tổ chức một phiên giao dịch việc làm để kết nối doanh nghiệp với người lao động. Tuy nhiên, trong thời điểm lao động bị mất việc có biến động như hiện nay, chúng tôi đang cho tăng các phiên giao dịch, mỗi tuần sẽ có một phiên. Ngoài ra, các chương trình ngày hội việc làm, hội nghị tư vấn sẽ được triển khai nhiều hơn, đa dạng các loại hình công việc để người lao động lựa chọn. Dự kiến, ngày 10/2 tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức ngày hội việc làm với quy mô lớn tại thị xã Bỉm Sơn. Trong ngày hội việc làm dịp đầu năm này sẽ có khoảng gần 1.000 người lao động và 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng”, ông Xuyên thông tin.

Ông Xuyên cho biết, từ thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã đẩy mạnh, tăng cường các tổ tư vấn cho người lao động khi đến giao dịch tại trung tâm và các chi nhánh ở các huyện.  

Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn kén cá, chọn canh - 7

Nhiều lao động đăng ký tìm việc làm ngày đầu năm.

“Chúng tôi thiết lập tổ tư vấn chuyên sâu gồm 7 nhân viên hoạt động hết công suất. Tổ tư vấn có nhiệm vụ tiếp cận và tư vấn cho người lao động. Thứ nhất, họ sẽ tư vấn cho người lao động quay lại thị trường nếu công ty đã phục hồi sản xuất. Đối với người lao động sắp hết hạn hưởng bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi sẽ tư vấn chuyên sâu, kết nối các công việc, doanh nghiệp phù hợp để người lao động lựa chọn”, ông Xuyên cho biết.

Về thị trường tuyển dụng lao động dịp đầu năm, theo ông Xuyên, đây là thời điểm sôi động về thị trường tuyển dụng. Đầu Xuân Quý Mão, đã có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa “đặt hàng” trung tâm để tuyển dụng lao động. Đây là cơ hội đối với người lao động, đặc biệt là người lao động bị mất việc từ phía Nam trở về trong thời gian qua.

Khao khát tìm việc nhưng lao động vẫn kén cá, chọn canh - 8

Thị trường lao động những ngày đầu năm sôi động, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao (Ảnh: Minh Hiếu).

Theo ông Xuyên, trong thời điểm này, người lao động cũng nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức, tư duy sáng tạo với công việc, đồng thời cần chủ động phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp khi có nhu cầu. 

Thanh Tùng

03/02/2023

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here