Khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không làm

0
51
Khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không làm

“Căn bệnh” sợ trách nhiệm

Phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội (QH) về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 vừa qua, Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) nêu câu chuyện TP HCM trong năm 2022 đã có 584 văn bản hỏi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có đến 604 văn bản trả lời. “Tức là bình quân mỗi ngày, 2 đơn vị, địa phương này đã có đến gần 2 câu hỏi để trao qua đổi lại”, Đại biểu nêu vấn đề.

Theo Đại biểu, hiện nay, câu chuyện hỏi – đáp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và TP HCM không phải là trường hợp ngoại lệ, mà còn nhiều địa phương “hỏi – đáp” các bộ, ngành khác để làm cơ sở triển khai các công việc kế tiếp. “Tôi rất chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của địa phương và cũng rất thông cảm với những trăn trở, vất vả của các bộ, ngành Trung ương khi phải thường xuyên trả lời các nội dung mà theo các bộ cho rằng đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của địa phương. Tôi không đề cập đến vấn đề ai đúng, ai chưa đúng nhưng tôi thấy rằng chúng ta đang lãng phí nguồn lực bởi sự ách tắc này”, Đại biểu nói; đồng thời nhấn mạnh, việc lãng phí nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của địa phương và của quốc gia.

Vấn đề này tiếp tục được Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề cập tại phiên thảo luận ở hội trường của QH về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đặt vấn đề tại sao đến nay mới xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm, thậm chí lan rộng từ Trung ương đến địa phương, từ khu vực công đến khu vực tư, Đại biểu nhấn mạnh yêu cầu phải xác định được nguyên phát của “căn bệnh” này thì mới có thể điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Phần nào lý giải cho câu chuyện “xin ý kiến”, Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho rằng, trong thực thi công vụ, nếu có các quy định, các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn phần đông cán bộ, công chức, viên chức sẽ nỗ lực năng động, sáng tạo, tìm đến cách làm hiệu quả hơn. Song, hiện nay, trong không ít các việc, nếu quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì rất dễ mắc phải vi phạm, không nhiều thì ít.

Do vậy, theo Đại biểu, những người thấy làm sai quy định, sai luật dù vì lợi ích chung mà không biết sợ có lẽ là “điếc không sợ súng” hoặc “thiếu ý thức tổ chức kỷ luật”. Cũng vì vậy mà việc cấp dưới hỏi xin ý kiến cấp trên, chờ chỉ đạo cấp trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng càng đi sâu vào thực hiện, càng thấy vướng nên lại chuyển ngược lên cấp trên xin ý kiến rồi mới làm trở thành phổ biến.

“Sợ đến mức né tránh, không làm thì phải xử lý!”

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) chỉ ra rằng, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; nhiều vụ án đã được đưa ra xét xử; nhiều cán bộ, công chức đã bị xử lý theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, khiến cho các cán bộ “phải giật mình” xem lại, rà soát lại mình và thận trọng hơn, cẩn thận hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, Đại biểu cũng cho rằng “nên chia sẻ với hoạt động của cán bộ, công chức trong điều kiện hệ thống pháp luật chúng ta hiện còn chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ và thậm chí có những lúc chồng chéo và mâu thuẫn”.

“Theo tôi, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là những cán bộ có tinh thần trách nhiệm rất cao, có phẩm chất có đạo đức, có năng lực, có trình độ và và cái quan trọng, cốt lõi là có tinh thần vì nước, vì dân. Đó sẽ là những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mất đi những yếu tố đó thì rất khó. Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, phẩm chất đạo đức phải được đặt lên hàng đầu”, (Đại biểu QH Phạm Văn Hòa).

Nhìn nhận ở góc độ tích cực, Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, cán bộ còn biết sợ là điều mừng. “Phải sợ chứ! Vì chúng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng. Cán bộ phải biết là nếu họ làm sai sẽ chịu trách nhiệm. Như vậy, cán bộ sợ là điều tốt, sợ để phải làm cẩn thận, làm đúng pháp luật, theo đúng đường lối của Đảng, Nhà nước. Đó là điều tốt”, Đại biểu nói. Tuy nhiên, cán bộ sợ đến mức không làm gì, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì phải xử lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng nhận định, nguyên nhân của tình trạng một số cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, có chức, có quyền có hiện tượng chùn bước, “làm thì vẫn làm nhưng phát huy tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì hình như không có nhiều” có phần từ việc hồi tố, xét xử một số cán bộ lãnh đạo một số bộ, ngành ở Trung ương và cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh liên quan đến những những thiếu sót về tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái, tham nhũng thời gian qua.

