Hệ lụy từ việc khan hiếm lao động nghề biển ở các tỉnh phía Nam

0
58
Hệ lụy từ việc khan hiếm lao động nghề biển ở các tỉnh phía Nam

Biên phòng – Hiện nay, tại một số tỉnh phía Nam, nghề biển đang đối mặt với vô vàn khó khăn do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, thu nhập từ nghề biển không cao, trong khi đó, một số tàu cá kéo dài phiên biển đến “ngạt thở” (4-5 tháng mới vào bờ để giảm phí tổn). Vì vậy, nhiều lao động không mặn mà với nghề biển. Từ đó, các chủ tàu phải sống chết với bài toán “kiếm bạn chài bằng mọi giá”dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bài 1: Ngăn chặn nạn ép người đi biển

Các trạm kiểm soát của BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu đã công bố đường dây nóng ngay tại chốt kiểm soát Biên phòng, qua đó, đã ngăn chặn thành công hàng trăm vụ lao động bị cưỡng bức đi biển ngoài ý muốn mang tính chất mua bán bán người. Nhưng cũng có một số vụ lao động bị đưa chui ra tàu đánh cá bằng các thuyền đi tắt bãi ngang. BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục chuyển hồ sơ các vụ việc này sang cơ quan Công an để xử lý các đối tượng mua bán, cưỡng bức lao động.

Hệ lụy từ việc khan hiếm lao động nghề biển ở các tỉnh phía Nam
Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Tỉnh thực hiện thủ tục lưu thông tin ngư dân đi biển để quản lý và kịp thời xử lý, hỗ trợ trong mọi tình huống. Ảnh: Văn Chương

Gặp, hỏi, đối chiếu

Trạm Kiểm soát Biên phòng Bến Đá, Đồn Biên phòng Bến Đá (ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm giữa sông nước, những chiếc tàu đánh cá hằng ngày ra, vào đều làm thủ tục xuất – nhập bến. Đối với những chiếc tàu làm nghề giã cào đánh bắt xa bờ, BĐBP tiến hành qui trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nghiêm ngặt nhằm phòng, ngừa khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và tránh nạn ép ngư dân đi biển.

Chiếc tàu cá BV99292TS cập vào trạm kiểm soát Biên phòng neo giữa sông để làm thủ tục xuất bến. Tàu này do ngư dân Huỳnh Trợ, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, hiện tạm trú tại địa phương làm thuyền trưởng. Trung tá Lê Duy Quán, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Bến Đá yêu cầu chủ tàu xuất trình danh sách thuyền viên đi trên tàu, sau đó, đối chiếu với từng người, hỏi thăm về việc đi biển là tự nguyện hay do bị ép buộc.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Cảnh, một lao động từ tỉnh Bến Tre tới tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để làm nghề biển theo diện lao động tự do. Cảnh cho biết, dạo này BĐBP làm gắt dữ lắm, bởi ở Bến Tre cũng có thanh niên tới Trung tâm môi giới và giới thiệu việc làm ở khu vực bến xe miền Đông cũ, hoặc bến xe An Sương, nhưng khi đưa xuống dưới Phước Tỉnh thì bị đưa lên tàu đi biển 4 tháng mới vào bờ. Trong khi đó, ban đầu, họ chỉ hứa là xuống bến bốc cá, được trả lương và bao ăn, ở.

Do tình hình tàu cá thiếu lao động và nạn ép người đi biển trở thành vấn đề nóng, nên tại 2 trạm kiểm soát Biên phòng Phước Tỉnh và Bến Đá đều treo tấm pa nô tuyên truyền lớn, choán hết bên hông của trạm kiểm soát. Nội dung trên pa nô khuyến cáo, nghiêm cấm các hành vi mua bán, cưỡng bức lao động làm việc trên tàu cá và in số điện thoại đường dây nóng để người dân tiện liên hệ, tố giác tội phạm.

Thân nhân cầu cứu

Đại úy Đỗ Văn Tuấn, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Bến Đá cho biết, tình trạng ngư dân bị các đối tượng môi giới lao động ép đưa xuống tàu đi đánh cá vẫn đang âm ỉ ở một số địa phương, đơn vị đã nhiều lần hỗ trợ kinh phí cho các ngư dân được giải cứu vào bờ. Nhiều trường hợp thân nhân từ xa tới đây tìm kiếm người nhà, đơn vị cũng tạo điều kiện giúp đỡ.

