Bài 3: Tô thắm tình đoàn kết quân dân
Nhờ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, cùng sự kiên trì, bền bỉ thực hiện phương châm “lời nói đi đôi với việc làm” của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An, nhiều bản làng biên giới khó khăn đang không ngừng khởi sắc. Tình cảm quân dân càng thêm gắn bó sâu sắc, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Hợp giúp dân dựng nhà. Ảnh: Viết Lam
Khởi sắc những vùng đất khó
Nhiều năm về trước, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở bản biên giới Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An gặp muôn vàn khó khăn, cùng với đó tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương và BĐBP Nghệ An đã quyết tâm triển khai các biện pháp đưa Huồi Sơn sớm vượt qua khó khăn, trở thành bản làng kiểu mẫu giữa đại ngàn.
Để thực hiện mục tiêu, BĐBP Nghệ An đã huy động nguồn xã hội hóa, giúp toàn bộ 37 hộ gia đình xây dựng nhà kiên cố, điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ về bám dân, mở đường, khai hoang ruộng trồng lúa nước. “Miệng nói, tay làm”, BĐBP được đồng bào dân tộc Mông ở Huồi Sơn yêu mến, tin tưởng, từng bước tự giác trồng trọt, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo. Cũng nhờ chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước mà Huồi Sơn có điện lưới quốc gia, đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, bản làng đã khởi sắc nhiều.
Đến nay, Huồi Sơn có 75 hộ dân/400 nhân khẩu, bà con đã an cư lạc nghiệp, không còn hiện tượng khai thác lâm sản trái phép, di dịch cư tự do, trẻ em được được tới trường học tập, trên 90% số hộ gia đình có xe máy, ti vi. Chi bộ Đảng của bản Huồi Sơn có 16 đảng viên, luôn đoàn kết thống nhất, vận động nhân dân phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Già làng Xồng Nhia Mại, bản Huồi Sơn, chia sẻ: “Sau gần 15 năm, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự sát sao của BĐBP Nghệ An, cuộc sống của dân bản đã thay đổi, tiến bộ rất nhiều. Huồi Sơn được biết đến như bản làng kiểu mẫu giữa đại ngàn”.
Từ chỗ sống tách biệt giữa rừng già với sự đói nghèo, lạc hậu, thường xuyên bị bệnh tật đe dọa đến sự tồn vong nhưng giờ đây, cuộc sống của đồng bào Đan Lai ở bản Cò Phạt và Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đang đổi thay tích cực. Sự tiến bộ vượt bậc của đồng bào Đan Lai nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An. Bởi hơn 20 năm về trước, những người lính Biên phòng đã vào “cắm chốt” ở bản làng của người Đan Lai vận động nhân dân khai hoang trồng lúa nước. Bộ đội làm trước, rồi thu hoạch lúa, xay thành gạo đem tặng nhân dân và vận động bà con làm theo.
Không những vậy, BĐBP còn mang nhiều loại cây giống, con giống về trồng, chăn nuôi và hướng dẫn nhân dân cách chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả. Khi lấy được lòng tin, những người lính Biên phòng tiếp tục vận động nhân dân xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu như cúng ma, tự sinh con bên suối, nuôi trâu bò dưới sàn nhà… Giờ đây, người dân Đan Lai đã quen với việc ra trung tâm xã buôn bán, trao đổi hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhờ đó, đời sống được cải thiện rõ rệt.
Chung sức bảo vệ biên giới
Cuộc sống vật chất, tinh thần được nâng lên, đồng các dân tộc ở khu vực biên giới tỉnh Nghệ An thêm tin yêu, hỗ trợ BĐBP bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Thông qua các tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, quá trình lao động sản xuất, nhân dân kịp thời phát hiện, thông báo cho BĐBP, lực lượng chức năng nhiều thông tin, sự việc phát sinh trên biên giới, địa bàn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ và nhân dân địa phương tuần tra biên giới, bảo vệ cột mốc. Ảnh: Lê Thạch
Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, nhân dân biên giới đã tố giác để các đơn vị BĐBP Nghệ An xử lý 40 vụ/44 đối tượng vi phạm pháp luật và cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, phục vụ cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Thượng tá Nguyễn Hồng Đức, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: “Thời gian qua, đơn vị chúng tôi đã đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Trong đó, có nhiều vụ việc được đơn vị đấu tranh ngăn chặn kịp thời từ nguồn tin do quần chúng nhân dân cung cấp”.
Đồn Biên phòng Thông Thụ, BĐBP Nghệ An cũng là điểm sáng trong việc phát huy sức dân bảo vệ biên giới, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Hiện nay, các bản làng biên giới của xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An do đơn vị phụ trách đều duy trì nền nếp các tổ tự quản đường, biên mốc quốc giới. Cùng với đó, Đồn Biên phòng Thông Thụ cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng, duy trì được một số mô hình phát huy vai trò của nhân dân bảo vệ biên giới. Điển hình như câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” bản Mường Phiệt, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Được thành lập từ tháng 4/2017, đến nay đã có 40 hội viên, thường xuyên tham gia cùng BĐBP tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tuần tra biên giới.
Nhiều năm nay, cứ đến “phiên trực”, chị Lô Thị Phượng, sinh năm 1980, trú tại bản Mường Phiệt đều thu xếp công việc nương rẫy, gia đình để tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ và hội viên câu lạc bộ tuần tra biên giới. “Chúng tôi đều xác định rõ nghĩa vụ của mình đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Từ đó, chị em trong câu lạc bộ luôn động viên nhau sắp xếp việc gia đình, cùng BĐBP tuyên truyền pháp luật, tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới” – Chị Phượng khẳng định. Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới” ở Mường Phiệt đang phát huy tốt hiệu quả. Từ đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quế Phong phối hợp với các đồn Biên phòng trên địa bàn nhân rộng mô hình đến các xã biên giới khác.
Có thể khẳng định, cùng với những biện pháp nghiệp vụ, việc phát huy tốt sức dân đã giúp BĐBP Nghệ An thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Viết Lam