“Cho nên, hiện nay một số cán bộ rất ngại. Họ muốn làm chứ không phải là không, nhưng làm thì phải có đúng và có sai. Cái sai nếu là chủ quan thì phải xử lý; những cán bộ có hiện tượng móc ngoặc, tham ô, tham nhũng, thiếu trách nhiệm là cố ý làm trái thì bị xử lý là đúng. Nhưng với những cái sai do khách quan mà những cơ quan bảo vệ Đảng, bảo vệ pháp luật vẫn quy trách nhiệm nên một số người hơi chùn bước”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không làm ảnh 1

Đại biểu Phạm Văn Hòa.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không chỉ đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, ở cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động KT-XH, thể hiện rõ nhất là trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính, đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp…

“Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội và nhất là về mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước chúng ta đang rất khó khăn hiện nay”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng khẳng định, dù nguyên nhân là gì thì hiện trạng nêu trên vẫn là vi phạm, sai phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, cần nghiêm khắc phê phán, triệt tiêu.

Cần luật hóa cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đảng, QH, Chính phủ đã ban hành những văn bản rất cần thiết để bảo vệ các cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. “Tôi nghĩ đây là việc rất quan trọng. Đó là cơ sở, có thể xem như là một “kim bài miễn tử” để cán bộ xốc tinh thần, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ”, Đại biểu nói.

Theo Đại biểu, khi xem xét việc làm của các cán bộ, nếu đưa đến những thành quả, thành tích thì phải phát huy tối đa. Còn với những thiếu sót thì cần tách bạch, xem xét rõ đó là do khách quan hay chủ quan; xem những thiếu sót đó mang tính trầm trọng, ảnh hưởng đến quốc gia, ảnh hưởng đến đất nước, ảnh hưởng đến KT-XH hay có mục đích riêng tư hay không để xử lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, đến nay, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, có các cơ chế để khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, cần căn cứ vào những văn bản để tổ chức thực hiện.

“Tuy nhiên, những văn bản này vẫn là dưới luật, luật có hiệu lực chỉ sau Hiến pháp. Có những vấn đề bỏ qua được nhưng có những vấn đề luật đã quy định mà vướng thì không thể thực hiện được. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, trong thời gian sớm nhất, cần luật hóa những vấn đề cốt lõi để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Khi đã luật hóa rồi thì văn bản đó sẽ ngang bằng hoặc cao hơn những văn bản luật khác. Nếu không luật hóa thì cũng phải có một nghị quyết riêng của QH về việc thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần phát huy tối đa nguồn lực về tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ, công chức, viên chức”, Đại biểu nêu giải pháp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhận định, điều kiện để cán bộ bớt “sợ sai” là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời sớm thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị. Vấn đề thứ 3 cần giải quyết là đánh giá cán bộ và trả lương. “Thu nhập cán bộ phải được đo lường và đánh giá theo hiệu quả của công việc. Việc tuyển dụng, kỷ luật hay cho nghỉ việc phải được xử lý theo các bước rõ ràng, minh bạch, không để tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “có vào mà không có ra””, Đại biểu nói.

Theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, cán bộ trước hết phải làm tròn nhiệm vụ được phân công; làm tròn vai trò, trách nhiệm mà mình được giao.

Khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không làm ảnh 2

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, Đảng đã có chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ 6 dám, nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn đang tồn tại. Do đó, để hóa giải được tư tưởng sợ trách nhiệm thì một hành lang pháp lý bảo vệ cho cán bộ, công chức là điều hết sức cần thiết.

“Để khắc phục bệnh sợ trách nhiệm, một mặt cần tập trung rà soát bất cập, nhanh chóng sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và đồng bộ hơn”, Đại biểu nêu ý kiến.

Cùng với đó, cần đổi mới cách đánh giá cán bộ theo hướng phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó, vững tâm tin rằng nếu mình làm vì lợi ích chung sẽ được nhìn nhận đúng. Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng phải quy định triệt để nguyên tắc rõ đối tượng, rõ người thực thi, rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thời gian. Đồng thời, coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá trên cơ sở mở rộng, đề cao dân chủ nhằm kích hoạt tinh thần dám nghĩ, dám làm và các nhân tố mới.

Còn Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đề xuất giải pháp là phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người đứng đầu. “Cần tổng kết lại xem đã xử lý được bao nhiêu người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ, có bao nhiêu người cho “đứng sang một bên” khi không làm được việc”, Đại biểu nêu quan điểm.

“Cần phải làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp của chúng ta không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức, viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động, sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn”, (Đại biểu QH Trần Hữu Hậu).

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here