Đồn Biên phòng Bến Đá và Đồn Biên phòng Phước Tỉnh trong những năm qua liên tiếp nhận được đơn kêu cứu của người nhà các ngư dân. Ngày 14/10/2022, anh Lữ Văn Hợi, sinh năm 1966, từ huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã vào Đồn Biên phòng Bến Đá cầu cứu từ cuộc điện thoại của một người em tên là Lữ Văn Tư, sinh năm 2000. Qua điện thoại, anh Hợi đã trình báo thông tin người em của mình cầu cứu từ tàu cá đang hoạt động ở ngoài khơi vì bị bắt lao động quần quật nhiều ngày mà không cho vào bờ.

Đây là cuộc điện thoại ngắn ngủi, vì anh Tư ở giữa biển, không có sóng điện thoại, chỉ có thể điện được khi tàu chạy vào gần các đảo. Nghe giọng của người em, anh Hợi biết em mình gặp nguy hiểm, bởi từ nhỏ tới giờ, em của anh chưa từng đi biển. Anh Hợi đã tìm cách liên lạc với phía chủ tàu là bà Lan, nhưng người này yêu cầu phải chuyển khoản 6 triệu đồng thì mới “buông” cho anh Tư vào bờ, vì đây là tiền bà đã bỏ ra để trả cho “cò”.

Nghĩ về việc em mình bị cưỡng ép đi biển, mà bây giờ còn phải chuộc người là điều hết sức vô lý. Nhưng để bảo toàn tính mạng cho em, anh Hợi đã chấp nhận chuyển trả 6 triệu đồng vào chủ tài khoản tên là Nguyễn Thị Nguyệt. Nhưng sau khi nhận tiền rồi thì đối tượng này lại “bẻ kèo”, nói đang ở ngoài khơi xa, không thể vào bờ. Vậy là anh Hợi đón xe vào tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đến Đồn Biên phòng Bến Đá cầu cứu.

Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Bến Đá đã mời những người có liên quan làm việc và xác định, anh Tư đang đi trên tàu cá BV97278TS, do ông Dương Văn Tâm, sinh năm 1973, quê ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng. Tàu làm nghề lưới kéo và đi cặp với tàu cá BV97959TS, do ngư dân Nguyễn Viết Nam, sinh năm 1973, quê ở phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm thuyền trưởng. 2 chiếc tàu này xuất bến vào ngày 17/9/2022.


Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 5.401 tàu cá, trong đó có 1.414 tàu làm nghề giã cào nên nhu cầu nhân lực nghề biển rất lớn. Ảnh: Văn Chương

Lòng vòng môi giới lao động trên biển

Nghiên cứu nhiều bộ hồ sơ nghiệp vụ ở 2 đồn Biên phòng Bến Đá và Phước Tỉnh, có thể rút ra các thủ đoạn chung và đặc điểm tâm lý của những nạn nhân để phổ biến, giúp người lao động không bị lọt vào đường dây môi giới với “cò” và chủ tàu cá. Vì trong thời gian qua, phần lớn các ngư dân kêu cứu, sau đó được BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu giải cứu đều là những thanh niên chưa biết gì nghề biển nên khi ra khơi thì đối với họ là một cực hình kinh khủng.

Rất nhiều nạn nhân khai báo về việc được Trung tâm môi giới việc làm Thảo Linh ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu xuống thành phố Vũng Tàu làm nghề nhặt cá với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng, kèm bao ăn, ở, sinh hoạt. Người của trung tâm môi giới sẽ đưa họ xuống các làng chài giao lại cho “cò” và nhận tiền hoa hồng 3-4 triệu đồng/người. Các đối tượng “cò” sẽ bắt các ngư dân này ký vào giấy cam kết với nội dung họ chịu sự quản lý, “điều động” của “cò”. Sau đó, lao động bị “cò” bán đứng cho các chủ tàu mà không cần biết họ có chấp thuận công việc được giao.

Ngư dân Ngô Quốc Dược, sinh năm 1988, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, một nạn nhân được Đồn Biên phòng Bến Đá giải cứu vào cuối tháng 3/2022, kể lại, nhiều lúc cùng quẫn do lao động khổ sở, anh đã có ý định nhảy xuống biển tự sát. Sau khi được Đồn Biên phòng Bến Đá giải cứu và động viên, anh Dược khai báo lại toàn bộ sự việc để BĐBP có đủ căn cứ pháp lý trước khi bàn giao vụ án cho Công an huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục điều tr, xử lý.

Hiện nay, nghề biển tại một số địa phương rất thiếu nhân lực, nhất là nghề giã cào. Để tối ưu hóa lợi nhuận, giảm phí tổn, các chủ tàu, thuyền trưởng ép thuyền viên đi biển 3-4 tháng mới cho tàu vào bờ, trong khi mỗi tháng người lào động chỉ được trả 12 triệu đồng tiền công.

Bài 2: Muôn nẻo bạn chài qua “cò”

Lê Văn Chương

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here