(Dân sinh) – Những năm gần đây, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN). Đồng thời, khi có sự cố TNLĐ xảy ra, hoặc người lao động mắc BNN đều được cơ quan BHXH kịp thời chi trả các chế độ BHTN-BNN và được Sở LĐ-TB&XH quan tâm tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình bị nạn.
Khánh Hòa là một tỉnh đang phát triển khá nhanh ở khu vực huyên hải Nam Trung bộ. Đi kèm với sự phát triển đó đã thu hút một lực lượng lao động lớn làm việc ở các công trường đang xây dựng, các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực công nghiệp nặng có nhiều yếu tố rủi ro về TNLĐ-BNN.
Ông Văn Đình Tri – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa cho biết, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong năm 2022, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp để xảy ra 38 vụ TNLĐ làm 41 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động), số người chết là 17 người (khu vực có quan hệ lao động là 10 người và không có quan hệ lao động là 7 người). Tỷ lệ thực hiện báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ và báo cáo tỉnh hình tai nạn lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn thấp, mới chỉ có khoảng 7% đến 10% đơn vị thực hiện.
Trong thời gian qua, đặc biệt điểm nhấn là Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để kéo giảm TNLĐ-BNN. Đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ gắn với việc thực hiện chính sách Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho chủ sử dụng lao động và người lao động. Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về ATVSLĐ như: Tập huấn nâng cao năng lực cho gần 200 người làm công tác quản lý, triển khai chính sách, pháp luật về công tác ATVSLĐ từ cấp tỉnh đến cấp xã và trong các ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát hành văn bản hướng dẫn 1.200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt các hoạt động triển khai, hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, ATVSLĐ, BHXH đối với 80 doanh nghiệp, 11 Dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đối với 32 nhà thầu thi công.
Trong Tháng hành động ATVSLĐ năm 2023, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị đối thoại và triển khai công tác ATVSLĐ nhằm tuyên truyền Luật ATVSLĐ và giải đáp các thắc mắc của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về trong quá trình thực hiện công tác ATVSLĐ tại đơn vị cũng như trách nhiệm, quyền lợi tham gia Bảo hiểm TNLĐ-BNN
Các chế độ về Bảo hiểm TNLĐ-BNN được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa chi trả kịp thời, đúng quy định. Ông Lê Văn Hiếu-Trưởng phòng Chế độ BHXH tỉnh Khánh Hòa cho biết, Trong năm 2022, BHXH tỉnh đã giải quyết chế độ kịp thời cho 47 trường hợp bị TNLĐ với số tiền gần 1,47 tỷ đồng (giảm 2 trường hợp so với cùng kỳ năm trước) và 54 trường hợp bị BNN với số tiền gần 760 triệu đồng (giảm 1 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). 5 tháng đầu năm 2023 đã giải quyết 14 trường hợp bị TNLĐ với số tiền gần 382 triệu đồng (giảm 2 trường hợp so với cùng kỳ năm trước) và 9 trường hợp bị BNN với số tiền gần hơn 88 triệu đồng (tăng 1 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Ông Hiếu chia sẻ, dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước và có khả năng đe dọa sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Để chia sẻ, hỗ trợ người lao động, chính sách Bảo hiểm TNLĐ-BNN đã ra đời với nhiều lợi ích thiết thực.
Nhân Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, Sở LĐ-TB&XH, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị, doanh nghiệp đến thăm hỏi thân nhân, gia đình 10 người lao động tử vong do bị tai nạn lao động trong năm 2022. Tại các gia đình đến thăm, đoàn đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, tình hình đời sống, thu nhập và chia sẻ những đau thương, mất mát, động viên thân nhân gia đình các nạn nhân vượt qua nỗi đau, khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhân dịp này, đoàn đã trao cho mỗi gia đình 1 suất hỗ trợ trị giá 500 ngàn đồng; đồng thời các đơn vị, doanh nghiệp cũng dành sự hỗ trợ cho thân nhân gia đình các nạn nhân.
Ông Văn Đình Tri-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi, trao hỗ trợ cho thân nhân gia đình ông Trần Trọng Hiếu ở thị trấn Diên Khánh bị TNLĐ.
Ông Văn Đình Tri-Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa cho biết, đi đôi với việc tuyên truyền thực hiện công tác ATVSLĐ, Sở luôn gắn liền với việc triển khai thực hiện chế độ Bảo hiểm TNLĐ-BNN trong các doanh nghiệp và người lao động. Có thể thấy, TNLĐ-BNN là điều không ai mong muốn và phòng tránh nhưng trong thực tế vẫn xảy ra với những hậu quả rất đáng tiếc. Mỗi người lao động đều là trụ cột của gia đình. Khi họ bị TNLĐ hay mắc BNN phải nghỉ làm thì gia đình đều lâm vào cảnh khó khăn. Lúc này, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu cho bản thân chứ chưa nói tới việc còn chi phí cho các thành viên khác trong gia đình.
Vì vậy, một chính sách để hỗ trợ, chia sẻ với người lao động trong hoàn cảnh đó là điều vô cùng cần thiết và chế độ Bảo hiểm TNLĐ-BNN ra đời. Đây là 1 trong 5 chế độ của chính sách BHXH, được quy định trong Luật BHXH. Và từ ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đã thông qua và thống nhất, chế độ Bảo hiểm TNLĐ-BHNN một cách cụ thể tại Luật ATVSLĐ. Khi tham gia, người lao động được hưởng nhiều chế độ hỗ trợ nếu chẳng may bị TNLĐ và BNN gồm: Trợ cấp 1 lần với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% và trợ cấp hằng tháng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.